13:33 18/04/2011

Nhật cần làm gì để củng cố uy tín sau sự cố phóng xạ?

Hồng Ngọc

Nhật Bản có nguy cơ mất tín nhiệm trên trường quốc tế, khi nhiều quốc gia châu Á chỉ trích Nhật Bản che giấu tin phóng xạ

Cảnh hoang tàn và đổ nát ở Nhật Bản - Ảnh: Getty.
Cảnh hoang tàn và đổ nát ở Nhật Bản - Ảnh: Getty.
Kết quả thăm dò dư luận Nhật Bản của tờ Nihon Keizai công bố hôm nay (18/4) cho thấy, 70% số người được hỏi tỏ ra không tin tưởng vào cách xử lý sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Chính phủ Nhật Bản, và 71% cho rằng việc công bố thông tin về sự cố trên của chính phủ không đáp ứng được yêu cầu của dư luận.

Trên thực tế, cái gọi là "sự thiếu tin tưởng" vào công bố thông tin liên quan tới nguy cơ phóng xạ của Chính phủ Nhật Bản cũng đang phải hứng chịu sự phản ứng gay gắt của nhiều quốc gia châu Á. Tuần trước, tờ Thái Dương của Hồng Kông có bài cho rằng, cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay tại Nhật Bản đã, đang và sẽ gây ra những hậu quả nặng nề, không chỉ đối với Nhật Bản, mà còn có những ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài đối với châu Á.

Theo đó, là nước phát triển duy nhất tại khu vực, Nhật Bản cần phải có trách nhiệm đối với châu Á về tình hình ô nhiễm phóng xạ hiện nay, cũng như công khai những bí mật xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Tờ Thái Dương cho hay, sau khi hứng chịu thiên tai, Nhật Bản đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ cần thiết và kịp thời từ các nước châu Á, song việc Nhật Bản thải ra biển hàng vạn tấn nước thải hạt nhân có thể làm nguy hại tới nhiều quốc gia lân cận.

Bí mật sau sự cố Fukushima

Với nồng độ vật chất phóng xạ cao gấp hàng trăm lần mức cho phép, số nước thải hạt nhân này sẽ gây ra những tổn hại khó có thể dự tính được đối với Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Nga và hầu hết các quốc gia Đông Nam Á.

Theo quy định của Luật Quốc tế, một quốc gia khi thải ra biển quốc tế vật chất mang phóng xạ có thể tạo ra nguy hại cho nước khác, quốc gia này cần phải thông báo cho các nước có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong hành động xả nước thải hạt nhân vừa rồi, Nhật Bản không hề thông báo cho bất cứ quốc gia châu Á nào có liên quan. Nga đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, trong khi Hàn Quốc đang xem xét khởi tố vụ việc lên Tòa án Quốc tế và yêu cầu Nhật Bản bồi thường thiệt hại.

Đối diện với những chỉ trích, Nhật Bản cho rằng, nước thải này sẽ không gây ô nhiễm cho các nước xung quanh. Tuy nhiên, theo tờ Thái Dương, điều khiến các nước châu Á hết sức bất bình là, trong khi không báo cho các nước châu Á về kế hoạch xả nước thải hạt nhân xuống biển, song Nhật Bản lại báo cáo trước vụ việc cho Mỹ và chỉ thực hiện khi được Mỹ đồng ý. Tờ báo Hồng Kông cho rằng, là một nước lớn ở châu Á, Nhật Bản phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường an ninh của khu vực.

Không chỉ có như vậy, sự cố hạt nhân thường có ảnh hưởng lâu dài và có khả năng lan rộng, nhưng các thông tin liên quan tới tình hình nhà máy Fukushima đã không được Nhật Bản cung cấp đầy đủ. Chỉ đến khi không thể tự xử lý được sự cố và phải kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, những thông tin liên quan mới được Nhật Bản hé lộ phần nào. Cách xử lý của Nhật Bản đã làm dấy lên những nghi ngờ của cộng đồng quốc tế về những bí mật bên trong nhà máy điện Fukushima số 1.

Theo tờ Thái Dương, ngay sau khi xảy ra động đất, Mỹ đã đề nghị giúp đỡ Nhật, nhưng Chính phủ Nhật khi đó khẳng định có thể tự xử lý, không cần sự giúp đỡ của Mỹ cũng như từ các quốc gia khác. Sau khi lò số 3 phát nổ, Nhật Bản mới hé lộ, urani dùng cho lò này có thể chế tạo vũ khí hạt nhân. Bí mật đã khiến thế giới hốt hoảng. Mỹ lập tức mở rộng vùng phong tỏa lên bán kính 80 km và cũng chỉ đến khi đó, Nhật mới để Mỹ và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế tiếp cận nhà máy.

Ai gây ra thảm họa?

Theo một bài báo trên tờ Asahi của Nhật Bản, hai trong số các nguyên nhân khiến Nhật Bản lâm vào cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trong kỷ nguyên năng lượng nguyên tử của nước này là do các nhà khoa học Nhật Bản đã quá tự tin vào công nghệ hạt nhân của mình và việc Công ty điện lực Tokyo (Tepco) che giấu các thông tin, khiến các nhà khoa học không thể đánh giá chính xác mức độ nghiêm trọng cua sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Chuyên gia Atsushi Kasai, cựu lãnh đạo mộtt phòng thí nghiệm của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (JAEA) cho rằng, thế hệ các nhà khoa học và chuyên gia điều hành nhà máy điện hạt nhân ngày nay có thể đã mù quáng vì quá tự tin vào công nghệ của Nhật Bản. "Năng lượng hạt nhân luôn có mặt xấu đó là vũ khí hạt nhân và các sự cố", ông nói.

Ông Kasai từng là thành viên của Ủy ban kiểm định An toàn hạt nhân tại JAEA và tham gia nhiều cuộc thanh tra hiện trường sau thảm họa Chernobyl năm 1986 ở Ukraine. Ông cho rằng, thế hệ chuyên gia hạt nhân trẻ hơn dường như tin là "các sự cố hạt nhân không thể xảy ra vì công nghệ của Nhật Bản là hàng đầu thế giới".

Ông cũng lo lắng về việc Tepco không tiết lộ đầy đủ thông tin về các vấn đề hiện nay của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Ông cho biết, họ đã không cung cấp dữ liệu cần thiết để có thể đánh giá chính xác mức độ nghiêm trọng của sự cố và sự lan rộng của phóng xạ. Theo ông Kasai, các nhà máy điện hạt nhân bắt buộc phải lắp đặt các thiết bị giám sát phóng xạ có khả năng họat động mà không cần nguồn điện.

Các thiết bị này cần phải lưu giữ chuỗi số liệu về việc phát thải phóng xạ trong thời gian sau sự cố. Dường như các nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân đã khôi phục được dữ liệu khi sự cố xảy ra, nhưng dữ liệu này không được công khai. Ông Kasai cho rằng, dữ liệu về mức độ phân rã của nhiên liệu hạt nhân tại thời điểm xảy ra sự cố vẫn chưa được công bố. Ông và nhiều chuyên gia hạt nhân khác đã kêu gọi rà soát tổng thể về các dự kiện dẫn tới thảm họa hạt nhân trên.

Uy tín của Nhật Bản về đâu?

Hãng tin Reuters dẫn ý kiến các chuyên gia cho rằng, trước sự quan tâm ngày càng sâu sắc của toàn thế giới, Nhật Bản phải vừa công khai thông tin, vừa thể hiện năng lực giải quyết tốt khủng hoảng, nếu không sẽ đứng trước nguy cơ mất uy tín trên trường quốc tế, điều nguy hiểm đối với nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh một số quốc gia láng giềng đã lên tiếng chê trách Nhật Bản về cả hai vấn đề này.

Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-Sik tuần qua đã cáo buộc Nhật Bản “kém cỏi”, và các quan chức khác lên tiếng trách móc rằng Nhật Bản đã thông báo cho Washington về các kế hoạch xả nước có chứa phóng xạ của nước này ra biển Thái Bình Dương tuần trước mà không thông báo cho Seoul. Hoảng loạn sau khi các phương tiện truyền thông trong nước đưa tin dồn dập về vấn đề này, một số trường học của Hàn Quốc đã đóng cửa hoặc hủy bỏ các hoạt động ngoài trời trong một thời gian ngắn.

Halm Sung Deuk, thuộc trường Đại học Hàn Quốc, nói: “Nhật Bản nổi tiếng về năng lực và tính hiệu quả, song qua các sự kiện này, chúng tôi đã mất niềm tin vào Nhật Bản và cơ chế của họ. Nhiều người Hàn Quốc thực sự rất lo sợ, song chúng tôi lại không có nhiều thông tin về sự kiện này". Hàn Quốc đã cấm nhập khẩu thực phẩm từ khu vực xung quanh nhà máy Fukushima số 1, nhưng thực phẩm chỉ chiếm 1% trong khối lượng xuất khẩu của Nhật Bản, nên tác động này chủ yếu mang tính tượng trưng.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã áp đặt các lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm Nhật Bản, đồng thời yêu cầu được cung cấp nhiều thông tin hơn nữa. Tuy nhiên, nước này tỏ ra rất thận trọng trong những phát biểu của mình. Bộ trưởng Bộ Môi trường Trung Quốc nói rằng, “không thể không chú ý tới những hậu quả lâu dài của sự cố Fukushima”, song theo ông, “ảnh hưởng của nó tới môi trường Trung Quốc là nhỏ, tương đương khoảng 1% ảnh hưởng của sự cố Chernobyl. Không cần phải thực hiện các biện pháp bảo vệ”.

Sun Sheng, chuyên gia về quan hệ Trung – Nhật thuộc trường Đại học Khoa học chính trị và luật Trung Quốc tại Bắc Kinh, nhận định, Trung Quốc sẽ tiếp tục bày tỏ sự cảm thông và mối quan tâm đối với Nhật Bản, trừ khi Nhật Bản xử lý kém cỏi tình hình hiện nay. Theo ông, “nếu Trung Quốc phải chịu thiệt hại do phóng xạ gây ra, phẫn nộ sẽ tăng lên, nhất là nếu Nhật Bản có những hành động thiếu trách nhiệm, mà không màng tới sự an toàn của các nước xung quanh khi giải quyết những vấn đề của nước mình”.

Đồng quan điểm, Jeffrey Kingston, Giám đốc nghiên cứu châu Á thuộc trường Đại học Temple, chi nhánh Nhật Bản, cho biết, các nước như Mỹ và phương Tây vẫn "đồng cảm sâu sắc với Nhật Bản”, song “nếu tình trạng hiện nay vẫn dai dẳng và tới cuối tháng 6 vẫn chưa được giải quyết thì sự cảm thông này cũng sẽ giảm dần, thay vào đó sẽ là sự phẫn nộ của nhiều nước trên toàn thế giới nhằm vào Nhật Bản và hình ảnh nước Nhật trong con mắt các nước cũng sẽ bị xấu đi”.

Lòng tin là điều quý giá nhất

Michael Zielenzinger, một chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản thuộc trường Đại học California được Reuters dẫn lời cho hay, Nhật Bản vốn đã phải trầy trật trong việc gây dựng lòng tin ở châu Á, do những vấn đề vẫn chưa được giải quyết từ Thế chiến 2. Ông nói, “khi xảy ra bất kỳ vấn đề gì liên quan tới phóng xạ, thứ rất dễ gây hoang mang do không nhìn thấy được và có nguy cơ gây chết người, thì lòng tin là điều quý giá và Nhật Bản thì chưa gây dựng được lòng tin đó”.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, các nền kinh tế đang phát triển nhanh tại châu Á, mà dẫn đầu là Trung Quốc, nước đang xây dựng 27 nhà máy năng lượng hạt nhân, cũng có tham vọng năng lượng hạt nhân rất lớn. Các nước này sẽ không dại gì làm tăng thêm hoang mang trong các vấn đề của Nhật Bản, khi cũng đang phải cân nhắc về vấn đề an toàn hạt nhân nước mình.

Ông Ralph Cossa, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS ở Hawaii nói, “người ta sẽ đặt câu hỏi rằng, nếu điều này có thể xảy ra với một nước Nhật có công nghệ tiên tiến, vậy các lò phản ứng hạt nhân ở Trung Quốc, ở Indonesia, và thậm chí ở Hàn Quốc, một quốc gia luôn tự hào về khả năng công nghệ thành thạo, thì sẽ thế nào?”.