"Neo" giá trong nước, nguy cơ nhập lậu vàng gia tăng
Giá vàng trong nước cao hơn quá nhiều so với thế giới khiến nguy cơ vàng lậu ngày càng tăng
Khi thị trường vàng khan hiếm nguồn cung chính ngạch và giá vàng trong nước cao hơn rất nhiều so với thế giới thì dễ nảy sinh nguy cơ nhập lậu.
VÀNG TRONG NƯỚC NEO GIÁ CAO
Kể từ năm 2012, thời điểm Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, thị trường này đã có những phản ứng tích cực.
Trong đó, tâm lý găm giữ đầu cơ đã giảm đáng kể khi thị trường vàng miếng được cấp phép đi vào hoạt động, người dân yên tâm hơn khi mang vàng đi bán.
Đồng thời, thông tin về giá mua bán được công bố công khai minh bạch và cập nhật nhanh hơn. Đặc biệt, quy định mới đã khiến các đơn vị được cấp phép tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh hơn.
Vì vậy, thị trường bắt đầu tự điều tiết cung – cầu trong định hướng của chính sách, Nhà nước không phải chi ngoại tệ nhập khẩu vàng với mục đích can thiệp thị trường như trước đó.
Tuy nhiên, cũng vì việc phải tự điều tiết, giá vàng trong nước luôn có độ trễ so với thị trường nước ngoài. Thường xảy ra theo xu hướng lên nhanh hơn, biên độ rộng hơn và ngược lại, giảm chậm, biên độ hẹp ở chiều xuống.
Trao đổi với một giám đốc của công ty vàng có tiếng, vị này giải thích, về nguyên tắc cơ bản của kinh doanh vàng là phải mua vào và bán ra, không một nhà đầu tư nào ôm vàng cả năm chỉ chờ giá lên. Theo đó, mỗi khi bán ra 1 lượng thì cũng phải mua vào 1 lượng tương ứng. Điểm kết nối các vòng quay mua – bán là những nhịp tăng giá.
Ví dụ, một công ty bán ra 1 lượng giá 48 triệu đồng, ăn lãi 0,2 triệu đồng so với giá mua trước đó. Thế nhưng, nếu ngay sau đó, thị trường tăng lên 48,5 triệu đồng/lượng mà vẫn phải mua vào để có hàng bán thì công ty mặc nhiên đã lỗ 0,3 triệu đồng.
Như vậy, ở vòng quay mua bán thứ 2, công ty phải đẩy giá cao hơn hy vọng bù lại phần lỗ hoặc có thể có lãi. Giá vàng do vậy tăng rất nhanh. Cộng thêm yếu tố không tự chủ nguồn cung nên giá vàng trong nước vượt ngoài diễn biến giá thế giới.
Trái lại, vàng tại Việt Nam vẫn chủ yếu nằm trong dân. Khi giá lên họ đồng ý mua vào, nhưng khi giá xuống họ không chấp nhận sự thật. “Vàng đối với họ là tài sản, nên không ai muốn tài sản của mình mất giá trị”, vị giám đốc trên nhấn mạnh. Mặt khác, các công ty cũng phải đề phòng rủi ro bất chợt nên vàng trong nước hạ giá rất chậm, biên độ nhỏ.
Trong thời Covid-19 như hiện nay, diễn biến này vẫn được thể hiện. Dịch bệnh khiến vàng trở thành tài sản trú ẩn hoàn hảo, giá vàng liên tục phá đỉnh ở tất cả các thị trường. Đến khi giới đầu tư – với niềm tin vào vaccine ngừa Covid-19 – chuyển vốn mạnh sang những tài sản có độ rủi ro cao hơn, giá vàng thế giới đã tuột nhanh khỏi đỉnh lịch sử. Song vàng trong nước chỉ điều chỉnh rất nhẹ, chênh lệch giá giữa hai thị trường bị kéo doãng rộng.
Vào tuần cuối tháng 11, giá vàng trong nước có thời điểm cao hơn giá vàng thế giới 4,6 triệu đồng/lượng. Thậm chí, vào ngày 4/12, với diễn biến trái chiều, vàng thế giới tăng, vàng trong nước giảm nhưng chênh lệch giữa hai thị trường vẫn còn ở mức 3,6 triệu đồng/lượng
SỨC ÉP NHẬP LẬU VÀNG
Có một điểm đáng chú ý tại thị trường ngoại hối thời gian gần đây, giá USD tự do thường trái chiều với các thị trường còn lại.
Cụ thể, ngày 23/11, Ngân hàng Nhà nước giảm 50 VND giá mua USD tại Sở giao dịch xuống còn 23.125 VND. Ngay lập tức, tỷ giá liên ngân hàng cũng có mức biến động giảm mạnh. Tính đến ngày 27/11, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.148 VND/USD, giảm 29 đồng so với phiên ngày 23/11.
Tương tự, giá giao dịch USD của các ngân hàng thương mại cũng giảm mạnh trong ngày 23/11, sau đó nhích dần lên mức 23.050 VND (mua vào) và 23.260 VND (bán ra) ở ngày 27/11, giảm 5 VND/USD.
Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do lại tăng những 25 VND chiều mua vào và 20 VND chiều bán ra, lên mức 23.225 - 23.250 VND/USD.
Công ty Chứng khoán SSI nhận định: “Diễn biến trái chiều trên có thể do chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đang ở mức rất cao, lên tới 4,6 triệu đồng/ lượng”.
Dù công ty này không nói rõ nhưng có thể hiểu rằng, tỷ giá tự do tăng có liên quan đến vấn đề buôn lậu vàng. Tức, người dân mang vàng buôn lậu bán lấy VND, sau đó dùng VND đổi sang USD để ra nước ngoài mua vàng và tiếp tục buôn lậu. Hiện tượng buôn lậu càng nhiều thì nhu cầu đổi ngoại tệ càng lớn, nhu cầu lớn khiến giá USD tự do tăng cao vì mua ngoại tệ trên kênh chính thống cần phải có lý do và rất nhiều giấy tờ cần thiết.
Quả thực, rủi ro buôn lậu vàng tại Việt Nam luôn thường trực do thói quen, nhu cầu tích trữ vàng của người dân rất lớn, đặc biệt hơn khi chênh lệch giá đã đạt mức “kỳ vọng” của người buôn lậu.
Gần đây nhất, Công an tỉnh An Giang đã phát hiện và bắt giữ vụ vận chuyển trái phép 51 kg vàng từ Campuchia vào Việt Nam do bà trùm buôn lậu Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) cầm đầu, hồi cuối tháng 10 vừa qua.
Theo một chuyên gia phân tích, tình trạng buôn lậu vàng với số lượng lớn được phát hiện chủ yếu ở khu vực biên giới Tây Nam giữa Việt Nam và Campuchia. Việc cơ quan chức năng phát hiện 51 kg vàng nhập lậu có thể chỉ làm phần nổi của tảng băng.
“Ngoài ra, vàng “nhập cảnh” trái phép còn thông qua cả đường hàng không và đường biển”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Được biết, mới đây Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã kiến nghị cho phép thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế.
Ngoài ra, hiệp hội này cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho sản xuất thêm một lượng vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt giá vàng khi giá vàng quốc tế tăng mạnh trở lại. Đồng thời đề nghị thống đốc xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
Song về phía nhà điều hành, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: “Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ kiên định với chính sách vàng đang có, cụ thể chính là Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng”.