13:22 06/12/2021

Nguy cơ khó xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong Tết Nguyên đán

Chương Phượng

Trung Quốc dự định sẽ ngừng nhập khẩu ít nhất 6 tuần trong dịp Tết Nguyên đán, điều này có thể làm gia tăng tình hình gián đoạn xuất khẩu rau quả...

Xuất khẩu trái cây nhiều dư địa trên thị trường xuất khẩu.
Xuất khẩu trái cây nhiều dư địa trên thị trường xuất khẩu.

Tại diễn đàn trực tuyến "Kết nối cung cầu cây ăn trái" do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổ chức mới đây, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, cho biết Trung Quốc sẽ ngừng nhập khẩu rau quả trong thời gian tới và bày tỏ mong muốn đẩy mạnh tỷ lệ tiêu thụ nội địa.

CẦN TIÊU THỤ 1,7 TRIỆU TẤN RAU QUẢ

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết.trong tháng 12/2021, sản lượng trái cây thu hoạch của cả nước khoảng 700.000 tấn, nếu tính đến Tết Nguyên đán thì là hơn 1,7 triệu tấn. Đây là con số cần phải tính toán để tiêu thụ.

Theo ông Tùng, trong quý 1/2022, công tác tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả của các tỉnh phía Nam có thể gặp phải một số khó khăn, do Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao, đặc biệt Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp kiểm tra dịch bệnh, điều này có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tăng cao tác động đến chi phí đầu vào của sản xuất. Năng lực chế biến trái cây trong nước còn nhiều hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi, nên khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn thì sẽ gây ra rất nhiều tổn thất.

Trên cơ sở đó, ông Tùng đề nghị các địa phương cần nắm chắc sản lượng, chất lượng cây ăn quả trên địa bàn của mình, để có những dự báo dài hơi về tất cả các vấn đề, kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ có phương án kết nối sớm. Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh đánh giá cấp mã số vùng trồng, xây dựng kế hoạch tiêu thụ cụ thể.

 

"Dự kiến cuối năm nay hoặc sang năm 2022, Trung Quốc sẽ áp dụng phương pháp kiểm tra trực tuyến với ba loại rau quả: khoai lang, bưởi, sầu riêng. Năm 2022, Trung Quốc cũng có thể sẽ xem xét nhập khẩu chanh leo Việt Nam".

Ông Lê Văn Thiệt, Cục phó Cục Bảo vệ Thực vật

Ông Lê Văn Thiệt, Cục phó Cục Bảo vệ Thực vật, cho biết đến thời điểm này, có 10 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, hoàn toàn không phải tiểu ngạch như trên một số phương tiện truyền thông. Sắp tới, Cục sẽ đàm phán về xuất khẩu khoai lang, bưởi, sầu riêng. Nếu không do Covid, phía Trung Quốc đã sang phối hợp kiểm tra về vùng trồng khoai lang và sầu riêng.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam chia sẻ “Theo thông tin của chúng tôi, Trung Quốc dự định sẽ ngừng nhập khẩu ít nhất 6 tuần trong dịp Tết Nguyên đán, điều này có thể làm gia tăng tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Thêm khó khăn nữa mà ông Nguyên đưa ra là do chưa thể chế biến sâu nên rau quả Việt Nam khó có thể phục vụ các thị trường có khoảng cách địa lý lớn bằng những hình thức vận chuyển giá rẻ. Ông Nguyên đề xuất các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, chuyển giao thêm các loại giống cây ăn quả mới có chất lượng cao dễ canh tác.

Bên cạnh đó, để hạn chế việc sử dụng các vật tư có nguồn gốc vô cơ, ông Nguyên cho rằng có thể tăng thuế của nhóm hàng này, dùng tiền đó để hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất hữu cơ để giảm giá thành cho các sản phẩm hữu cơ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

CHỨNG NHẬN TRUY XUẤT NGUỒN GỐC VẪN TỐN KÉM

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, nhận định hiện nay thị trường về cây ăn quả trên toàn thế giới đang được mở rộng, nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng ngày càng cao.

“Giá trị thương mại trái cây trên toàn thế giới lên tới khoảng 200 tỷ USD/năm. Trong đó, quả xoài chiếm khoảng 12,3 tỷ USD, sầu riêng chiếm 50 tỷ USD. Đây là cơ hội lớn để các vùng, địa phương có lợi thế phát triển cây ăn quả của Việt Nam cũng như của Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới”, ông Lê Quốc Điền nói.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp đã chỉ ra những trở ngại, khó khăn trong việc khai thác và mở rộng thị trường cây ăn quả. Đó là việc thiếu liên kết vùng để khai thác 22 chủng loại cây ăn quả theo lợi thế của từng vùng, từng địa phương.

Tiếp theo là việc người nông dân vẫn đang sản xuất nhỏ lẻ, kỹ thuật không đồng nhất nên gặp khó khăn trong liên kết với các doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm cây ăn quả.

Bà Trần Thị Bích Trân, đại diện chuỗi Trái cây Trân cho rằng để xuất khẩu được trái cây cần phải giải quyết được 3 vấn đề: Chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm; bao trái đối với đối tượng cần thiết; xây dựng được "người thầy" cho xuất khẩu.  

 

"Về vấn đề bao trái, hiện nay chưa có một loại bao trái tối ưu, vì vậy đã đẩy giá thành sản xuất, thu hoạch lên cao, điều này ảnh hương đến giá thành sản phẩm trái cây cao hơn 20-30% so với thông thường".

Bà Trần Thị Bích Trân, đại diện chuỗi Trái cây Trân.

Đề cập chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm, theo bà Trân, thực tế hiện nay một số siêu thị đã đưa ra mã hàng cho các nhà cung cấp để đấu giá, đơn vị nào đưa ra giá thấp sẽ có được đơn hàng.

Điều này, đã tạo cơ hội cho nhiều đơn vị chen chân, nhập nhiều sản phẩm không chất lượng về dán tem nhãn đưa vào tiêu thụ, khiến các đơn vị có sản phẩm chất lượng thực sự không thể đưa sản phẩm đến người tiêu dùng (làm thật chi phí sẽ cao, khó cạnh tranh).

Bà Trân bày tỏ mong muốn, cơ quan quản lý các địa phương hỗ trợ các nhà vườn vấn thực hiện việc cấp tem truy xuất nguồn gốc, sẽ thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ, giảm được các rủi ro trong sản xuất cây ăn quả.

Đại diện Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên, cho biết hiện nay người dân cũng như các hợp tác xã đang gặp khó khăn trong việc sản xuất một quy trình đồng nhất. Trong khi các doanh nghiệp rất cần những quy mô vùng sản xuất lớn với một quy trình được thống nhất.

Vì vậy, kiến nghị các cơ quan chuyên môn từ Trung ương đến các địa phương cần hướng dẫn, tạo điều kiện để hỗ trợ người dân, hợp tác xã thống nhất quy trình sản xuất.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết hiện Việt Nam đang có một tiêu chuẩn trung chuyển giữa VietGAP và GlobalGAP. 

Tiêu chuẩn LocalGAP thể hiện được hầu hết những đặc điểm của tiêu chuẩn GlobalGAP tuy nhiên chi phí cũng như thời gian thực hiện lại thấp hơn 1/3. Đến nay đã có 170 doanh nghiệp, trong đó có 120 doanh nghiệp nông sản được trao chứng nhận LocalGAP.

“Chúng tôi cũng đang xây dựng những chương trình tư vấn cho các hợp tác xã về LocalGAP với mức phí thấp, thậm chí là miễn phí cho các hộ kinh doanh khó khăn. Mục tiêu của Hiệp hội là tạo dựng một ‘chìa khóa’, một ‘tấm giấy thông hành’ để trái cây Việt Nam bước những bước chân vững chắc ra thị trường xuất khẩu quốc tế với tiêu chuẩn LocalGAP”, bà Hạnh nhấn mạnh.