09:00 08/07/2019

Mục tiêu 2019, xuất khẩu lâm sản 11 tỷ USD

Chu Khôi

Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch đạt 5,23 tỷ USD, tăng 20%

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cuối tuần qua, Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức "Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019". Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giao nhiệm vụ cho ngành lâm nghiệp phải đưa kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả năm 2019 lên 11 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm trước.

Ông Phạm Văn Điển, Phó tổng cục Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp quý 1/2019 tăng 4,32%; quý 2/2019 tăng khoảng 4,53%, cao hơn 0,08% so với cùng kỳ năm 2018.

Xuất siêu gần 4 tỷ USD

Trong nửa đầu năm, cả nước đã trồng rừng được 108.456 ha, đạt 51% kế hoạch năm, bằng 102% so với cùng kỳ năm ngoái; khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc khoảng 105.000 ha, sản lượng đạt 9,7 triệu m3, tương đương 49,7% kế hoạch năm 2019, tăng 4,86% so với cùng kỳ năm 2018.

Đặc biệt, thành tích nổi trội nhất của ngành lâm nghiệp chính là kim ngạch xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 5,23 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018. 

Điểm đến của 87% kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam là các thị trường truyền thống (Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc) có yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ. 

Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là 1,25 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, cán cân thương mại toàn ngành trong nửa năm nay, xuất siêu gần 4 tỷ USD.

Công tác quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, bảo đảm kinh doanh rừng lâu dài tiếp tục có tiến bộ. 6 tháng đầu năm 2019, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ mới là 17.000ha, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 237.386ha. Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam đã trở thành thành viên hợp tác thứ 50 với PEFC. 

Việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, cả nước đã thu được 1.208,7 tỷ đồng, đạt 38,7% kế hoạch thu năm 2019, bằng 111% so với cùng kỳ năm 2018...

Đề cập công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng (PCCR), ông Điển cho biết, cả nước đã phát hiện 5.691 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, giảm 1.117 vụ (giảm 16%) so với 6 tháng đầu năm 2018. 

Trong đó, đã xảy ra 863 vụ phá rừng, giảm 109 vụ (giảm 11%), diện tích rừng bị phá 287 ha, giảm 34 ha (giảm 11%) so với cùng kỳ năm 2018. Đã xử lý hành chính 4.938 vụ, xử lý hình sự 126 vụ. 

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm đã xảy ra 156 vụ cháy rừng, tăng 61 vụ so với cùng kỳ năm ngoái, diện tích rừng bị cháy 930 ha, tăng 705 ha (hơn 4 lần cùng kỳ năm 2018)...

Phải là trụ đỡ cho nông sản Việt Nam

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trong những tháng cuối năm, ngành lâm nghiệp cần tập trung để hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật để giúp người dân và doanh nghiệp vận dụng tốt Luật Lâm nghiệp đã được ban hành; các đơn vị cần nghiên cứu và có những đề xuất, tham mưu để lãnh đạo bộ xem xét, đặc biệt là đối với Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Bởi Hiệp định này được xem là một hướng hội nhập về thể chế và Việt Nam là quốc gia thứ hai của châu Á tham gia.

Chỉ đạo trực tiếp hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định: "Trong bối cảnh các nhóm ngành hàng nông nghiệp vừa giảm về số lượng và giá trị kể cả trong nước và xuất khẩu thì lâm nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, là trụ đỡ cho nông sản Việt".

Theo Bộ trưởng, ngoài lợi thế với khoảng 4.500 doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ, Việt Nam cũng đang còn rất nhiều tiềm năng về dược liệu, có thể thu về tỉ đô nếu biết quản lý, khai thác, đây là hướng mà ngành lâm nghiệp cần xác định để chuyển trạng thái, tạo bước phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp. 

"Đặc biệt, với việc một loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được thông qua, vấn đề nguyên liệu và nguồn gốc gỗ hợp pháp là điều tất yếu trong xu thế hội nhập của ngành lâm nghiệp. Bên cạnh đó, những tháng cuối năm, công tác phòng chống cháy rừng cần phải tiếp tục quan tâm hơn nữa. 

Biến đổi khí hậu nắng nóng suốt hơn tháng qua khiến nguy cơ cháy rừng khu vực miền Trung vẫn ở mức rất cao. Về lâu dài, phải xây dựng được một khuôn khổ chính sách phù hợp trong phòng chống cháy rừng mang tính bền vững. Tổng rà soát công tác quản lý để tránh trục lợi chính sách. Cần phải xây dựng các đề án bảo vệ và phát triển rừng cho từng khu vực", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng giao nhiệm vụ cho ngành lâm nghiệp phải đảm bảo kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 11 tỷ USD năm 2019, góp phần giải quyết việc làm, giảm bớt áp lực tăng trưởng cho lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu chung của cả ngành nông nghiệp.