Ngành dệt may loay hoay tìm lối thoát
Ba tháng cuối năm 2021 được nhận định là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may. Trong rất nhiều nguy cơ, nguy cơ cao nhất là khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng do khách hàng chuyển đơn hàng đi nơi khác cùng với nguy cơ thiếu nguồn nhân lực do người lao động về quê tránh dịch, không dễ quay trở lại làm việc ngay…
Số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, tổng kim ngạch xuất hàng dệt may của Việt Nam 9 tháng năm 2021 ước đạt 29 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 0,04% so với cùng kỳ năm 2019.
TỔN THẤT NẶNG NỀ TRONG QUÝ III
Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng may mặc đạt 21,7 tỷ USD tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2019; xuất khẩu vải đạt 1,8 tỷ USD tăng 37,4%; xuất khẩu xơ sợi đạt 4 tỷ USD tăng 56,2%; xuất khẩu vải không dệt đạt 557 triệu USD tăng 77,3%; xuất khẩu phụ liệu dệt may đạt 921 triệu USD tăng 21,8%.
Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 18 tỷ USD tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, kim ngạch xuất siêu trong 9 tháng của ngành đạt 11 tỷ USD.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Vitas nhận định, kết quả 9 tháng đầu năm 2021 của ngành vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2020 và gần bằng kim ngạch cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, từ đầu quý 3/2021 đến nay là thời gian cực kỳ khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may với diễn biến vô cùng phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã làm cho nhiều doanh nghiệp dệt may phải đóng cửa, ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng, không thực hiện được đơn hàng, phải giao hàng chậm, giao hàng bằng máy bay hoặc bị khách hàng hủy đơn hàng gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
Dù nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam cố gắng bố trí sản xuất “3 tại chỗ”, “một cung đường - hai điểm đến” hoặc phương án sản xuất “4 xanh”, nhưng cũng chỉ duy trì được khoảng 10% đến 30% số lao động đi làm với chi phí tốn kém hơn nhiều so với bình thường. “Tổn thất không những về kinh tế mà cả uy tín đối với khách hàng.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2021 của ngành ước giảm 15,9% so với tháng 7/2021 và giảm 2,63% so với tháng 8/2020. Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 3 tỷ USD tiếp tục giảm 9,2% so với tháng 8/2021 và giảm 10,5% so với tháng 9/2020”, ông Cẩm nhấn mạnh.
BA KỊCH BẢN CHO NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM
Vitas cho rằng hiện nay ngành dệt may đang phải đối mặt với hai khó khăn chính. Thứ nhất khó khăn trong việc duy trì chuỗi cung ứng. Thứ hai, khó khăn về lao động.
Ngành dệt may Việt Nam hiện đang sử dụng khoảng 2 triệu lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp và khoảng 1 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ liên quan đến dệt may. Tuy nhiên, khi các tỉnh phía Bắc cơ bản kiểm soát được dịch, tình hình lao động, việc làm đã dần ổn định.
Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, mục tiêu năm 2021 đạt mức thực hiện 39 tỷ USD của năm 2019 sẽ rất khó khăn.
Căn cứ vào diễn biến dịch bệnh hiện còn rất phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Vitas dự báo 3 tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may.
Nguy cơ cao đứt gãy chuỗi cung ứng và nguy cơ thiếu lao động đều không phải một sớm, một chiều có thể giải quyết được. Với tình hình dịch bệnh như vậy, mục tiêu năm 2021 đạt mức thực hiện 39 tỷ USD của năm 2019 sẽ rất khó khăn. Do đó có 3 kịch bản có thể xảy ra trong năm 2021.
Kịch bản tích cực nhất là Việt Nam khống chế được dịch bệnh và thực hiện “bình thường mới” từ đầu tháng 10/2021, khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 37,5 - 38 tỷ USD.
Kịch bản trung bình nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp, còn có một số địa phương, khu công nghiệp bị phong tỏa, cách ly trong tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 dự kiến sẽ đạt khoảng 36 - 36,5 tỷ USD.
Kịch bản kém tích cực nhất là tình hình dịch bệnh còn phức tạp đến đầu tháng 12/2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành dự kiến chỉ đạt 33,5 - 34 tỷ USD. Dự báo năm 2022, nếu tình hình sản xuất kinh doanh trở lại bình thường ngành dệt may Việt Nam sẽ phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 39 tỷ - 42 tỷ USD.
HỖ TRỢ TỪ CHÍNH PHỦ RẤT CẦN THIẾT
Để tháo gỡ những khó khăn hiện nay, ông Cẩm đề xuất, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các phương án chống dịch và phương án sản xuất để thực hiện mục tiêu kép và chủ trương “sống chung an toàn với dịch để phục hồi kinh tế” của Chính phủ.
Đối với doanh nghiệp, tìm mọi cách không để cho chuỗi cung ứng ngành dệt may bị đứt gãy. Bố trí sản xuất theo các phương án “3 tại chỗ” “một cung đường - hai điểm đến”, “4 xanh” ở những nơi có thể bố trí được, doanh nghiệp hỗ trợ nhau thực hiện đơn hàng dang dở...
"Để thực hiện “mục tiêu kép”, vấn đề cấp bách là khai thác nguồn vaccine nhiều nhất, nhanh nhất và tiêm đúng đối tượng. Đồng thời, dừng các khoản thu không phải chi ngay mà để kết dư: dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 1 năm từ khi nộp hồ sơ; đối với các doanh nghiệp nằm trong địa phương áp dụng Chỉ thị 16/TTg được giảm 50% số tiền phải nộp".
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas
Đồng thời, làm việc với khách hàng để tranh thủ sự chia sẻ trong lúc khó khăn để họ chấp nhận giãn tiến độ giao hàng, không hủy đơn hàng chuyển đi nơi khác.
Mặt khác, quan tâm đến người lao động đang còn làm việc tại doanh nghiệp, cũng như những người nghỉ không lương, ngừng chờ việc, người về quê, kể cả người không tuân thủ phương án sản xuất như “3 tại chỗ” của doanh nghiệp để họ gắn bó với doanh nghiệp sẵn sàng đi làm khi hết dịch. Tập trung rà soát, làm thủ tục kịp thời cho những người là đối tượng được hưởng trợ cấp nhà nước.
Bên cạnh việc doanh nghiệp “tự cứu mình”, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang cho rằng các doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương để vượt qua đại dịch.
Để thực hiện “mục tiêu kép”, vấn đề cấp bách là khai thác nguồn vaccine nhiều nhất, nhanh nhất và tiêm đúng đối tượng. Đồng thời, dừng các khoản thu không phải chi ngay mà để kết dư: dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 1 năm từ khi nộp hồ sơ; đối với các doanh nghiệp nằm trong địa phương áp dụng Chỉ thị 16/TTg được giảm 50% số tiền phải nộp.
Hiện tại số tiền kết dư của hai Quỹ Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thất nghiệp đang còn quá lớn (theo công bố đến nay là 935.100 tỷ đồng), trong khi doanh nghiệp rất khó khăn, cần phải dừng và giảm nộp 1 năm để “cứu” doanh nghiệp trong lúc này.
Cùng với việc dừng thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn đến ngày 30/6/2022 và miễn đóng đến ngày 31/12/2021 cho doanh nghiệp tại các địa phương thực hiện Chỉ thị 16, Vitas đề xuất cho phép doanh nghiệp phối hợp với công đoàn cơ sở được sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư tại doanh nghiệp trả chi phí test nhanh, chi phí xét nghiệm và hỗ trợ người lao động gặp khó khăn. Hiện nay kết dư của quỹ công đoàn trong hệ thống công đoàn còn khá lớn.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng không hạ hạn mức tín dụng đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, tiếp tục giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1%/năm và giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của năm 2021 và 2022.
Theo số liệu được công bố, 6 tháng đầu năm rất nhiều ngân hàng có lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ năm 2020, trong khi các doanh nghiệp đang rất khó khăn.
Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Vitas đề nghị Nhà nước tiếp tục giảm giá điện và thuế VAT từ 20-30% cho các doanh nghiệp ở các địa phương phải thực hiện Chỉ thị 16 đến hết tháng 6/2022.
Các địa phương không điều chỉnh giá thuê đất trong điều kiện các doanh nghiệp phải gồng mình chống dịch và nghiên cứu giảm tiền thuê đất 50% cho doanh nghiệp ở các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 đến hết tháng 6/2022.