18:21 23/01/2024

Nhiều quy định bất cập trong các Luật đang gây khó cho doanh nghiệp ngành nông nghiệp

Chu Khôi

Sản xuất nhiều loại vật tư nông nghiệp vẫn đang gặp ách tắc bởi những quy định tréo ngoe giữa các văn bản Luật. Do đó để sửa đổi, bổ sung các luật liên quan không bị chậm trễ, tránh soạn thảo ra những điều luật bất hợp lý, nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội cần tạo điều kiện để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thí điểm những quy định mới, được quyền chủ động lùi thời hạn các quy định có trong Luật còn bất hợp lý khi thực thi trong thực tiễn…

Thuốc thú y có cần thiết phải hợp quy?.
Thuốc thú y có cần thiết phải hợp quy?.

Ngày 22/1/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với đoàn công tác Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

LUẬT TIÊU CHUẨN VÀ QUY CHUẨN PHÁT SINH NHIỀU VƯỚNG MẮC

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, đến nay, ngành nông lâm ngư nghiệp đã có 1.359 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và 114 quy chuẩn quốc gia.

 

"Hiện còn những vướng mắc liên quan đến sự thống nhất giữa Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật với Luật Đầu tư năm 2020; và sự thống nhất giữa Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật với Luật An toàn thực phẩm".

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong đó, tất cả nhóm sản phẩm hàng hoá thuộc “Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn” và 11 nhóm hàng hoá thuộc “Danh mục hàng hoá nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành” thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều đã có quy chuẩn quốc gia và TCVN để quản lý.

Tuy nhiên, sau 17 năm ra đời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá Luật Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đang gây ra một số khó khăn vướng mắc.

Ví dụ, trong xây dựng, công bố tiêu chuẩn quốc gia quy định: “Tiêu chuẩn dùng để chứng nhận hợp chuẩn là tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn nước ngoài” và “Tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm, hàng hoá,... dựa trên kết quả chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận sự phù hợp thực hiện hoặc kết quả tự đánh giá sự phù hợp của mình” tại Điều 44, 45 là chưa phù hợp với thực tế.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với  đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với  đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Nguyên nhân là hầu hết vật tư nông nghiệp chỉ có tiêu chuẩn cơ sở, nếu quy định như trên sẽ không đủ điều kiện để công bố hợp chuẩn. Ngoài ra, trong xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, việc Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cũng không còn phù hợp.

Đồng thời do “sự phù hợp của quy chuẩn kỹ thuật với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế có liên quan” và “việc tuân thủ các yêu cầu nghiệp vụ, trình tự, thủ tục xây dựng quy chuẩn kỹ thuật” thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành phải thực hiện trong quá trình xây dựng quy chuẩn quốc gia. Và trong quá trình xây dựng quy chuẩn quốc gia, các cơ quan quản lý chuyên ngành đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu dự thảo quy chuẩn quốc gia và chịu trách nhiệm về nội dung quy định của quy chuẩn quốc gia khi ban hành.

Bên cạnh đó, còn những vướng mắc liên quan sự thống nhất giữa Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật với Luật Đầu tư năm 2020 và sự thống nhất giữa Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật với Luật An toàn thực phẩm.

BẤT CẬP HỢP QUY THUỐC THÚ Y

Trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, Luật Thú y được Quốc hội ban hành năm 2015, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016, trong đó Điều 78 yêu cầu mọi sản phẩm thuộc thú y sản xuất lưu thông trên thị trường phải được hợp quy.

Tuy nhiên, theo Cục Thú y ghi nhận từ phản ánh của các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y, thì: quy định này là thừa, vì sản phẩm thuốc thú y đã bị quản lý bằng hai công cụ mạnh hơn rất nhiều là đăng ký lưu hành và quy trình sản xuất GMP. Ngay cả quy định về thuốc dành cho người trong Luật Dược cũng chỉ cần đăng ký lưu hành và GMP, không cần hợp quy.

 

"Quy định công bố hợp quy thuốc thú y vừa không có hiệu quả, lại thêm gánh nặng chi phí lớn cho doanh nghiệp".

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y.

Do sự phản đối của các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y, và Bộ Nông nghiệp nhanh chóng nhận ra sự bất cập này, nên đã nhiều lần trì hoãn thi hành việc hợp quy đối với sản xuất thuốc thú y.

Trong lần gần nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo thời hạn áp dụng thủ tục chứng nhận hợp quy là tháng 4/2024 nhằm đợi sửa Luật Thú y. Tuy nhiên trong năm 2023, các doanh nghiệp nghe “phong thanh” rằng  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra dự thảo, sẽ tiếp tục lùi thời hạn áp dụng đến 2029. Các doanh nghiệp đinh ninh rằng sẽ tiếp tục được trì hoãn, dẫn đến hầu hết chưa có doanh nghiệp nào trong ngành sản xuất thuốc thú y hoàn thành thủ tục hợp quy.

Thế nhưng vào cuối năm 2023, Uỷ ban Pháp luật đưa ra kết luận rằng việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lùi thời hạn áp dụng một số quy định trong các Luật đã ban hành là không đúng thẩm quyền. Các Luật đều do Quốc hội thông qua, nên việc lùi thời hạn thực thi phải trình lên Quốc hội xem xét.

Hiện các doanh nghiệp đang "đứng ngồi không yên", vì chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, chắc chắn không thể hoàn thành được thủ tục hợp quy cho hàng ngàn sản phẩm thuốc thú y. Trong khi, cả nước hiện chỉ có 3 cơ sở được chỉ định kiểm nghiệm thuốc thú y.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết tất cả các sản phẩm trong nước (khoảng 13.000) và nhập khẩu (khoảng 7.000) đều đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất là GMP nên không cần đến việc hợp chuẩn, hợp quy.

“Nếu yêu cầu thêm về hợp chuẩn, hợp quy thì sẽ phát sinh thủ tục hành chính, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp mà không giúp sản phẩm tốt hơn vì đã đáp ứng được tiêu chuẩn cao nhất là GMP”, Cục trưởng Cục Thú y khẳng định.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh sự cần thiết của tiêu chuẩn địa phương, tiêu chuẩn cơ sở. Đây là những tiêu chuẩn mà cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cùng xây dựng. Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến việc nghiên cứu, đưa ra các giải pháp cắt giảm thủ tục hành chính với sự tham gia của nhiều bên.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu lên một số đề xuất với đoàn công tác Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, trong đó Quốc hội cần tạo điều kiện để ứng dụng thí điểm những quy định mới, để việc sửa đổi, bổ sung các Luật.

Để không bị chậm trễ so với thực tiễn, đề nghị cho phép Bộ được quyền chủ động lùi thời hạn các quy định có trong Luật, nhưng thấy bất hợp lý khi thực thi trong thực tiễn. Cần đưa Bộ Khoa học và Công nghệ tham gia vào khâu hậu kiểm với những cơ chế, phương án phối hợp hợp lý.

Liên quan vấn đề xung đột các văn bản quy phạm pháp luật, ông Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng việc khó khăn, vướng mắc xuất hiện khi thay đổi chính sách là có. Do đó, cần bổ sung, nghiên cứu, làm việc với các Bộ chuyên ngành để giải quyết.

“Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn thiện, bổ sung các kiến nghị. Ví dụ như có phụ lục cụ thể về các tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn quốc gia mà Bộ đã ban hành. Bộ nên sớm xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho giống cây trồng, cùng với đó là hướng dẫn thử nghiệm giống cây trồng đều xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống trong bối cảnh Luật Trồng trọt đã ra đời từ năm 2018”, ông Nguyễn Phương đề xuất.