09:00 22/05/2024

Nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc

Nhĩ Anh

Việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá “bỏ cọc” phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 21/5/2024, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 42 điều và bãi bỏ 3 điều của Luật hiện hành; bổ sung 3 điều mới; tăng 17 khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

MỨC TIỀN ĐẶT TRƯỚC TỐI THIỂU 10% VÀ MỨC TỐI ĐA 20% GIÁ KHỞI ĐIỂM

Để bảo đảm tính rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng trên thực tế, dự thảo Luật quy định theo hướng liệt kê các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành hiện hành quy định phải đấu giá trên cơ sở rà soát, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật chuyên ngành.

Dự thảo Luật cũng đã được thiết kế theo hướng gom nhóm tài sản trên cơ sở quy định của pháp luật điều chỉnh đối với tài sản đó như: quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản; quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Đối với việc xác định tài sản đủ hay không đủ điều kiện đưa ra đấu giá thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành, Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá. Pháp luật chuyên ngành sẽ quy định tài sản nào, giá trị như thế nào thì phải đấu giá, tài sản nào, giá trị bao nhiêu thì không đấu giá, tài sản nào thì đấu giá quyền cho thuê, tài sản nào thì đấu giá quyền sở hữu.

Đồng thời, tại dự thảo Luật cũng đã có quy định chung mang tính khái quát đối với tài sản khác mà pháp luật chuyên ngành quy định phải đấu giá để bảo đảm tính bao quát, đầy đủ và dự liệu trước các tài sản có thể phát sinh trong tương lai.

Mặt khác, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì tài sản bị tịch thu, tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu... được xác định là tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân thuộc nhóm tài sản công. Tại dự thảo Luật đã có quy định tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là một trong các loại tài sản mà pháp luật quy định phải đấu giá.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng thay cụm từ “bán thông qua đấu giá” thành “đấu giá” nhằm bao quát hết các loại tài sản mà hiện nay pháp luật quy định phải thực hiện thông qua đấu giá không chỉ nhằm mục đích để bán tài sản mà còn để được giao, cho thuê, chuyển nhượng, cấp phép quyền khai thác tài sản…

Liên quan đến vấn đề tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay, dự thảo Luật quy định rõ hơn về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù và thường là tài sản có giá trị lớn, có thể tác động đến thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, mức tiền đặt trước tối thiểu là 10% và mức tối đa là 20% giá khởi điểm để góp phần hạn chế tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, đất đai, tần số vô tuyến điện… và thực tiễn áp dụng việc đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù này.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp đấu giá quyền cho thuê tài sản mà giá khởi điểm được xác định theo đơn giá thuê hằng năm thì tiền đặt trước tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm nhân với thời hạn cho thuê.

XỬ LÝ TÌNH TRẠNG BỎ CỌC SAU KHI TRÚNG ĐẤU GIÁ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc nâng mức tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác là không phù hợp vì các tài sản đặc thù này thường có giá trị rất lớn.

Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% của Luật hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá.

Như vậy, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng; đồng thời, việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá “bỏ cọc” phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để hoàn thiện quy định tiền đặt trước theo hướng tăng theo lũy kế sau mỗi bước giá khi sửa đổi toàn diện Luật Đấu giá tài sản nhằm ngăn chặn việc người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường trong quá trình đấu giá nhưng sau đó bỏ cọc.

Về chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị huỷ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 06 tháng đến 05 năm. Điều này nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong hoạt động đấu giá tài sản.

Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định cấm tham gia đấu giá là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá; quyết định cấm tham gia hoạt động đấu giá phải được gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử lý và cơ quan, tổ chức có liên quan, đồng thời gửi đến Bộ Tư pháp và phải đăng tải trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung này.

Về các hành vi nghiêm cấm, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bỏ cụm từ “nhằm mục đích trục lợi” đối với hành vi “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá” để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tính khả thi của quy định này.

Đồng thời, để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, ngăn chặn tình trạng thông đồng, móc nối với nhau trong một cuộc đấu giá tài sản, dự thảo Luật đã bỏ cụm từ “để trả giá” quy định tại điểm d1 khoản 5 Điều 9 nhằm mở rộng hành vi bị nghiêm cấm mà không cần xét đến mục đích đối với trường hợp người tham gia đấu giá nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá của một hoặc hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó hoặc những người này là người tham gia đấu giá tài sản đó.

Ngoài ra, qua rà soát, để bảo đảm thống nhất với quy định tại Điều 218 của Bộ luật Hình sự, dự thảo bổ sung các hành vi bị cấm với đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trong việc lập danh sách khống về người đăng ký tham gia đấu giá, lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động đấu giá tài sản.  Đồng thời, nghiêm cấm đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thông đồng, móc nối với nhau để dìm giá, nâng giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản.