15:52 26/11/2015

Quản báo chí và nguy cơ “gậy ông đập lưng ông”

Nguyên Vũ

“Nếu không khéo ở đây lại coi chừng biến tướng”, nhà báo Thuận Hữu phát biểu

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng quy định như điều 15 dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ dẫn đến hạn chế quyền tự do báo chí của công dân.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng quy định như điều 15 dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ dẫn đến hạn chế quyền tự do báo chí của công dân.
“Nếu quản lý không hợp lý, không khôn ngoan, không dân chủ thì tưởng chừng như chặt chẽ nhưng phản tác dụng, “gậy ông đập lưng ông”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) góp ý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), sáng 26/11 tại nghị trường.

Một trong những vấn đề được quan tâm thảo luận là đối tượng được thành lập cơ quan báo chí ở điều 15.

Theo dự thảo mới nhất thì tập đoàn, tổng công ty Nhà nước không được ra báo nhưng bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc tương đương trở lên thì có thể được thành lập tạp chí.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thuận (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cân nhắc điều này vì bệnh viện cũng giống như các doanh nghiệp, các tập đoàn, các tổng công ty , nếu cổ phần hóa sẽ trở thành tư nhân.

“Nếu không khéo ở đây lại coi chừng biến tướng, các tạp chí biến tướng thành những tạp chí về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục… và như thế lại tiếp tục chúng ta mất công quản lý”, ông Hữu Thuận (nhà báo Thuận Hữu) phát biểu.

Chia sẻ ý kiến này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng quy định như điều 15 sẽ dẫn đến hạn chế quyền tự do báo chí của công dân.

Ông Nghĩa cũng đề nghị cần cân nhắc rất kỹ xem ai được thành lập cơ quan báo chí. Khi mà ở các nước thì người ta cho thành lập lên sống được thì sống, không sống được thì dẹp. Có những nước muốn thành lập báo chí cứ thành lập thoải mái nhưng không được bao nhiêu báo chí, bởi vì  không sống được, ông nêu kinh nghiệm quốc tế trong quản lý báo chí .

Theo đại biểu Nghĩa, tính đặc thù của của báo chí hiện nay thể hiện qua ba điểm: thứ nhất là nhu cầu thông tin và hiểu biết tăng lên không giới hạn của con người, thứ hai là công nghệ rất cao và thứ ba là toàn cầu hóa và hội nhập.

Và, nguy cơ “gậy ông đập lưng ông” nằm ở chỗ, “báo trong nước không đăng thì người ta đọc báo nước ngoài, lề phải không đăng người ta đọc lề trái, báo không đăng thì người ta lên Facebook, chẳng lẽ cứ mỗi lần như thế chúng ta lại cấm”.

Đại biểu Nghĩa đề nghị từ nay đến lúc ban hành luật cần nghiên cứu lại rất kỹ và đặc biệt lưu ý đặc trưng của xã hội ngày nay.

“Nếu chúng ta quản lý quá chặt chẽ thì đôi khi không được gì hết, mà có khi không tốt. Nếu cho ra công khai, anh vi phạm thì tôi đóng cửa, tôi phạt, thậm chí tôi xử lý cá nhân những người quản lý đó, có khi lúc ấy lại tốt hơn”, đại biểu Nghĩa phân tích.

“Nhiều cử tri nói rằng báo chí của chúng ta hiện nay nhiều quá. Cùng một việc mà có đến mười mấy tờ báo đưa tin với những tin giật rất giật gân và khác nhau”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) tham góp.

Ông Sơn nói rằng khi nghiên cứu dự thảo luật và tờ trình của Chính phủ ông tự đặt một câu hỏi, không biết lần này sửa Luật Báo chí, có giải quyết được nguyện vọng, kiến nghị nói trên của cử tri không, nhưng câu trả lời là hình như không giải quyết được.

Vì, trong tờ trình của Chính phủ, không đánh giá xem hiện nay số lượng các tờ báo là nhiều hay ít và như thế đã đủ chưa? Có cần phải thêm không? Hay là giảm bớt đi, tờ trình không thấy nói đến đề án về quy hoạch báo chí trong thời gian tới.

Với quy định ở điều 15, đại biểu Sơn khẳng định rằng số lượng các tờ báo, các đài truyền hình, các kênh truyền hình, các trang thông tin chắc chắn không giảm đi mà sẽ còn tăng lên. Vẫn ngành ngành làm báo, nhà nhà làm báo, người người làm báo.

Từ góc nhìn của đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) thì cảm giác lần sửa đổi này “nặng về việc bịt lỗ rò nhiều hơn, hạn chế quyền tự do nhiều hơn”.

“Tôi có cảm giác là cơ quan soạn thảo chỉ quan tâm tới quyền của mình mà quyền ấy trên một mối quan hệ xin cho’, ông Quốc nhấn mạnh.

Theo đại biểu Quốc, Việt Nam không có báo tư nhân, nhưng rõ ràng xu thế hiện nay sẽ đa dạng sở hữu hơn rất nhiều.

Vì thế, điều khiến đại biểu Quốc băn khoăn là quy định tổng biên tập hay người lãnh đạo tờ báo phải qua lý luận chính trị cao cấp - hay nói thẳng là đảng viên - thì có phù hợp với tất cả 800, 900 tờ báo, có tạo ra cho một hành lang pháp lý để phát huy quyền dân chủ trong lĩnh vực này không?