13:15 06/08/2021

Ngân hàng muốn sửa đổi cơ cấu nợ theo Thông tư 03

Đại dịch Covid - 19 đã tác động xấu đến nợ vay ngân hàng, dẫn đến Thông tư 03 dù mới ban hành hơn 4 tháng đã không còn phù hợp...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Thông tư 01 và Thông tư 03 đã cơ cấu lại nợ vay ngân hàng theo hướng phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh, giảm bớt áp lực chi phí tài chính cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2021, dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh, các Thông tư 01 và Thông tư 03 đã đẩy nợ xấu ngân hàng có chiều hướng tăng nhanh, khiến các quy định hiện hành ở 2 thông tư trên không còn phù hợp.

Tại buổi tọa đàm về các vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 03 do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 5/8, các ngân hàng đã nêu hàng loạt vướng mắc, bất cập mà nếu không tháo gỡ sẽ làm đông cứng quan hệ vay mượn giữa hai bên. 

KÉO DÀI THỜI HẠN TRÍCH LẬP DỰ PHÒNG

Đại diện ngân hàng VietinBank cho biết, đến thời điểm này, danh mục khách hàng bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh lên tới 25-30%. Mặc dù số lượng đủ điều kiện cơ cấu ít hơn khá nhiều nhưng nếu không chỉnh sửa Thông tư 03 thì chắc chắn ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động của VietinBank và suy ra với các ngân hàng khác về cơ bản cũng gặp tình trạng tương tự.

“Năm nay dự phòng 30% và phần còn lại trích tiếp trong 2 năm tới nhưng kể cả ngân hàng có trích lập đầy đủ 100% đi chăng nữa, chắc chắn vẫn để lại những hệ luỵ lớn và không chỉ dừng lại ở con số chúng ta đang tính toán”, đại diện VietinBank nói.

Cùng quan điểm, Hiệp hội Ngân hàng nhìn nhận, tổ chức tín dụng cũng bị tác động rất lớn của dịch Covid-19. Ngoài nỗ lực duy trì hoạt động, tổ chức tín dụng còn có trách nhiệm hỗ trợ khách hàng thông qua các biện pháp như cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi suất, phí. Việc hỗ trợ này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận, kết quả kinh doanh của ngân hàng.

 

Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước kéo dài thời hạn trích lập dự phòng bổ sung hơn 3 năm (có thể lên 5 năm) cho nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 và Thông tư 03.

Do đó, quy định các tổ chức tín dụng phải trích tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đến cuối năm 2021 (và tỷ lệ phân bổ tương ứng cho các năm tiếp theo) là khá lớn, rất khó cho tổ chức tín dụng.

“Việc kéo dài trích lập giúp giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro, giảm tải áp lực tài chính cho các ngân hàng để vừa có thêm nguồn lực phát triển kinh doanh vừa hỗ trợ khách hàng”, Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đặt ra câu hỏi, với trường hợp khoản nợ đã được cơ cấu giữ nguyên nhóm theo Thông tư 03, sau đó trả nợ đúng hạn theo lịch cơ cấu mới qua thời gian thử thách theo quy định Thông tư 02, có được xem là khoản nợ nhóm 1 thông thường? Ngân hàng nhà  nước cần có hướng dẫn cụ thể để các tổ chức tín dụng thống nhất cách hiểu.

 

Đặc biệt, có khách hàng được miễn, giảm lãi với số tiền rất nhỏ nhưng ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro trên toàn bộ dư nợ hàng trăm tỷ đồng. Điều này ảnh hưởng đến tình hình tài chính cho ngân hàng và chưa phản ánh chính xác rủi ro của người đi vay.

Ngoài ra, cũng theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng phải theo dõi tay toàn bộ khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Tuy nhiên, do số lượng khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có thể tăng thêm do diễn biến dịch còn kéo dài nên việc tính toán này gây tốn nguồn lực, dễ nhầm lẫn, sai sót trong tính toán.

Đơn vị này đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu áp dụng công thức tính đơn giản, dễ vận dụng hoặc có hướng dẫn cho tiết để hạn chế sai sót trong công tác trích lập dự phòng.

Mặt khác, theo Thông tư 52 về việc xếp hạng tổ chức tín dụng, các khoản nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ sẽ bị tính vào tỷ lệ nợ xấu khi đánh giá chất lượng tài sản của ngân hàng. Do vậy, Hiệp hội ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép loại trừ dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 khi tính xác định nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu khi xếp hạng các ngân hàng.

MỞ RỘNG PHẠM VI CƠ CẤU

Chia sẻ thêm tại buổi tọa đàm, đại diện Agribank cho biết, dư nợ chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được xác định theo Thông tư 01 và Thông tư 03 tại ngân hàng là trên 200 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, Agribank còn một lượng lớn dư nợ mà khách hàng gặp khó khăn nhưng do hành lang pháp lý không thể áp dụng Thông tư 03 nên ngân hàng đã phải sử dụng các giải pháp khác để tháo gỡ.

Tính chung, từ ngày 10/6/2020 đến ngày 31/7/2021, Agribank giải ngân 1,6 triệu tỷ đồng, nếu không được cơ cấu lại nợ tiềm ẩn, nhiều nguy cơ sẽ trở thành nợ xấu.

“Chúng tôi rất mong được cho phép cơ cấu các khoản nợ sau ngày 10/6/2020, không quy định thời gian cơ cấu nợ là 12 tháng, khoản miễn giảm lãi đề nghị không phải trích lập dự phòng”, đại diện Agribank phát biểu.

 

Do nhiều dịch bệnh vẫn có diễn biến rất phức tạp kể từ sau ngày 10/6/2020 nên các ngân hàng mong muốn được phéo cơ cấu lại nợ phát sinh sau thời điểm trên.

Chung quan điểm, Hiệp hội ngân hàng cho rằng, theo quy định các tổ chức tín dụng chỉ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản giải ngân trước ngày 10/6/2020. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lại kể từ cuối tháng 4/2021 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng lại không đáp ứng được điều kiện để cơ cấu nợ.

“Điều này có hai tác động lớn. Thứ nhất, các khoản nợ giải ngân từ ngày 10/6/2020 rất nhiều khả năng bị chuyển thành nợ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức tín dụng. Thứ hai,ngân hàng không thể hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn tài chính do ảnh hưởng từ Covid-19”, đại diện Hiệp hội ngân hàng nêu rõ.

Ở khía cạnh khác, theo đại diện BIDV, Thông tư 03 quy định thời hạn được thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ đến ngày 31/12/2021. Tuy nhiên, đến hết tháng 7/2021, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa thể dự kiến thời điểm kết thúc. Do vậy, đề nghị sửa giới hạn về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong khoản thời gian đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch.

Cũng theo đại diện BIDV, việc giới hạn thời gian cơ cấu tối đa 12 tháng kể từ thời điểm cơ cấu nợ gây khó khăn trong việc trả nợ của khách hàng và không còn phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng trong thời gian dài như hiện nay. Chính vì vậy, BIDV đề nghị mở rộng thời gian cơ cấu trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn nguồn thu dòng tiền khách hàng, đặc biệt là đối với khoản vay trung, dài hạn.

"Nếu chúng ta tiếp tục làm theo Thông tư 03 đối với khoản thu dài hạn thì riêng trong năm 2022, khách hàng không thể hoàn trả được nợ. Như vậy, để đảm bảo tính thực tiễn thì tôi cũng thấy rằng chúng ta nên thực hiện theo tinh thần của Thông tư 01 đó là giãn số tiền này sang kỳ sau ngày cuối cùng của thời hạn cho vay. Cái này sẽ giải quyết được khó khăn vướng mắc mà chúng ta đã thấy và sẽ gặp trong năm 2022", đại diện BIDV đề nghị.

Ngoài việc mở rộng phạm vi về thời gian như trên, tại buổi tọa đàm, các ngân hàng cũng cho rằng nên mở rộng về nghiệp vụ. Cụ thể, dư nợ được xem xét cơ cấu chỉ áp dụng đối với nghiệp vụ cho vay, thuê tài chính, không bao gồm dư nợ phát sinh từ các nghiệp vụ cấp tín dụng khác như: Thẻ tín dụng, bảo lãnh, LC, bao thanh toán…

Song, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả khách hàng mà không phân biệt hình thức cấp tín dụng. Trong đó, thẻ tín dụng là một hình thức cấp tín dụng rất phổ biến hiện nay. Xét trên mức độ ảnh hưởng thì việc cho phép cơ cấu nợ đối với số dư thẻ tín dụng là cần thiết.