10:51 22/08/2019

Xuất khẩu rau quả sang các thị trường chủ lực đều tăng, trừ Trung Quốc

Duyên Duyên

Hiện, tỷ trọng xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đang chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, giảm 4,9% so với tỷ trọng năm 2018

Hàng rau quả vẫn còn nhiều cơ hội xuất khẩu trong thời gian tới, khi hiệp định EVFTA được thực thi và CPTPP đã có hiệu lực.
Hàng rau quả vẫn còn nhiều cơ hội xuất khẩu trong thời gian tới, khi hiệp định EVFTA được thực thi và CPTPP đã có hiệu lực.

Xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam sang các thị trường chính như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan… đều đạt mức tăng trưởng khá trong 7 tháng qua, duy xuất sang Trung Quốc lại giảm 8,1%.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2019 xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 247,3 triệu USD, giảm 27,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hàng rau quả đạt 2,3 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-22 lúc 09

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 với trị giá 1,6 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2018. 

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc hiện chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam, tuy nhiên đã giảm 4,9% so với mức tỷ trọng của 7 tháng đầu năm 2018.

Đứng thứ hai là thị trường Hoa Kỳ với 83 triệu USD trong 7 tháng đầu năm, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 3,7% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.

Xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc và Nhật Bản xếp thứ ba và thứ tư, với kim ngạch lần lượt đạt 76,6 triệu USD và 70,8 triệu USD, tăng 13% và 26% so với năm ngoái.

Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu rau quả sang thị trường Hà Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan… cũng đạt mức tăng trưởng khá trong 7 tháng đầu năm 2019. 

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-22 lúc 09

10 thị trường xuất khẩu hàng rau quả chính trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2019. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong khi đó, theo dự báo của cơ quan chức năng, xuất khẩu hàng rau quả những tháng cuối năm 2019 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Ví như, kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư. 

Ngoài ra, nhiều thị trường tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường khắt khe như EC siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, nhiều thị trường ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc... 

Tuy nhiên, hàng rau quả vẫn còn nhiều cơ hội xuất khẩu trong thời gian tới, khi hiệp định EVFTA được thực thi và CPTPP đã có hiệu lực sẽ mang lại những thuận lợi nhất định, tạo điều kiện cho hàng rau quả Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới. 

Để tận dụng được ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Bộ Công Thương đã đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm... 

Theo Businesswire.com, dự báo thị trường trái cây và rau quả hữu cơ thế giới giai đoạn 2019 - 2024 sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 9%. Nguồn cung cấp trái cây và rau quả hữu cơ vẫn còn hạn chế do chí phí sản xuất cao. 

Mặc dù giá trái cây và rau quả hữu cơ cao do chi phí sản xuất cao hơn, nhưng vẫn có một bộ phận người tiêu dùng sẵn sàng mua vì lợi ích đối với sức khỏe. 

Bắc Mỹ hiện là thị trường lớn nhất cho trái cây và rau quả hữu cơ, tiếp theo là châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương. 

Tại Hoa Kỳ, trong năm 2017 thị trường thực phẩm hữu cơ nói chung đạt 45,2 tỷ USD. Trong đó, phân khúc rau quả hữu cơ trong năm 2017 đạt 16,5 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm 2016. 

Chuối hữu cơ là chủng loại quả có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất tại thị trường Hoa Kỳ trong năm 2017, tăng 30,4% so với năm 2016.