Nhiều "ẩn số" cho cuộc đua xuất nhập khẩu nước rút cuối năm 2019
Sự phá giá của đồng Nhân dân tệ được cho là yếu tố quan trọng làm tăng tính nhập siêu của Việt Nam
Bộ Công Thương vừa có những nhận định về tình hình xuất khẩu trong 4 tháng cuối năm 2019.
Cụ thể, Bộ này nhận định trong những tháng cuối năm 2019, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với động lực chính là các nhóm ngành truyền thống như dệt may, giày dép và đồ gỗ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro gia tăng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang kết hợp với sự xung đột thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang làm gia tăng những lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, xuất khẩu hàng hóa trong ngắn hạn khó có thể tăng mạnh như năm 2017 và 2018.
Cao điểm xuất nhập khẩu
Những tháng cuối năm sẽ là giai đoạn cao điểm cho các doanh nghiệp tập trung sản xuất, đặc biệt là nhóm hàng điện tử tiêu dùng như điện thoại, tivi,.. khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Các dòng sản phẩm điện thoại của Samsung dự kiến ra mắt vào quý III năm 2019 sẽ hỗ trợ cho ngành sản xuất điện thoại và linh kiện trong khi giai đoạn Lễ Tạ ơn và Giáng sinh là cao điểm cho mua sắm tiêu dùng.
Thứ hai, kim ngạch xuất khẩu trong quý 3/2019 dự báo có xu hướng cao hơn so với quý 2/2019 do nhiều mặt hàng bước vào thời kỳ cao điểm xuất khẩu. Theo chu kỳ, xuất khẩu hàng hóa thường tăng cao trong những tháng cuối năm do đây là thời kỳ cao điểm cho mua sắm tiêu dùng trong các dịp Lễ tết.
Thứ ba, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực khi các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh tìm kiếm hàng hóa thay thế hàng Trung Quốc và các cơ sở sản xuất mới sau khi dịch chuyển đầu tư.
"Nếu doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành hàng như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, đồ gỗ, nội thất… nhanh nhạy, chủ động thông tin, tìm ra những lợi thế để khai thác, tranh thủ cơ hội để vươn lên, chiếm lĩnh thị phần, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng được tiêu chuẩn, nhu cầu và tăng khả năng xuất khẩu, thì sẽ nắm bắt cơ hội tốt hơn. Ngược lại, với thị trường trong nước, các ngành hàng như thép, da giầy, dệt may, nông sản, hàng điện tử,… sẽ chịu thêm áp lực cạnh tranh khi các mặt hàng này có thể dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế", Bộ Công Thương cho hay.
Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ. Theo đó, 31 doanh nghiệp của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế 0%. Trong danh sách có rất nhiều doanh nghiệp lớn như Minh Phú, CP Việt Nam, Camimex...
Mức thuế 0% này không chỉ có tác động ngắn hạn mà còn mở ra khả năng bứt phá xuất khẩu sang thị trường Mỹ, kỳ vọng các đơn hàng sẽ nhiều hơn trong thời gian tới. Bởi Mỹ là một thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam và cũng là thị trường khó tính với những quy tắc khắt khe. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam đang tăng dần do tồn kho giảm trong khi Mỹ cũng đang giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nhiều "ẩn số" khó đoán định
Tuy vậy, Bộ Công Thương cho rằng trong thời gian tới vẫn có nhiều yếu tố cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu, khó có sự tăng trưởng như giai đoạn 2017-2018.
Cụ thể, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn biến khó lường với mức độ ngày càng gia tăng. Ngày 23/8/2019, căng thẳng thương mại giữa hai nước được đẩy lên nấc cao mới khi Trung Quốc tuyên bố sẽ áp mức thuế 5 hoặc 10% đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ (hiệu lực từ ngày 1/9 và 15/12/2019). Ngoài ra, đối với hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ là ô tô và phụ tùng ô tô, Trung Quốc sẽ áp thêm thuế lần lượt là 25% và 5%, từ 15/12/2019.
Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đáp trả bằng cách sẽ nâng mức thuế lên 30% (thay vì mức đang áp dụng 25%) đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (hiệu lực từ ngày 1/10/2019) và sẽ áp mức thuế 15% đối với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại từ Trung Quốc từ 1/9/2019 (thay cho mức 10% như kế hoạch trước đó; trong đó có một số mặt hàng sẽ bị áp thuế từ 15/12/2019); đồng thời, Mỹ cũng tuyên bố có kế hoạch có thể rút các doanh nghiệp Mỹ ra khỏi Trung Quốc.
Các tổ chức quốc tế như IMF, WB,...đều cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đang khiến tăng trưởng kinh tế thế giới, Trung Quốc và Mỹ bị chậm lại và có thể suy giảm mạnh. Trong khi đó, các nền kinh tế khác bị chịu nhiều ảnh hưởng vì cả hai đều là đối tác kinh tế quan trọng của nhiều nước.
Chưa kể, vào ngày 27/8 mới đây, Ngân hàng trung ương Trung Quốc tiếp tục giảm giá đồng Nhân dân tệ (NDT) xuống mức thấp chưa từng có (7,0810 NDT đổi 1 USD). Sau khi tỷ giá tham chiếu được PBOC công bố, đồng NDT được giao dịch trên thị trường quốc tế ở mức thấp hơn nhiều so với phiên liền trước, xuống mức 7,1576 NDT đổi 1 USD, thấp nhất trong vòng 11 năm qua.
"Hoạt động phá giá đồng NDT được thực hiện sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump dồn dập tuyên bố các mức thuế mới cao hơn sẽ áp lên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ. Một đồng NDT yếu hơn sẽ phần nào giúp giảm bớt những thiệt hại do thuế quan Mỹ gây ra. Điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng như khả năng gia tăng nhập siêu từ thị trường này trong thời gian tới. Trong trường hợp này, giá hàng hóa xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam", báo cáo nêu.
Trong đó, dự báo xuất khẩu nông sản sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn, khiến khu vực nông, lâm thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ. Vì ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Chưa kể, các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu, khiến cho giá giảm sâu; trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Một nội dung đáng chú ý khác là trong các diễn biến chung gần đây tiếp tục ghi nhận thêm căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc xung quanh việc Nhật Bản ra quyết định hạn chế xuất khẩu 3 loại nguyên liệu được sử dụng để chế tạo chất bán dẫn và các loại màn hình sang Hàn Quốc vào ngày 1/7/2019.
Đối với Việt Nam, quyết định hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao của Nhật Bản đối với Hàn Quốc không chỉ ảnh hưởng đến các công ty sản xuất chất bán dẫn, chip và màn hình tại Hàn Quốc mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ sở sản xuất, nhà máy thuộc các công ty này tại các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
"Bộ Công Thương đang tiếp tục bám sát theo dõi tình hình căng thẳng thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc trong thời gian tới để có sự phối hợp trong điều hành, xử lý các vấn đề có tác động tới Việt Nam", Bộ này cho hay.