Nhận diện các kịch bản lừa đảo trên không gian mạng
Lợi dụng mạng điện thoại, không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây rối trật tự xã hội là một vấn nạn. Tin nhắn “con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp” tại Thành phố Hồ Chí Minh nay đã lan ra Hà Nội và một số nơi khác, người dân cần nhận diện để loại bỏ nó...
Câu chuyện lừa đảo trên không gian mạng, qua các cuộc gọi điện thoại, tin nhắn với nhiều kịch bản lừa đảo khác nhau, lâu nay luôn được cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đáng tiếc là các chiêu lừa của kẻ xấu thường thành công rồi mới được cảnh báo ngăn ngừa. Mới đây, với tin nhắn “con đang cấp cứu”, trong vài ngày kẻ xấu đã chiếm đoạt được trên 200 triệu đồng của người dân. Để phát hiện ngăn ngừa từ sớm dạng lừa đảo này cần sự cảnh giác cao độ của người dân cùng sự vào cuộc của cơ quan công an, của các nhà mạng...
NHẬN DIỆN CÁC DẤU HIỆU LỪA ĐẢO
Thông thường, những kẻ xấu muốn lừa đảo đều phải dựa trên các yếu tố tâm lý của con người như tình nhân ái, chia sẻ, lòng tin, lòng tham, sự sợ hãi để tạo ra các kịch bản với tình huống tinh vi nhằm tấn công vào các yếu tố tâm lý đó. Không gian mạng là nơi kẻ xấu dễ giấu mặt để tiến hành lừa đảo, nên lừa đảo qua mạng điện thoại, các nền tảng mạng xã hội… thường chiếm tỷ lệ cao. Qua thực tế, cơ quan công an đã vạch ra một số chiêu thức lừa đảo của kẻ xấu nhắm vào các yếu tố tâm lý để người dân nhận diện đề phòng.
Để nhắm vào tâm lý sợ hãi, các kịch bản sẽ là những tin nhắn, gọi điện thoại thông báo về sự mất mát, bệnh tật, tai nạn của người thân. Giả danh các cơ quan như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Hải quan, Cảnh sát giao thông… thông báo những vi phạm dính líu đến vụ án, đến tòa án, thậm chí cả đến nợ tiền điện, điện thoại, phạt giao thông,… làm cho người nghe lo sợ, bất an, hoảng loạn… Tùy theo diễn biến của người tiếp nhận mà chúng sẽ tiếp tục dẫn dắt phải chuyển tiền hoặc gửi các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP...
Lợi dụng vào lòng tin, lòng tham, kẻ xấu sẽ giả danh các sàn thương mại điện tử để tặng quà có giá trị, nhưng người nhận chỉ cần chi trả một khoản tiền ít hơn rất nhiều giá trị quà. Hoặc tự trả tiền đơn hàng để hưởng hoa hồng chiết khấu cao, hay mời chào làm công việc đơn giản như: thả tim hay like nhằm tăng tương tác rồi nhận tiền... Chiêu lừa phổ biến nữa là kết bạn, giả danh bạn bè gửi tặng quà rất giá trị, mà phần kết của các kịch bản này là dẫn dắt người bị hại chuyển tiền cho kẻ xấu. Thực tế đã có rất nhiều người bị lừa với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Kẻ xấu còn lấy danh nghĩa các tổ chức tín dụng hợp pháp hay danh nghĩa ngân hàng để gọi điện, gửi tin nhắn hay quảng cáo các đường link trên mạng xã hội facebook, zalo… để người dân đang có nhu cầu vay vốn tìm đến. Một số người tin vào đường link này nên đã bị chiếm đoạt thông tin cá nhân khai trên đường link, chuyển tiền làm thủ tục và họ thấy tiền vay trên phần khai báo của mình nhưng không rút ra được, kịch bản tiếp theo là khuyên chuyển tiền tiếp thì mới rút được tiền ra, khi người dân chuyển tiền xong thì chúng cắt liên lạc.
Kẻ lừa đảo còn mạo danh là nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết các sự cố cho khách hàng, hướng dẫn nâng cấp sim 4G, 5G, đóng cước phí thuê bao điện thoại... Khi lấy được lòng tin của người bị hại và người bị hại làm theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo, chúng sẽ yêu cầu người bị hại cung cấp dãy số OTP được gửi đến điện thoại của người bị hại, cung cấp tài khoản ngân hàng,... từ đó chiếm đoạt tài sản.
Hầu hết các vụ lừa đảo theo các hình thức trên đều biết cách sử dụng khá thành thạo công nghệ cao để thực hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kẻ gian luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn cho phù hợp với các đối tượng, các địa phương, chúng kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong nhân dân.
BÌNH TĨNH, TỰ TIN THOÁT BẪY LỪA ĐẢO
Để chiếm được lòng tin của người bị hại, kẻ xấu luôn chủ động cung cấp các thông tin cá nhân khá chính xác về người đó như: số điện thoại, quan hệ người thân, địa chỉ cư trú, thói quen,... thậm chí, nhiều thông tin khác liên quan đến các cá nhân (như: tên tuổi giáo viên chủ nhiệm của con em mình), kẻ gian cũng nắm rõ.
Dù được khuyến cáo, hướng dẫn không cung cấp các thông tin cá nhân dễ dàng, nhưng trên thực tế, các thông tin như số điện thoại, địa chỉ cư trú, số chứng minh nhân dân đều phải khai khi mua hàng, khai báo làm thủ tục đăng ký sử dụng dịch vụ viễn thông, y tế, giáo dục… Các thông tin này vẫn bị rò rỉ ra ngoài để kẻ xấu lợi dụng. Chưa kể, các thông tin còn được kẻ xấu thu thập qua mạng xã hội như các mối quan hệ đều thể hiện khá rõ ở đây, mà người tham gia mạng xã hội không để ý.
Mới đây, dạng tin nhắn “con đi cấp cứu, chuyển tiền gấp” để rò rỉ thông tin mà kẻ gian đã lợi dụng, nhiều phụ huynh đã tin vội chuyển tiền cho kẻ gian. Trước tình trạng lừa đảo luôn biến đổi hình thức, cách thức như vậy, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần chủ động nâng cao cảnh giác và tuyên truyền với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để phòng tránh.
Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu lừa đảo, dẫn tới việc chuyển tiền, trả tiền, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em, người thân để xác nhận thông tin và được tư vấn. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 12-2023 phát hành ngày 20-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam