07:05 21/07/2023

Nền kinh tế quá dựa vào bất động sản sẽ rất rủi ro

Phan Nam

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch DTJ Group, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng phát triển kinh tế không nên phụ thuộc quá lớn vào bất động sản, mà sản xuất công nghiệp mới là lĩnh vực giúp nền kinh tế trong nước phát triển bền vững, hùng cường…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Thưa ông, rất nhiều ý kiến cho rằng bất động sản là lĩnh vực đầu kéo của nền kinh tế, nếu thị trường này lao dốc sẽ kéo theo sự đình trệ của hàng loạt lĩnh vực khác. Do đó, cần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Kinh tế phải tăng trưởng bằng nguồn lực từ sản xuất công nghiệp, tạo ra giá trị và kinh doanh trên đất chứ không nên quá dựa vào bất động sản. Ngay nội dung câu hỏi của bạn cũng đã hàm ý cho thấy rằng một nền kinh tế không có công nghiệp mà quá dựa vào bất động sản, thì rất nguy hiểm. 

Ông Nguyễn Quốc Khánh
Ông Nguyễn Quốc Khánh

Trên thực tế, thị trường bất động sản và các ngành nghề liên quan những năm vừa qua đóng góp trên 20% cho GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, khi bất động sản rơi vào trầm lắng, hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn lao đao, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, thu ngân sách các tỉnh giảm sút nghiêm trọng. Như vậy, rõ ràng nền kinh tế không thể dựa vào bất động sản, thu tiền sử dụng đất, đây là tài nguyên hữu hạn, đất đai càng khai thác thì càng thu hẹp lại và dẫn tới cạn kiệt... 

Vậy, theo ông, lĩnh vực nào được coi là đầu tàu của nền kinh tế?

Có thể thấy, kinh tế của hầu hết các nước phát triển đều dựa vào phát triển công nghiệp.

Các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... đều tận dụng cơ hội từ sản xuất công nghiệp để phát huy nguồn lực phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển xã hội văn minh, hiện đại. 

Nhật Bản có 3 thập kỷ sau chiến tranh thế giới thứ hai, những năm 60-80, phát triển rất mạnh mẽ về công nghiệp. Kết quả đạt được là từ một nước hạn chế về tài nguyên, chịu ảnh hưởng nặng nề sau chiến tranh, Nhật Bản đã vươn lên trở thành nước đứng thứ 2 thế giới ngay sau đó.

Tương tự, Trung Quốc, từ những năm 70 đến nay đã phát triển mạnh mẽ về sản xuất công nghiệp, cơ sở hạ tầng, đứng thứ 2 thế giới ở thời điểm hiện tại…

Các quốc gia này ngoài hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, đời sống của người dân được nâng cao, còn sở hữu những doanh nghiệp đa quốc gia, những thương hiệu hàng đầu thế giới về khoa học công nghệ, điện tử, công nghiệp. 

Như vậy, muốn đất nước hùng cường, đội ngũ các doanh nghiệp trong nước phải phát triển lớn mạnh. Doanh nghiệp sản xuất trong nước mới là động lực của tăng trưởng kinh tế bền vững, làm nên thương hiệu của quốc gia trên trường quốc tế. Ngành sản xuất, đặc biệt là sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước sẽ giúp tạo ra của cải, hàng hóa để phục vụ xã hội, xuất nhập khẩu, cạnh tranh bền vững trên thị trường, từ đó đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế....

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 28 - 2023 phát hành ngày 10 - 7 - 2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nền kinh tế quá dựa vào bất động sản sẽ rất rủi ro - Ảnh 1