11:35 28/03/2018

Nga, OPEC tính ký thỏa thuận liên minh kéo dài 10-20 năm

Bình Minh

Với một thỏa thuận như vậy, OPEC và Nga sẽ cùng nhau nắm quyền kiểm soát nguồn cung dầu lửa của thế giới trong nhiều năm tới

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman - Ảnh: Al Arabya.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman - Ảnh: Al Arabya.

Saudi Arabia và Nga đang cân nhắc ký một thỏa thuận liên minh lịch sử kéo dài 10-20 năm giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Moscow. Với một thỏa thuận như vậy, OPEC và Nga sẽ cùng nhau nắm quyền kiểm soát nguồn cung dầu lửa của thế giới trong nhiều năm tới.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền hãng tin Reuters, thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia nói rằng nước này và Nga đang tính chuyển từ liên minh ngắn hạn sang dài hạn.

Hiện OPEC và Nga đang hợp tác cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu. Liên minh ngắn hạn này bắt đầu từ tháng 1/2017 - trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm dưới 30 USD/thùng vào năm 2016 từ mức trên 100 USD/thùng vào năm 2014 - và dự kiến kết thúc vào đầu năm 2019.

"Chúng tôi đang muốn chuyển từ thỏa thuận theo từng năm sang một thỏa thuận 10-20 năm", vị thái tử nói với Reuters. "Chúng tôi đã nhất trí về tổng thể, nhưng chưa đi vào chi tiết".

Dù không phải là một thành viên OPEC, Nga đã nhiều lần hợp tác với khối gồm 14 thành viên này trong những thời kỳ giá dầu giảm. Tuy nhiên, một thỏa thuận kéo dài 10-20 năm giữa hai bên là chưa từng có tiền lệ.

Một phần nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng Nga-OPEC mà giá dầu đã hồi phục về ngưỡng 70 USD/thùng. Tuy nhiên, sản lượng dầu đá phiến tăng nhanh của Mỹ khiến đà phục hồi gặp trở ngại.

Nhà phân tích Robert McNally thuộc Rapidal Energy Group cho rằng Moscow và Riyadh muốn lập liên minh dài hạn nhằm phá vỡ những chu kỳ tăng cao-giảm sâu nối tiếp nhau trên thị trường dầu lửa thông qua hạn chế nguồn cung dầu. "Biến động mạnh mẽ của giá dầu như trong 10-15 năm qua là điều mà cả Saudi Arabia và Nga đều không muốn chứng kiến thêm lần nữa", ông McNally nói.

Không chỉ có tác động với thị trường dầu lửa, một liên minh dài hạn giữa OPEC với Nga cũng sẽ giúp Moscow củng cố vị thế ở Trung Đông, khu vực mà Mỹ từ lâu là cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất.

Hiện nay, Saudi Arabia - một đồng minh của Mỹ - và Nga đang đẩy mạnh hợp tác kinh tế, cho dù Riyadh và Moscow đứng về các phe đối đầu nhau trong cuộc nội chiến ở Syria. Trong khi Saudi Arabia ủng hộ lực lượng phiên quân chống lại Tổng thống Bashar al-Assad, Nga và Iran lại hậu thuẫn ông Assad - đồng nghĩa với việc Nga thân Iran, đối thủ lớn nhất của Saudi Arabia ở Trung Đông.

Tháng 9/2016, thái tử Mohammed có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị G20 ở Trung Quốc. Chính cuộc gặp này đã mở đường cho Nga hợp tác với OPEC cắt giảm sản lượng khai thác dầu.

Tháng 10 năm ngoái, nhà vua Salman của Saudi Arabia trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của nước này thăm Nga. Trong chuyến thăm, vua Salman dành cho Nga một lượng vốn đầu tư lớn và sự ủng hộ chính trị trong lúc Nga chịu lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.