Nhiều hãng công nghệ lên kế hoạch vào Việt Nam
Một làn sóng các nhà cung ứng và các công ty công nghệ đang lên kế hoạch chuyển sang Việt Nam
Một làn sóng các nhà cung ứng và các công ty công nghệ đang lên kế hoạch chuyển sang Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, chiến tranh thương mại không phải lí do duy nhất khiến Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút đầu tư.
Khoảng 60 nhà sản xuất linh kiện cung cấp cho Foxconn Technology Group và Samsung Electronics Co. đã đến "gõ cửa" một khu công nghiệp tại Bắc Ninh trong 3 tháng qua, theo Bloomberg. "Họ cần phải vào Việt Nam ngay. Chúng tôi có đội ngũ xây dựng đang chờ đợi", Bloomberg dẫn lời ông Peter Chang, Phó tổng giám đốc Công ty Shun Far Land Development nói.
Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), đơn vị điều hành nhiều khu công nghiệp công viên tương tự trên cả nước cũng đã tiếp đón các đoàn đại diện từ 90 công ty nước ngoài trong năm nay. Những doanh nghiệp này đang tìm cách chuyển vào một trong những khu công nghiệp ở phía bắc Việt Nam. GoerTek Inc., một nhà cung cấp của Apple Inc. có trụ sở tại Trung Quốc, đã bắt đầu xây dựng một dự án mở rộng nhà máy trị giá 260 triệu Đôla tại đây.
Đất nước có lực lượng lao động trẻ và tương đối rẻ, chính phủ ổn định và môi trường thân thiện với doanh nghiệp đã biến quốc gia Đông Nam Á này trở thành một lựa chọn hấp dẫn, Bloomberg nhận xét. Intel Corp và Samsung đã sớm phát hiện ra "mảnh đất" đầy hứa hẹn cho sản xuất. Ngày nay, họ đang sử dụng hơn 182.000 công nhân kết hợp tại các nhà máy lắp ráp chip và điện thoại thông minh.
Các nhà sản xuất giày thể thao và máy chơi game và một số khác đang tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Cùng với Nintendo Co, Sharp là công ty đa quốc gia công nghệ gần đây nhất công bố kế hoạch di dời các hoạt động đến đây.
Sharp cho biết sẽ xây một nhà máy mới ở Việt Nam để tránh ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài, theo Nikkei. Nhà máy ở Việt Nam sẽ lắp ráp các màn hình LCD cho ôtô. Đồng thời, khoảng 10% việc sản xuất máy tính cá nhân của công ty con Dynabook cũng có thể được chuyển từ Trung Quốc sang cơ sở mới này. Nhà máy mới sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020 và gần Tp.HCM.
Đồng thời, Sharp sẽ thành lập một công ty con vốn 25 triệu USD để vận hành nhà máy. Ngoài màn LCD, nhà máy này cũng sẽ sản xuất điều hòa không khí và các thiết bị điện tử khác để bán tại Việt Nam.
"Chúng tôi không biết những gì có thể xảy ra tiếp theo hoặc khi nào", Phó chủ tịch Sharp Katsuaki Nomura nói với phóng viên sau khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung kết thúc với ít tiến triển. Thực tế, hôm 1/8, Tổng thống Mỹ Trump đã tuyên bố áp thuế 10% với 300 tỷ USD với hàng Trung Quốc từ 1/9.
Theo nhận định của JLL, ở Trung Quốc, chi phí lao động và giá đất công nghiệp đang leo thang do Trung Quốc nâng cao chuỗi giá trị đối với hàng tiêu dùng trong nước, dịch vụ và hàng hóa xuất khẩu giá trị cao.
Chi phí lao động ở Việt Nam hiện tại chỉ bằng khoảng một phần ba Trung Quốc, điều này càng khuyến khích các công ty chuyển dịch về Việt Nam trong các năm qua, tuy nhiên cuộc chiến thương mại đã đẩy nhanh quá trình quyết định để các doanh nghiệp di dời đến Đông Nam Á.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam nhận định: "Chiến tranh thương mại không phải là nguyên nhân duy nhất cho sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) cho thấy Việt Nam luôn nỗ lực hội nhập quốc tế, điều này đem lại nhiều cơ hội khi hàng rào thuế quan giảm và tạo thêm động lực để Việt Nam tái lập môi trường kinh doanh".
Mặc dù vậy, quốc gia với gần 100 triệu dân sẽ chưa thể thay thế Trung Quốc như một trung tâm sản xuất chỉ sau một đêm. Theo The New York Times, chi phí cho đất đai để xây dựng nhà xưởng vẫn còn khá đắt và các hệ thống kho bãi có sẵn vẫn đang thiếu. Tuyển dụng đủ được đội ngũ quản lý và nhân viên lành nghề cũng là một thách thức tiềm năng khác.