Nhật Bản chi 200 tỷ USD giúp người tiêu dùng vượt "bão giá" xăng, điện
Chương trình được đưa ra nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá cả leo thang, đồng thời kích thích phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19...
Chính phủ Nhật Bản vừa công bố một loạt các biện pháp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá cả leo thang, và thúc đẩy nền kinh tế. Tổng giá trị của gói hỗ trợ này là 29,1 nghìn tỷ Yên (tương đương 200 tỷ USD), trong đó phần lớn đến từ nguồn ngân sách bổ sung.
Theo Nikkei Asia, gói hỗ trợ được Thủ tướng Nhật Fumio Kishida công bố tại một sự kiện họp báo ngày 28/10 và dự kiến bắt đầu được triển khai từ tháng 1/2023.
“Các biện pháp trong chương trình này được thiết kế để khắc phục tình trạng giá cả leo thang và thúc đẩy phục hồi kinh tế”, ông Kishida phát biểu tại họp báo. "Chúng tôi sẽ đảm bảo đưa ra những biện pháp dành cho tất cả các đối tượng và làm hết sức mình để mọi người có thể cảm thấy được hỗ trợ trong cuộc sống hàng ngày của họ".
Chương trình được đưa ra giữa lúc lạm phát tại Nhật leo thang, mà nguyên nhân chủ yếu đến từ việc giá năng lượng và thực phẩm nhập khẩu tăng lên. Lạm phát toàn cầu tăng lên cùng với việc đồng Yên suy yếu đã làm tăng chi phí nhập khẩu và đẩy lạm phát ở Nhật tăng lên.
Các biện pháp hỗ trợ được dự báo sẽ giúp các hộ gia đình giảm chi phí năng lượng bình quân khoảng 5.000 Yên (tương đương 35 USD) mỗi tháng. Điều này bao gồm hiệu quả từ việc giảm giá xăng sau khi trợ cấp cho các công ty lọc dầu.
Tổng giá trị chương trình trợ cấp giá điện nằm trong gói này có thể lên tới gần 1 nghìn Yên trong ba tháng đầu triển khai. Tính toán này được dựa trên doanh thu điện trong quý đầu năm 2022. Chính phủ cũng sẽ thực hiện chính sách biểu giá điện hỗ trợ (FiT) đối với năng lượng tái tạo để thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng loại năng lượng này nhiều hơn.
Bên cạnh đó, gói kích thích cũng bao gồm hỗ trợ bổ sung cho phụ nữ có thai và chăm sóc trẻ em, cũng như các chương trình đào tạo lại để giúp người lao động chuyển sang công việc trả lương cao hơn.
Tuy nhiên, giới phân tích bày tỏ quan ngại về một số khía cạnh của gói kích thích mới này, như việc trợ cấp năng lượng có thể bóp méo cơ chế định giá của thị trường.
Theo các quan chức Nhật Bản, tổng quy mô của ngân sách bổ sung lên đến 71,6 nghìn tỷ Yên, bao gồm nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân và các nguồn tiền khác. Đây sẽ là khoản ngân sách bổ sung thứ hai trong năm tài chính hiện tại của Chính phủ Nhật Bản.
Chính phủ Nhật đang rơi vào thế khó trong việc sử dụng các biện pháp tài khoá, tiền tệ cũng như quản lý chi tiêu Chính phủ để ứng phó với những thách thức kinh tế hiện tại. Hiện tại, tỷ lệ lạm phát của Nhật ở mức khoảng 3%. Do đó, so với lạm phát, mối lo lớn hơn của Tokyo là kinh tế đình trệ.
Trong khi các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đồng loạt tăng lãi suất mạnh để cố gắng kiềm chế lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, Nhật vẫn duy trì lãi suất ở mức thấp nhằm kích thích phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã giữ lãi suất cơ bản ở mức âm 0,1% kể từ năm 2016 và khẳng định tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo trong cuộc họp chính sách hôm 28/10.
Tuy nhiên, việc này có nguy cơ khiến đồng Yên suy yếu thêm bởi đồng USD sẽ còn mạnh lên nữa khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất thời gian tới. Theo đó, giá cả hàng hóa tại Nhật sẽ không ngừng tăng lên bởi nước này nhập khẩu phần lớn hàng hóa tiêu thụ trong nước.