Nhu cầu than toàn cầu có thể lập kỷ lục mới, cổ phiếu than “vào cầu”
“Ai mà nghĩ được cổ phiếu than lại có thể trở thành cổ phiếu lãi nhất trong tài khoá vừa rồi. Trong tài khóa này, cổ phiếu than cũng đang là nhóm tốt nhất”...
Giá than đang tăng mạnh và nhu cầu tiêu thụ than toàn cầu được dự báo sẽ quay trở lại mức kỷ lục thiết lập cách đây khoảng 10 năm, trong bối cảnh tình trạng khan hiếm nguồn cung năng lượng tiếp diễn.
Theo hãng tin CNBC, trong lúc nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu than hưởng lợi từ giá than cao, vấn đề giảm phát thải carbon đang trở thành một vấn đề kém quan trọng hơn so với trước đây, vì thị trường và các chính phủ đều đang tăng cường tích trữ các loại nhiên liệu truyền thống để ứng phó với sự gián đoạn nguồn cung do chiến tranh Nga-Ukraine gây ra.
Tệ hơn, do đầu tư ngày càng chậm vào các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, mức tiêu thụ than lớn của các nhà máy đã cũ càng khiến cho nguồn cung than bị thắt chặt hơn - theo nhà phân tích cấp cao Peter O’Connor của Shaw and Partners.
“Ai mà nghĩ được cổ phiếu than lại có thể trở thành cổ phiếu lãi nhất trong tài khoá vừa rồi. Trong tài khóa này, cổ phiếu than cũng đang là nhóm tốt nhất”, ông O’Connor nói với CNBC.
“Nhìn về năm tới, với mùa đông ở bán cầu Bắc cộng thêm tình hình giá khí đốt và nguồn cung khí đốt ở châu Âu, các quốc gia sẽ phải quay trở lại với than. Mà nguồn cung than cũng thắt chặt. Tại sao? Vì không có ai phát triển năng lực sản xuất than và thị trường còn thắt chặt do thời tiết và Covid. Bởi vậy, giá than sẽ còn cao trong thời gian dài, có lẽ là sang năm 2023”.
Giá than nhiệt sử dụng cho phát điện ở Anh đã tăng khoảng 170% từ cuối năm ngoái, với tốc độ tăng được đẩy nhanh sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra.
Ngược lại, giá than cốc - một nguyên liệu sản xuất thép - đang diễn biến theo chiều hướng giảm. Nguyên nhân là giá loại than này bị chi phối bởi các yếu tố khác. Tăng trưởng suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc đang kéo theo nhu cầu thép và sản lượng thép giảm theo, dẫn tới nhu cầu than cốc cũng giảm.
Trong một báo cáo mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo nhu cầu tiêu thụ than toàn cầu sẽ tăng 0,7% trong năm 2022, lập lại kỷ lục thiết lập vào năm 2013, miễn là nền kinh tế Trung Quốc phục hồi như dự báo trong nửa sau của năm nay. “Nhu cầu than toàn cầu sẽ trở lại mức kỷ lục đã có vào năm 2013, và sẽ tiếp tục tăng trong năm tới, đạt mức cao nhất mọi thời đại mới”, báo cáo cập nhật về tình hình thị trường than của IEA nói.
“Sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu than đã đóng góp nhiều vào mức tăng hàng năm lớn nhất từ trước đến nay của lượng phát thải CO2 liên quan đến năng lượng trên toàn cầu, đưa lượng khí thải này lên mức cao nhất trong lịch sử”, báo cáo viết.
Nhu cầu tiêu thụ than toàn cầu đã tăng khoảng 6% trong năm 2021, khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau cú sốc ban đầu do Covid-19 gây ra, theo IEA.
Nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu than là tình trạng thiếu khí đốt do Liên minh châu Âu (EU) tìm cách cắt giảm phụ thuộc vào nguồn khí đốt Nga và Nga đáp trả bằng cách “siết van” khí đốt đối với khối này. Tiêu thụ than trong EU vì thế được dự báo tăng 7% trong năm nay, sau khi tăng 14% trong năm ngoái - theo IEA.
“Xu hướng này xuất phát từ nhu cầu của ngành điện, nơi than đang được sử dụng ngày càng nhiều để thay thế khí đốt, loại nhiên liệu đang bị thiếu và đã tăng giá mạnh sau khi Nga tấn công Ukraine”, báo cáo viết. “Nhiều nước EU đang kéo dài thời gian sử dụng các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than vốn có kế hoạch đóng cửa từ trước, mở cửa lại các nhà máy đã dừng hoạt động, hoặc nâng trần số giờ hoạt động của nhà máy nhiệt điện than. Tất cả đều nhằm mục đích giảm sử dụng khí đốt”.
Một báo cáo của ngân hàng ANZ nói rằng việc Nga cắt giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 xuống còn 20% công suất có thể khiến cho các nước EU không tích trữ đủ khí đốt để dùng trong mùa đông năm nay. Vì vậy, châu Âu có thể sẽ phải cạnh tranh quyết liệt để nhập khẩu khí đốt hoá lỏng (LNG).
Thị trường năng lượng toàn cầu, trong đó có khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đang cảm nhận rõ sức ép.
Gần đây, hãng thép Nippon Steel Corporation của Nhật Bản đã ký một thoả thuận với công ty khai mỏ và giao dịch khoáng sản Glencore để mua than nhiệt với mức giá 375 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất mà một công ty Nhật Bản từng trả để mua than nhiệt - theo hãng tin Bloomberg.