10:39 25/09/2008

Ngành chăn nuôi lỗ đậm

Đặng Ngọc

Đương đầu với những khó khăn chồng chất, ngành chăn nuôi đang có nguy cơ rơi vào cảnh phá sản hàng loạt

Tình hình khó khăn đang đè nặng lên các hộ chăn nuôi lợn.
Tình hình khó khăn đang đè nặng lên các hộ chăn nuôi lợn.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chính sách thuế nhập khẩu chưa hợp lý, lãi suất ngân hàng tăng cùng dịch bệnh liên miên khiến người chăn nuôi quy mô nông trại ở nông thôn đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt.

Tình trạng bi đát này cũng bắt đầu xuất hiện ở những doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn.

Huyện Hoài Đức vốn là vùng trọng điểm về chăn nuôi của Hà Nội với khoảng 20.000 hộ dân có thu nhập chính từ ngành này. Trước cơn bão giá thức ăn chăn nuôi (thức ăn chăn nuôi), dịch bệnh tràn lan và việc nhập khẩu (nhập khẩu) các sản phẩm thịt, sữa ngoại một cách ồ ạt... đã có 50% hộ chăn nuôi ở Hoài Đức phải bỏ nghề.

Vùng trọng điểm chăn nuôi cũng lao đao

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Đức, chỉ trong vòng hơn nửa đầu năm nay, số hộ chăn nuôi trên toàn huyện này đã giảm tới 10.000 hộ (tương đương 50%), mà hầu hết là số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ (dưới 10 con lợn hay dưới 50 con gia cầm).

Ông Cao Văn Tuyến, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Đức, cho biết: “Rất nhiều hộ chăn nuôi hiện đã bỏ trống chuồng, vì không còn đất cũng như vốn để tiếp tục”.

Tình hình khó khăn đang đè nặng lên các hộ chăn nuôi lợn. Nếu như năm ngoái, gia đình anh Nguyễn Đạt còn nuôi 50 con lợn, thì năm nay anh chỉ còn nuôi được 7 con. Anh Đạt cho biết: “Bây giờ, nuôi lợn chẳng có lãi, mấy hôm nay giá xuống còn 27.000 đồng/kg mà cũng chẳng bán được”.

Hiện tại xã Cát Quế (huyện Hoài Đức), chỉ còn khoảng 400-500 hộ còn chăn nuôi, trong khi ở thời kỳ cao điểm cả xã có tới trên 1.000 hộ nuôi.

Chủ tịch UBND xã Cát Quế, ông Nguyễn Trọng Tỵ, nói: “Hiện hầu hết các hộ chăn nuôi đều rơi vào tình trạng thua lỗ, hoặc hoà. Nguyên nhân là do giá thức ăn chăn nuôi tăng, đầu ra giảm, thương lái đến mua gà, lợn giảm hẳn”. Đàn lợn giảm tới gần 6.000 con so với năm 2007, còn 20.000 con, đàn gia cầm cũng liên tục giảm mạnh, nhiều hộ chăn nuôi hiện đã tự tuyên bố phá sản.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Trần Xuân Việt đánh giá: “Tuy chưa có con số thống kê chính thức về tình hình chăn nuôi hiện nay trên địa bàn thành phố, nhưng đánh giá sơ bộ cho thấy, tổng đàn lợn và gia cầm đã giảm ít nhất gần 5%, đây là điều tất yếu bởi giá thức ăn chăn nuôi thì tăng, giá thịt nhập khẩu rẻ hơn cả trong nước. Theo thống kê, số đàn lợn toàn thành phố hiện còn 1,65 triệu con, đàn gia cầm còn 6 triệu con và dự báo đang có xu hướng giảm xuống”.

Ông Việt nói: “Nếu không có các giải pháp để hạn chế nhập khẩu và bảo hộ sản xuất trong nước ngay, thì chắc chắn sẽ còn có nhiều hộ chăn nuôi khác phải bỏ nghề”.

Ông Nguyễn Như So, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Ninh (DABACO) cho biết: “Với giá thành 25.000 đồng/kg thịt gà bán ra như thời điểm này, chúng tôi đang phải chịu lỗ ít nhất 2.000 đồng/kg. Tương tự, thịt lợn hơi cũng chỉ bán được 35.000 đồng/kg, lỗ 3.000 đồng/kg, gia cầm giống lỗ tới vài nghìn đồng/con”.

Theo ông So, hiện Công ty đang xuất ra khoảng 300.000-400.000 con gà/tháng, cùng với 5.000 con lợn/tháng, mỗi tháng Công ty lỗ hàng trăm triệu đồng. Khảo sát của DABACO cho thấy, đã có 80% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyên chăn nuôi gia công cho Công ty bỏ nghề, kéo theo lượng cám bán ra của Công ty sụt giảm 20%.

Cũng giống như DABACO, ông Đoàn Xuân Trúc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam cho biết: “Suốt gần 3 tháng nay, Tổng công ty bán hàng chủ yếu là giống gia cầm dưới giá thành sản xuất. Mấy tháng chăn nuôi gần đây chỉ là công cốc”.

Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương (Viện Chăn nuôi quốc gia), cũng đang phải vật lộn trước một loạt khó khăn. Giám đốc Phùng Đức Tiến phân tích, bằng thời điểm này năm ngoái, giá 1 kg thức ăn chỉ có 4.500 đồng, trong khi giá con giống ngan bán ra được 8.000-9.000 đồng/con. Năm nay thì ngược lại, giá 1 kg thức ăn đã là 8.000 đồng, nhưng giá bán con giống chỉ còn có 7.000 đồng/con.

Tương tự, giá 1 con gà giống năm trước bán được 15.000-16.000 đồng, thì năm nay chỉ bán được 3.500 đồng/con. Điều đó có nghĩa là, mọi thứ đều tăng, chỉ có con giống và thịt là giảm”.

Lối thoát nào?

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Nguyễn Đăng Vang lo ngại, nếu không giải quyết được tình trạng người chăn nuôi bị phá sản hiện nay thì mỗi năm sẽ có ít nhất 1 triệu nông dân mất việc làm.

Ông nói: “Thực tế là có rất nhiều nước đang muốn đưa thịt vào Việt Nam, cứ theo đà này, từ năm 2015 đến 2020, nhiều người dân sẽ không có khả năng mua thịt. Chúng ta đang làm nghèo chính chúng ta bằng chính sách thuế bất hợp lý như hiện nay. Với xu thế này, 1-2 năm nữa số người mất việc sẽ còn tăng lên”.

Để cứu người tiêu dùng tránh được “cơn bão giá”, cuối năm 2007, đầu năm 2008, ngành thuế đã điều chỉnh thuế suất nhập khẩu với hàng loạt sản phẩm nông sản, chủ yếu là gà và lợn xuống dưới cả mức cam kết với WTO. Cụ thể, thịt lợn hiện đã giảm xuống còn từ 14-20%, thịt gà giảm còn 12%, sữa thành phẩm giảm từ 35% xuống 15%, sữa nguyên liệu từ 20% xuống 10%, trứng giảm từ 80% xuống còn 20% (trong khi cam kết với WTO là không giảm). Trong khi người tiêu dùng được “cứu thì người sản xuất (chăn nuôi) lại “chết dần”.

Theo ông Nguyễn Như So, giải pháp trước mắt là phải điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu ngay, không chẳng bao lâu nữa, ngành chăn nuôi sẽ bị phá nát. Còn ông Lê Bá Lịch kiến nghị lập hai “hàng rào” để bảo vệ ngành chăn nuôi là hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật.

Tuy nhiên, ông Phùng Đức Tiến lại cho rằng cần giải quyết nghịch lý hiện chúng ta đang nhập khẩu tới 70% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cho dù Việt Nam là một nước nông nghiệp. Chưa kể, gần đây giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới đã giảm nhưng giá thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn chưa giảm. “Việc nhập khẩu là không tránh khỏi, nhưng chúng ta cũng cần phải tính đến mục tiêu và hiệu quả. Bên cạnh đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng cần phải bảo vệ người chăn nuôi”, ông Tiến nói.

Ngày 23/9, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hoàng Kim Giao cho biết: “Hiện chúng tôi đang làm văn bản chính thức để gửi lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính về việc đề nghị nâng thuế nhập khẩu các sản phẩm gia cầm và lợn quay về mức cũ theo đúng lộ trình WTO”.