09:38 14/10/2022

Đồng Yên tiếp tục lao dốc mạnh, Nhật Bản sẽ lại can thiệp?

Ngọc Trang

Tỷ giá đồng Yên so với USD ngày 13/10 chạm mức thấp nhất kể từ tháng 8/1990...

Tỷ giá đồng Yên Nhật giảm giá mạnh so với USD trong bối cảnh Tokyo duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng - Ảnh: Reuters
Tỷ giá đồng Yên Nhật giảm giá mạnh so với USD trong bối cảnh Tokyo duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng - Ảnh: Reuters

Giá đồng Yên Nhật tiếp tục lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 32 năm trở lại đây do nhà đầu tư bán tháo mạnh đồng tiền này sau khi báo cáo lạm phát Mỹ được công bố ngày 13/10. 

Cụ thể, tỷ giá Yên có thời điểm giảm xuống quanh mức 147,65 Yên đổi 1 USD. Đây là mức thấp nhất của Yên so với đồng bạc xanh kể từ tháng 8/1990.

Tỷ giá Yên dao động quanh mức 147,25 Yên đổi 1 USD đầu phiên giao dịch ngày 14/10.

Trong phiên giao dịch ngày 12/10, tỷ giá đồng Yên cũng sụt xuống mức thấp nhất 24 năm sau tuyên bố tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát cao kỷ lục và các ngân hàng trung ương lớn đều nối gót, riêng BOJ vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Động thái này khiến các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo đồng Yên khi mà chênh lệch lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu Chính phủ Nhật ngày càng lớn.

Theo Nikkei Asia, việc đồng yên sụt giá mạnh có thể làm tăng khả năng BOJ phải tiến hành can thiệp vào thị trường ngoại hối một lần nữa để hỗ trợ đồng nội tệ.

Hôm 22/9, BOJ đã phải can thiệp với việc bơm khoảng 20 tỷ USD để mua vào đồng Yên khi tỷ giá rơi xuống mức 145,9 Yên đổi 1 USD. Đây là động thái can thiệp để hỗ trợ đồng nội tệ đầu tiên của Nhật Bản kể từ năm 1998.

Tokyo nói rằng quyết định can thiệp được đưa ra dựa trên những biến động nhanh chóng của đồng Yên, chứ không phải do tỷ giá chạm một ngưỡng nào đó.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp thường niên của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ở Washington (Mỹ) ngày 12/10, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda khẳng định Tokyo sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.

"Chúng tôi phải tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ cho đến khi đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững và ổn định. Nền kinh tế vẫn đang phục hồi sau đại dịch nên chúng tôi phải tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế", ông Kuroda khẳng định.

Hầu hết những người theo dõi BOJ đều dự báo ông Kuroda sẽ không có bất kỳ thay đổi nào theo hướng thắt chặt trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 4/2023.

Trong cuộc họp báo chung tại Washington diễn ra sau số liệu lạm phát Mỹ được công bố, ông Kuroda một lần nữa khẳng định lập trường duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. 

Còn Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nói rằng các nhà chức trách Nhật sẽ có hành động thích hợp chống lại những diễn biến quá mức của đồng nội tệ. Ông Kuroda và ông Suzuki hiện đang có mặt ở Mỹ để tham dự các cuộc họp của nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20).

Nguồn: Bloomberg
Nguồn: Bloomberg

Trả lời câu hỏi của Bloomberg, một quan chức cấp cao tại Bộ tài chính Nhật Bản từ chối bình luận về việc liệu Tokyo có can thiệp vào thị trường tiền tệ một lần nữa hay không.

“Thước đo cần theo dõi không phải là mức tỷ giá, mà là sự biến động. Biến động tỷ giá USD/JPY hiện khá ổn định so với lịch sử gần đây, vì vậy chưa cần thiết phải hành động khẩn cấp”, ông Mazen Issa, chiến lược gia FX cao cấp tại TD Securities, nhận định.

Giới phân tích dự báo đồng Yên sẽ tiếp tục giảm giá, đặc biệt là khi đồng USD sẽ còn tăng giá thêm nữa khi Fed duy trì lập trường cứng rắn để chống lạm phát. Từ nay tới quý 1/2023, Fed được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 1,5 điểm phần trăm nữa. Từ tháng 3 đến nay, ngân hàng trung ương này đã tăng lãi suất 5 lần với tổng mức tăng 3 điểm phần trăm.

Tại châu Á, các tiền tệ khác bao gồm đồng Won của Hàn Quốc, Baht của Thái Lan và Peso của Philippines, cũng giảm giá mạnh so với đồng USD sau khi báo cáo lạm phát Mỹ được công bố.