Nông dân “chật vật” vì vật tư nông nghiệp
Hiện nay, nhiều loại vật tư nông nghiệp như giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, phân bón… phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, khiến giá bán đến tay nông dân quá cao. Trong khi đó, tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, hết hạn sử dụng vẫn đang diễn ra. Tất cả những vấn đề này khiến người nông dân rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu vật tư nông nghiệp trong tháng 8/2023 đem về 207 triệu USD, tăng 13,3% so với tháng 8/2022. Lũy kế 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu vật tư nông nghiệp đạt 1,32 tỷ USD, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, nhập khẩu nhóm ngành hàng này trong 8 tháng tiêu tốn 4,72 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, xét về nhóm các mặt hàng vật tư nông nghiệp, đang nhập siêu tới 3,4 tỷ USD.
PHÂN BÓN: NHẬP GẤP ĐÔI XUẤT
Nhóm vật tư nông nghiệp là các sản phẩm đầu vào của sản xuất nông nghiệp, bao gồm giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý, cải tạo môi trường trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Trong đó, phân bón là loại vật tư nông nghiệp quan trọng số 1 đối với sản xuất nông nghiệp, bởi chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt, trong khi ngành trồng trọt hiện đang chiếm từ 64-68% trong tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.
Theo số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, trong 7 tháng năm 2023 cả nước xuất khẩu 942.576 tấn phân bón các loại, tương đương 391,05 triệu USD; giảm 15% về khối lượng, giảm 45,8% về kim ngạch và giảm 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, chiếm trên 36% tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp theo là thị trường Malaysia và Hàn Quốc.
"Qua số liệu thống kê, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu 60%; phân bón nhập khẩu tới 42% vì vậy, nhiệm vụ trước hết là phải thúc đẩy tăng sản xuất vật tư nông nghiệp trong nước, từ đó giảm giá bán vật tư nông nghiệp tới tay nông dân".
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ở chiều ngược lại, trong 7 tháng năm 2023, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt gần 2,01 triệu tấn, trị giá trên 674,81 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu phân bón tăng 2,8% về khối lượng, nhưng giảm 26,3% về kim ngạch.
Như vậy, lượng phân bón nhập khẩu hiện vẫn cao gấp hơn 2 lần so với xuất khẩu. Lý giải về điều này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nên giá nhập khẩu hầu hết các các mặt hàng vật tư nông nghiệp đồng loạt tăng cao, nhất là giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, khiến nhiều nông dân chịu thua lỗ, nhiều người phải “treo ao, treo chuồng”.
Đó là yếu tố khách quan, còn nguyên nhân chủ quan là do Việt Nam chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp như giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư đã ảnh hướng lớn tới chi phí sản xuất.
“Một vấn đề nổi cộm là nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp chưa hợp lý, dẫn đến lãng phí và đẩy giá thành sản xuất lên cao. Ngân hàng Thế giới đánh giá nông dân Việt Nam đang lạm dụng hơn 55% chi phí vật tư đầu vào”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan quan ngại.
"BÁT NHÁO" CHẤT LƯỢNG VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP
Hiện đang có một nghịch lý: Trong khi nông dân đang nỗ lực tuân thủ các quy trình canh tác VietGAP, GlobalGAP để nông sản đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới, thì vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp lại rất bát nháo. Tình trạng phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng vẫn được bán phổ biến trên thị trường các vùng nông thôn.
Lý giải về nghịch lý này, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, cho biết phần lớn các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp hoạt động dưới hình thức hộ gia đình, nhiều cơ sở kinh doanh không có bảng biển, địa điểm bán cố định, do đó, việc kiểm tra, xử lý rất khó khăn.
Trong khi đó, chế tài xử phạt các vi phạm về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vật tư nông nghiệp trong thực tế sản xuất, quản lý chưa nhiều. Nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí phục vụ công tác quản lý vật tư nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.
"Điều này dẫn đến tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, hết hạn sử dụng, vi phạm nhãn mác, việc sử dụng hóa chất, các chất kích thích sinh trưởng vượt mức cho phép vẫn còn diễn ra, rất khó chấm dứt", ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng chỉ ra rằng hiện nay trách nhiệm quản lý vật tư nông nghiệp giữa các cơ quan chưa được quy định rõ ràng, thống nhất trong một văn bản pháp luật cụ thể, mà nằm tản mác ở nhiều văn bản, dẫn đến khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 37-2023 phát hành ngày 11-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam