Xuất khẩu của Nhật Bản tiếp tục giảm dưới sức ép thuế quan Mỹ
Việc xuất khẩu của Nhật Bản tiếp tục trượt dốc trong tháng 6 trái ngược hoàn toàn với dự báo của giới phân tích...

Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 6 giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp nối cú giảm 1,7% trong tháng 5. Hai tháng xuất khẩu giảm liên tiếp cho thấy thuế quan của Mỹ đang đặt ra thách thức lớn đối với nền kinh tế có độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu của đất nước mặt trời mọc.
Việc xuất khẩu của Nhật Bản tiếp tục trượt dốc trong tháng 6 trái ngược hoàn toàn với dự báo của giới phân tích. Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các chuyên gia đã dự báo mức tăng 0,5%.
Dữ liệu trên được Nhật Bản công bố sáng 17/7, trong bối cảnh đàm phán thương mại giữa Nhật Bản với Mỹ không có dấu hiệu đột phá nào. Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã gửi thư tới Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru thông báo việc sẽ áp thuế quan đối ứng 25% lên hàng hóa Nhật từ ngày 1/8, cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức 24% công bố hồi đầu tháng 4.
Ngày 16/7, ông Trump nhắc lại rằng mức thuế quan 25% sẽ được áp dụng với hàng hóa Nhật Bản vào Mỹ vì ông không kỳ vọng sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại với nước này.
Số liệu mới được công bố cũng cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ trong tháng 6 giảm 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Chuyên gia Marcel Thieliant của công ty nghiên cứu Capital Economics nói rằng đây là mức giảm mạnh nhất của xuất khẩu Nhật sang Mỹ kể từ năm 2020 trong giai đoạn cao điểm của đại dịch Covid-19.
Nền kinh tế Nhật Bản có sự phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Tính cả xuất khẩu dịch vụ, lĩnh vực xuất khẩu chiếm khoảng 22% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nhật trong năm 2023 - theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (WB).
Từ ngày 3/4 năm nay, ô tô Nhật Bản xuất khẩu sang Mỹ cũng phải đối mặt với mức thuế quan 25%. Theo dữ liệu hải quan, xuất khẩu ô tô sang Mỹ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản, chiếm 28,3% tổng lượng ô tô xuất khẩu của nước này trong năm 2024. Trong khi đó, dữ liệu từ Bộ Thương mại Nhật Bản cho thấy xuất khẩu ô tô - bao gồm ô tô con, xe bus và xe tải - sang Mỹ đã giảm 26,7% trong tháng 6, tiếp nối mức giảm 24,7% của tháng 5.
Ông Theliant nhận định rằng các nhà sản xuất ô tô Nhật dường như đang tăng cường giảm giá để giữ thị phần. Vị chuyên gia chỉ ra rằng trong khi số lượng xuất khẩu xe con của Nhật sang Mỹ trong tháng 6 tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, giá trị lại giảm 25,3% so với cùng kỳ năm trước.
“Một phần nguyên nhân là đồng yên tăng giá, mà hàng xuất khẩu từ Nhật sang Mỹ thường được ghi giá trị bằng USD trong hóa đơn. Nhưng nguyên nhân chính là việc giảm giá, trong đó có vẻ như các hãng xe Nhật hấp thụ gần như hoàn toàn thuế quan 25% mà ông Trump áp lên ô tô Nhật”, ông nói với hãng tin CNBC.
Hiện tại, hàng hóa Nhật Bản - ngoại trừ những mặt hàng mà Mỹ áp thuế quan theo ngành như ô tô, thép, nhôm và đồng - đang bị áp mức thuế cơ sở 10% như hàng hóa của các nền kinh tế khác. Giới phân tích cho rằng nếu thuế quan của Mỹ đối với Nhật Bản tăng lên, nền kinh tế Nhật sẽ đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái.
Nền kinh tế Nhật Bản đã suy giảm trong quý 1 của năm nay so với quý trước đó, do xuất khẩu suy yếu. Nếu sự suy giảm tiếp tục diễn ra trong quý 2, kinh tế Nhật sẽ đáp ứng định nghĩa của một cuộc suy thoái kỹ thuật.
Hôm 8/7, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Nhật Bản, Bộ trưởng Ryosei Akazawa, nói rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại Nhật - Mỹ nào cũng phải bao gồm các nhượng bộ của Mỹ đói với ô tô Nhật. Ông cũng bác bỏ mọi thời hạn, bao gồm cả mốc 1/8 mà ông Trump đặt ra cho việc áp thuế quan cao hơn, đồng thời nói thêm rằng ông sẽ không hy sinh ngành nông nghiệp của Nhật Bản để sớm đi đến một thỏa thuận.
Trước đó, ông Trump đã nhắm vào ngành lúa gạo của Nhật vào hôm 1/7, đăng trên mạng xã hội Truth Social một bài viết phàn nàn về việc Nhật Bản không mua thêm gạo Mỹ dù đang khủng hoảng thiếu gạo. Trên thực tế, Nhật Bản đã nhập khẩu hơn 350.000 tấn gạo từ Mỹ trong năm 2024, và Mỹ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất sang Nhật Bản trong năm đó.
Cuộc bầu cử Thượng viện của Nhật Bản sẽ diễn ra vào cuối tuần này, và một quyết định mở cửa ngành nông nghiệp có thể sẽ khiến Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền mất phiếu từ cử tri nông dân - một lực lượng ủng hộ quan trọng của đảng.
Ông Takeshi Niinami, CEO hãng đồ uống Suntory Holdings, cho rằng Nhật Bản có vẻ đã quá cứng rắn trong đàm phán thương mại với Mỹ. “Tôi cho rằng từ đầu, Nhật Bản đã không chấp nhận mức thuế quan 10%. Lẽ ra các nhà đàm phán Nhật nên nhận thấy rằng mức 10% là tất yếu… Nếu họ chấp nhận mức thuế đó, thì Nhật có lẽ chúng ta đã không phải nói đến mức thuế 25% bây giờ”, ông Niinami nói với CNBC, nhấn mạnh rằng 10% là mức thuế cơ sở được áp toàn cầu, ngay cả với những quốc gia có thâm hụt thương mại với Mỹ.