Người đứng đầu báo không buộc phải có lý luận chính trị cao cấp
Tiêu chuẩn bổ nhiệm các vị trí đứng đầu cơ quan báo chí dự kiến có nhiều thay đổi
Nếu dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/2 được thông qua, không chỉ chức danh lãnh đạo cơ quan báo chí sẽ có sự thay đổi, mà tiêu chuẩn bổ nhiệm các chức danh này cũng sẽ khác.
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết, qua thảo luận tại kỳ họp thứ 10, có ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định chức danh lãnh đạo cơ quan báo chí như luật hiện hành, không nên quy định tách người đứng đầu cơ quan báo chí và tổng biên tập thành hai chức danh như dự thảo.
Vì nếu tách như vậy, theo ý kiến trên, là không phù hợp với những cơ quan báo chí có một loại hình báo chí, ít sản phẩm báo chí, làm tăng thêm chức danh, phát sinh biên chế.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích, theo quy định hiện hành, người đứng đầu cơ quan báo chí vừa phải điều hành hoạt động chung của cơ quan báo chí vừa phải chịu trách nhiệm về nội dung toàn bộ sản phẩm báo chí.
Thực tế hiện nay hầu hết các cơ quan báo chí thực hiện 2 loại hình báo chí (báo in, báo điện tử), một số cơ quan báo chí thậm chí thực hiện 3, hoặc 4 loại hình báo chí với nhiều sản phẩm báo chí.
Hơn nữa, theo đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Bộ Chính trị thông qua và đang được triển khai thí điểm, hệ thống báo chí toàn quốc sẽ được sắp xếp lại theo hướng thu gọn đầu mối cơ quan báo chí, mỗi cơ quan báo chí có thể có nhiều loại hình, nhiều ấn phẩm báo chí. Người đứng đầu cơ quan báo chí khó có thể kiểm soát nội dung toàn bộ sản phẩm báo chí mà thường phân công một số người trực tiếp phụ trách từng loại hình, sản phẩm báo chí.
“Do vậy, dự thảo quy định tách riêng chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí, phụ trách toàn bộ hoạt động của cơ quan báo chí, còn tổng biên tập chỉ chịu trách nhiệm về nội dung sản phẩm báo chí là phù hợp với xu thế phát triển của báo chí hiện nay”, ông Thi nhấn mạnh.
Liên quan đến tiêu chuẩn bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí, tổng biên tập sản phẩm báo chí, tại kỳ họp thứ 10, nhiều ý kiến cho rằng tiêu chuẩn có trình độ lý luận chính trị cao cấp là không cần thiết.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí đã không còn yêu cầu có trình độ lý luận chính trị cao cấp.
Mà, chỉ cần là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam; có trình độ đại học trở lên, trừ trường hợp cơ quan báo chí thuộc các tổ chức tôn giáo; có thẻ nhà báo đang có hiệu lực, trừ trường hợp người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc các tổ chức tôn giáo, tạp chí khoa học.
Người đứng đầu cơ quan báo chí còn cần có phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian thi hành hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức và pháp luật về lao động.
Về tuổi đảm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí, tổng biên tập sản phẩm báo chí, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng thực tế hiện nay có không ít người sau khi về nghỉ hưu vẫn có đủ sức khỏe, trí tuệ, khả năng, uy tín và được cơ quan báo chí thuộc các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đề nghị đảm nhiệm chức danh lãnh đạo, tổng biên tập.
Do vậy, không nhất thiết phải quy định tuổi đảm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí, tổng biên tập sản phẩm báo chí đối với các trường hợp trên.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật cũng đã bỏ quy định việc miễn nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí, tổng biên tập sản phẩm báo chí phải có sự thống nhất ý kiến bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Với những quy định về nhà báo, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định nhà báo trong quá trình tác nghiệp phải được coi là người thi hành công vụ để có cơ chế bảo vệ đối tượng này.
Tuy nhiên, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, công vụ là hoạt động do cán bộ, công chức nhân danh Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, của xã hội và được pháp luật bảo vệ.
Nhà báo tác nghiệp cũng nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội, nhưng không nhân danh Nhà nước, không đại diện cho Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ của mình, mà là hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí.
Do vậy, không thể coi hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ.