20:29 14/09/2021

Xuất khẩu rau quả Việt Nam giảm do Trung Quốc siết chặt kiểm dịch thực vật

Chu Khôi

Việt Nam đề nghị Trung Quốc xem xét áp dụng các hình thức đánh giá linh hoạt hơn để mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam , nhất là mặt hàng rau quả trong bối cảnh dịch Covid-19...

Thủ tục thông quan tại cửa khẩu với Trung Quốc thiếu linh hoạt.
Thủ tục thông quan tại cửa khẩu với Trung Quốc thiếu linh hoạt.

Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh tại “Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng ASEAN - Trung Quốc về hợp tác SPS lần thứ 7”, ngày 13/9/2021.

SPS là chương trình hợp tác vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, được tổ chức 2 năm một lần.

XUẤT KHẨU RAU QUẢ LIÊN TỤC GIẢM

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 8 tháng năm 2021 xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 1,45 tỷ USD, chiếm 58,02% thị phần.

Đáng chú ý, từ tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đã liên tục giảm, trung bình mỗi tháng giảm 15% so với tháng trước đó.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nguyên nhân là do tác động nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-9, buộc chúng ta phải áp dụng các biện pháp phòng chống mạnh mẽ nhất, đã tác động khiến xuất khẩu rau quả giảm mạnh trong 3 tháng gần đây.

Chuỗi cung ứng tại các vùng nguyên liệu bị đứt gãy do thiếu lao động hoặc người lao động không thể làm việc nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả không tiếp cận được nguồn hàng.

Trong khi đó, nông dân sản xuất rau quả không đưa được sản phẩm đến nơi tiêu thụ.... Vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương, hàng xuất khẩu khó khăn do các lệnh giãn cách, việc thực hiện các chỉ thị ở nhiều địa phương không nhất quán, thiếu sự phối hợp dẫn đến ách tắc...

Thêm nữa, nhiều quy trình, thủ tục phát sinh làm mất thời gian, tiền bạc, tăng chi phí, tăng giá thành... như giấy phép đi đường cho người và phương tiện.

Một vấn đề đáng quan ngại khác, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam là tại các cửa khẩu đường bộ, từ tháng 5/2021, 8 mặt hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu chính ngạch nhưng do chưa được ký Nghị định thư chính thức về kiểm dịch thực vật với Trung Quốc, nên nước này đã áp dụng thực hiện việc kiểm dịch thực vật rau quả nghiêm ngặt hơn trước (gần như 100% lô hàng) bên cửa khẩu của Trung Quốc.

 

Nếu như trước đây 1 xe lạnh chở thanh long từ biên giới Việt Nam vào địa phận tỉnh Quảng Tây chỉ mất 2-3 ngày, nay kéo dài hơn 1 tuần làm chí phí vận chuyển tăng cao gấp đôi (từ 50 triệu/xe tăng lên hơn 100 triệu).

Biện pháp này làm cho việc giao hàng bị kéo dài, chậm trễ, xe tải ứ đọng tại các cửa khẩu biên giới lâu, làm tăng thêm giá thành hàng hóa, khó cạnh tranh với hàng nội địa Trung Quốc và của các nước khác.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, mặc dù các Bộ, ngành và các địa phương đã tích cực làm việc với phía Trung Quốc nhưng những sự việc như vậy vẫn tiếp tục xảy ra đã gây thiệt hại không nhỏ cho kinh tế Việt Nam nói chung và cho các doanh nghiệp nói riêng.

Vì vậy, Chính phủ cần tranh thủ các cuộc gặp gỡ với các viên chức cấp cao Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn ách tắc tại cửa khẩu biên giới và đàm phán thúc đẩy mở rộng thêm thị trường cho các mặt hàng rau quả khác mà Việt Nam có thế mạnh như sầu riêng, chanh dây, bơ, dừa…

LINH HOẠT TẠO ĐIỀU KIỆN CHO NÔNG SẢN VIỆT NAM 

Tại hội nghị về SPS lần này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Wang Lingjun cho biết, nước này đã gửi nhiều chuyên gia tới các nước trong khu vực ASEAN để trình bày về các chính sách mới của Trung Quốc, trong đó có vấn đề SPS.

Bên cạnh đó, lực lượng Hải quan Trung Quốc cũng thực hiện nhiều chương trình kiểm tra thông qua các video được gửi từ các quốc gia trong khối ASEAN. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản sang Trung Quốc.

“Với nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, kết quả hợp tác rất khả quan. Hải quan Trung Quốc và các nước ASEAN đã trao đổi trên 1.500 loại sản phẩm nông lâm thuỷ sản xuất khẩu sang Trung Quốc”, ông Wang thông tin.

 

Trong năm 2020, Quảng Tây đã xuất khẩu được 400.000 tỷ NDT hàng hóa sang các nước ASEAN và kim ngạch nhập khẩu khoảng 27.000 tỷ NDT. Điều đó cho thấy sự tăng trưởng bền vững trong hợp tác thương mại của 2 bên.

Ông Fang Chunming, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Tây

Trong quan hệ thương mại với ASEAN thì mặt hàng hoa quả là một phần rất quan trọng và Trung Quốc mong muốn được mở rộng lĩnh vực này với các nước ASEAN, kèm theo đó là các sản phẩm lương thực, nông nghiệp khác.

Đại diện tỉnh Quảng Tây, ông Fang Chunming, Phó Chủ tịch tỉnh cho biết  tỉnh có rất nhiều lợi thế trong hợp tác với các nước ASEAN, ví dụ như khả năng kết nối đường bộ, đường biển, đường hàng không. Do đó, địa phương này mong muốn hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với các nước ASEAN về các sản phẩm chất lượng cao, an toàn trong thời gian tới.

Từ “đầu cầu” phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh vai trò của việc tăng cường phối hợp thúc đẩy hệ thống cảnh báo nhanh giữa Trung Quốc và ASEAN để trao đổi thông tin nhanh hơn, thông báo kịp thời các vấn đề phát sinh đối với các lô hàng xuất khẩu, giải quyết ngay các vướng mắc trong quá trình trao đổi thương mại.

Thứ trưởng Doanh cho biết thêm Trung Quốc đã tạo nhiều điều kiện để nông sản của Việt Nam xuất khẩu thuận lợi tại các cửa khẩu. Ngoài ra, việc Trung Quốc hoàn thiện website về hợp tác SPS sẽ giúp các nước ASEAN thuận tiện trong việc tra cứu thông tin.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc đã đưa ra nhiều quy định siết chặt việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, nhất là với mặt hàng rau quả.

Thậm chí một số cửa khẩu giữa Việt Nam với tỉnh Vân Nam, phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu mặt hàng Thanh Long suốt vài tháng, mới cho thông quan trở lại mặt hàng này.

Trước thực tế này, Thứ trưởng Doanh đề nghị Trung Quốc xem xét áp dụng linh hoạt hình thức kiểm tra trực tuyến hoặc qua video để mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong thời gian sớm nhất.

 

Trong khuôn khổ hội nghị, các bên đã hoàn tất được Bản ghi nhớ mới giữa ASEAN và Trung Quốc về hợp tác SPS, qua đó tăng cường hợp tác trong áp dụng các biện pháp SPS và đảm bảo thương mại thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp giữa ASEAN - Trung Quốc tuân thủ các yêu cầu và phù hợp với Hiệp định SPS WTO. 

Các bên cũng mong đợi bản ghi nhớ này sẽ được ký trong năm 2021, góp phần thực hiện thành công Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc.