10:21 21/10/2010

Nhìn từ phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội: Rạch ròi trách nhiệm

Nguyên Thảo

Trách nhiệm về sai phạm của Vinashin "nóng" cả trong và ngoài hội trường Quốc hội

Phiên khai mạc kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa 12 đã diễn ra sáng 20/10 tại Hà Nội - Ảnh: CTV
Phiên khai mạc kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa 12 đã diễn ra sáng 20/10 tại Hà Nội - Ảnh: CTV
Thủ tướng nhận trách nhiệm, Chính phủ gửi báo cáo đến đại biểu, cử tri kiến nghị, Ủy ban Kinh tế đề cập tại nội dung thẩm tra…, cái tên Vinashin đã được nhắc đến khá nhiều tại nghị trường ngay từ phiên khai mạc của kỳ họp Quốc hội thứ tám, sáng 20/10.

Rồi, trong giờ giải lao của phiên họp buổi chiều, những trao đổi của một số vị đại biểu Quốc hội với báo chí cũng dày đặc thông tin về tập đoàn này. Song, “tiêu điểm” dường như không phải là những con số “khổng lồ” về nợ hay thất thoát. Mà, là sự đòi hỏi phải rạch ròi về trách nhiệm.

Không quá khó hiểu khi đại biểu Vũ Quang Hải, người từng nhiều lần chất vấn về những biểu hiện “bất thường” của Vinashin đưa ra nhận xét, báo cáo của Chính phủ chưa rõ trách nhiệm cụ thể của từng vị trí trong tập đoàn, của đại diện chủ sở hữu, của cả cơ quan thanh tra, kiểm toán, và trách nhiệm kiểm tra của cả Chính phủ.

Dù nhìn nhận việc Thủ tướng Chính phủ nhận trách nhiệm trước Quốc hội về thực trạng của Vinashin là “tích cực”, song vị đại biểu này “chưa đồng ý lắm” với những thông tin trong 18 trang báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội.

Vẫn là vấn đề trách nhiệm, mà theo đại biểu Hải thì, “xem ra có vẻ là trách nhiệm hỗn hợp, mỗi bộ quản lý một phần, thanh tra kiểm toán mỗi chỗ một tí…”.

Nhắc đến Vinashin nhưng báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng không nêu ra "địa chỉ" trách nhiệm nào. Bởi, theo Chủ nhiệm Hà Văn Hiền thì trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến đâu và như thế nào thì sẽ có các cơ quan chức năng làm rõ.

Thực ra, trong những đợt giám sát trước (từ năm 2008), Quốc hội đã cảnh báo rồi nhưng rồi kiểm tra, xử lý chưa tới nơi, tới chốn dẫn đến việc nợ nần chồng chất cao đến mức không có khả năng thanh toán và đứng trước khả năng phá sản, ông Hiền nói thêm.

Bên cạnh việc doanh nghiệp báo cáo sai sự thật, nguyên nhân quan trọng được ông Hiền chỉ ra là các cơ quan quản lý với chức năng là chủ sở hữu đã thực hiện chức năng của mình chưa rõ ràng, chưa đến nơi, đến chốn.

Quan trọng hơn là “không có cơ quan nào làm đầu mối, chịu trách nhiệm chính, mà bị phân khúc, chia cắt”, Chủ nhiệm Hiền nhấn mạnh.

Theo quan điểm của ông, trong quá trình cải cách doanh nghiêp hiện nay, ngoài việc làm rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu ra, còn phải chỉ ra một cơ quan có chức năng chịu trách nhiệm chính. Chỉ có vậy, khi doanh nghiệp gặp vấn đề mới có chỗ để quy kết trách nhiệm.

Đại biểu Hải cũng đề nghị cần rạch ròi trách nhiệm với thái độ là có làm có sai, nhưng sai thì nên nhận.

Ông cũng chia sẻ với báo chí là đã gửi nhiều câu hỏi chất vấn liên quan đến Vinashin và cũng đã nhận được một số câu trả lời. Và theo như Kiểm toán Nhà nước cho biết thì cơ quan này đã 3 lần xây dựng chương trình kiểm toán nhưng đều không “vào” được, vì  theo quy định thì thanh tra và kiểm toán không thể “vào” cùng một thời điểm.

Vị đại biểu này cũng tỏ ra “thông cảm” là có một số việc phải điều tra mới rõ được nên quy trách nhiệm cũng cần có thời gian nhất định, tuy nhiên, nếu không “sòng phẳng” về trách nhiệm thì khó có thể khiến nhân dân tin tưởng.

Lo ngại này càng “có lý” khi vừa trong phiên khai mạc, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội đã nêu rõ, cử tri và nhân dân cho rằng trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với Vinashin này có nhiều bất cập, yếu kém; việc kiểm tra, kiểm soát của nhà nước còn kém hiệu quả nên chưa phát hiện được đầy đủ và ngăn chặn kịp thời những quyết định sai trái về đầu tư, sử dụng vốn không đúng mục đích... dẫn đến hiệu quả vốn đầu tư của nhà nước đạt hiệu quả thấp, thậm chí bị thất thoát rất nghiêm trọng.

Cử tri và nhân dân cũng đã kiến nghị Chính phủ làm rõ những sai phạm của lãnh đạo Vinashin và trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ có liên quan và xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân vi phạm.

Tại báo cáo gửi đến từng vị đại biểu Quốc hội, trong các giải pháp được Chính phủ chỉ đạo khẩn trương thực hiện có giải pháp “kiểm điểm trách nhiệm và xử lý nghiêm minh những người có vi phạm theo đúng quy định của pháp luật”.

Bởi vậy, cho dù “không có cơ quan nào làm đầu mối, chịu trách nhiệm chính” như Chủ nhiệm Hiền đã phân tích, thì cử tri vẫn có quyền “đòi hỏi” câu trả lời về trách nhiệm liên quan đến Vinashin đủ minh bạch và quan trọng là đủ sức thuyết phục.

Bởi tiền vốn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thực chất là tiền của dân. Mà như lời một vị Ủy viên Thường vụ Quốc hội đã nói, “cầm tiền của dân, chi tiêu đồng tiền, bát gạo của dân, phải ý thức được hậu quả xã hội”.