13:05 30/03/2011

Lượng phóng xạ thấp “bay” khắp châu Á

Hồng Ngọc

Hàm lượng phóng xạ ở mức thấp đã tìm thấy ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, trong đó có Việt Nam

Kiểm tra phóng xạ trên người dân chúng ở Nhật - Ảnh: Reuters.
Kiểm tra phóng xạ trên người dân chúng ở Nhật - Ảnh: Reuters.
Hàm lượng phóng xạ ở mức thấp đã tìm thấy ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, trong đó có Việt Nam. Mặc dù, chính quyền các nơi liên tục trấn an, nhưng người dân vẫn lo ngại về nguy cơ nhiễm xạ.

Theo ABC News, chính phủ nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam cho biết, phóng xạ đã lan tới lãnh thổ các quốc gia này, song nhấn mạnh, nồng độ phóng xạ ở mức thấp, không đe dọa tới sức khỏe.

Không đáng lo ngại

"Chúng tôi yêu cầu mọi người không hoảng loạn. Chỉ có một lượng phóng xạ rất nhỏ trong không khí", phát ngôn viên Viện nghiên cứu hạt nhân Philippines Tina Cerbolis nói. Tuyên bố này tương tự như ở các quốc gia khác.

"Tôi có thể khẳng định rằng, lượng phóng xạ thấp như vậy không thể ảnh hưởng tới cuộc sống của dân Hàn Quốc", lãnh đạo Viện nghiên cứu an toàn hạt nhân Hàn Quốc Yun Choul-Ho tuyên bố tại Seoul.

Tuy nhiên, theo ABC News, thực phẩm nhập khẩu và khách du lịch từ Nhật Bản đã được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đặt dưới sự giám sát, nhằm ngăn chặn nguy cơ nhiễm phóng xạ.

Tại Trung Quốc, hai khách du lịch người Nhật đã phải đưa vào bệnh viện, sau khi các quan chức tại sân bay phát hiện mức phóng xạ cao trên người hai vị khách này. Tuy nhiên, sau đó, họ đã được trả về.

Ở Đài Loan, kể từ khi cuộc khủng hoảng hạt nhân bùng phát ở xứ sở hoa anh đào, cho tới nay, vùng lãnh thổ này đã phát hiện 43 ca nhiễm xạ, trong đó đều là khách đến từ Nhật Bản.

Ở Việt Nam, theo kết quả cập nhật tới tối 29/3 của Tổ công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, trạm quan trắc tại Hà Nội đã phát hiện đồng vị phóng xạ iodine 131.

Tại trạm quan trắc phóng xạ môi trường do Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân quản lý đặt tại Lạng Sơn và trạm quan trắc của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng đã phát hiện được một số đồng vị phóng xạ nhân tạo trong không khí.

Cụ thể, trạm quan trắc phóng xạ đặt tại Đà Lạt đã phát hiện ra iodine 131 có nồng độ thấp ở Hà Nội. Ngoài ra, tại trạm quan trắc khu vực Lạng Sơn cũng đã phát hiện được một số đồng vị nhân tạo trong không khí với hàm lượng nhỏ.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, các kết quả đo nồng độ chất phóng xạ iodine131 trong không khí các ngày 28 và 29/3 đều nhỏ hơn hàng trăm ngàn lần so với giá trị giới hạn quy định và không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người.

Hiện tại, nồng độ phóng xạ thấp như ở Việt Nam hoàn toàn không đáng lo ngại, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường.

Không chỉ ở châu Á, nhiều khu vực khác của thế giới cũng tìm thấy phóng xạ được cho là phát tán từ Nhật, như trong nước mưa ở bang Ohio của nước Mỹ, trong không khí ở các thành phố Glasgow của Scotland và Oxfordshire của Anh.

Phóng xạ trong nước biển

Trong khi đó, ngành vận tải biển cũng ngày càng lo lắng về việc tàu bè đi vào vùng nước nhiễm xạ ở ngoài khơi Nhật. Giới chức Trung Quốc tuần trước cho biết, đã thấy phóng xạ trên một con tàu Nhật tới cảng Hạ Môn.

Tờ Jiji của Nhật Bản sáng nay (30/3) đưa tin mức iodine phóng xạ trong nước biển gần khu vực nhà mày điện hạt nhân Fukushima số 1 bị động đất và sóng thần tàn phá đã cao gấp 3.355 lần mức cho phép.

Trước đó, ngày 27/3, mức iodine phóng xạ 131 cao gấp 1.850 lần cho phép đã được phát hiện tại vùng nước cách bờ biển vài trăm mét, tăng so với mức 1.250 lần của ngày 26/3. Tuy nhiên, các quan chức đã loại bỏ nguy cơ đe doạ trực tiếp đến sinh vật biển hay an toàn hải sản.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 30/3, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano cho biết, chính phủ nước này đang xem xét áp dụng các biện pháp mới nhằm ngăn chặn tình trạng phát tán phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Ông Edano cho hay, Chính phủ Nhật Bản và các chuyên gia hạt nhân đang thảo luận "mọi khả năng" để kiểm soát nhà máy điện nói trên, trong đó có cả những biện pháp như giới truyền thông đưa tin.

Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản cho biết tính đến 10 giờ sáng ngày 30/3 theo giờ địa phương (8 giờ sáng theo giờ Việt Nam), tổng số người thiệt mạng sau trận động đất và sóng thần hôm 11/3 đã lên tới 11.232 người và 16.361 người vẫn mất tích.