Mỹ cân nhắc đưa Alibaba, Tencent vào danh sách cấm đầu tư
Việc áp lệnh cấm đầu tư vào Alibaba và Tencent - 2 hãng công nghệ có vốn hóa lớn nhất Trung Quốc - sẽ đánh dấu bước leo thang căng thẳng lớn nhất của chính quyền Tổng thống Trump với Bắc Kinh
Cổ phiếu của hai hãng Internet khổng lồ Trung Quốc Alibaba và Tencent lao dốc mạnh đầu phiên giao dịch ngày 7/1 sau khi có nguồn tin cho biết chính quyền Mỹ đang cân nhắc cấm các tổ chức, cá nhân Mỹ đầu tư vào hai công ty này, theo Bloomberg.
Giá cổ phiếu Alibaba và Tencent lần lượt giảm 3,9% và 2,7% tại phiên giao dịch trước giờ tại Hồng Kông ngày 7/1.
Trước đó, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin thân cận cho biết Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc Phòng và Bộ Tài chính Mỹ là ba trong số các cơ quan thẩm quyền của Mỹ đang cùng thảo luận về việc cấm nhà đầu tư Mỹ rót vốn vào Alibaba và Tencent, đồng thời xác định việc này sẽ ảnh hưởng thế nào tới các thị trường vốn.
Theo Bloomberg, việc áp lệnh cấm đầu tư vào hai hãng công nghệ có vốn hóa lớn nhất Trung Quốc này sẽ đánh dấu bước leo thang căng thẳng lớn nhất từ trước đến nay của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump với Bắc Kinh. Với tổng giá trị vốn hóa 1.400 tỷ USD tại thị trường niêm yết chính, Alibaba và Tencent có quy mô gấp đôi thị trường chứng khoán Tây Ban Nha và chiếm khoảng 11% chỉ số các thị trường mới nổi của MSCI Inc.
"Nếu lệnh cấm như vậy được thực thi, tác động tới thị trường sẽ rất lớn", Steven Leung, giám đốc điều hành của Uob Kay Hian (Hong Kong) Ltd., nhận xét. "Vẫn còn quá sớm để nói trước điều gì. Sau khi Tổng thống đắc cử Joe Biden lên nắm quyền, chính sách có thể sẽ lại thay đổi".
Thông tin trên đã khiến giá cổ phiếu của quỹ iShares China Large-Cap ETF - một quỹ ETF dựa trên các cổ phiếu vốn hóa lớn của Trung Quốc - tại Mỹ giảm 1,2%. Trong khi đó, Chỉ số NASDAQ Golden Dragon China - theo dõi các cổ phiếu công nghệ lớn khác tại Trung Quốc - giảm 2,1% trong phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2020. Giá cổ phiếu hãng thương mại điện tử Trung Quốc JD.com cũng sụt 7,7%.
Các nhà chức trách Mỹ đang đẩy mạnh loại bỏ các công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường vốn của Mỹ với nhiều lý do trong những tháng cuối cùng của chính quyền Tổng thống Trump, khiến căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng leo thang khi mà Tổng thống đắc cử Joe Biden chuẩn bị lên nắm quyền vào ngày 20/1 tới.
Với lý do an ninh quốc gia, tháng 11/2020, Tổng thống Trump ký một sắc lệnh cấm các nhà đầu tư Mỹ rót vốn những công ty Trung Quốc có mối liên hệ với quân đội nước này. Ngày 5/1, ông Trump tiếp tục ký lệnh cấm các giao dịch tại Mỹ liên quan tới 8 ứng dụng phần mềm Trung Quốc bao gồm ứng dụng thanh toán Alipay của Ant Group và các ví điện tử của Tencent. Khi lên nắm quyền, ông Biden sẽ là người quyết định sẽ thực thi lệnh cấm này hay không.
Theo Bloomberg, những động thái vội vàng từ phía Mỹ đôi khi gây hoang mang trên thị trường và tác động lớn tới giá cổ phiếu, ví dụ như việc sàn chứng khoán New York (NYSE) tuyên bố rồi lại rút lại kế hoạch hủy niêm yết đối với 3 công ty viễn thông của Trung Quốc. NYSE giờ đây lại đang thực hiện kế hoạch hủy niêm yết ban đầu sau khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin không đồng ý với quyết định "tha" cho ba công ty trên.
Lệnh cấm đầu tư vào các công ty bị xác định có liên quan tới quân đội Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Trump sẽ có hiệu lực từ ngày 11/1 tới. Nếu ông Biden quyết định thực thi lệnh cấm này, các công ty đầu tư, quỹ hưu trí của Mỹ sẽ phải bán toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại những công ty nằm trong danh sách được xác định là có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc trước ngày 11/11/2021. Và nếu Mỹ quyết định đưa thêm các công ty Trung Quốc vào danh sách này, nhà đầu tư Mỹ sẽ có 60 ngày để rút vốn khỏi các công ty đó.
Thông tin về lệnh cấm của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Alibaba, Tencent cũng như nhiều hãng công nghệ lớn của Trung Quốc đang chịu áp lực lớn ở trong nước. Tháng 11 năm ngoái, nhà chức trách Trung Quốc đã đình chỉ thương vụ IPO 35 tỷ USD của Ant Group - công ty tài chính liên kết của Alibaba, đồng thời áp dụng các quy định mới nhằm kiềm chế sự thống trị của các hãng Internet khổng lồ. Alibaba và Tencent cũng bị phạt vì các thương vụ thâu tóm từ nhiều năm trước. Việc Bắc Kinh kiểm soát chặt hơn đối với các thương vụ thâu tóm và sáp nhập có thể gây ra những bất ổn lớn với sự phát triển của các hãng Internet lớn tại Trung Quốc.