12:20 12/08/2022

Lệnh trừng phạt của phương Tây ít ảnh hưởng đến sản lượng dầu Nga

An Huy

Sản lượng dầu thô tháng 7 của Nga chỉ giảm 310.000 thùng/ngày so với mức trước chiến tranh, tương đương mức giảm chưa đầy 3%...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây chỉ có “ảnh hưởng hạn chế” đối với sản lượng dầu của Nga kể từ khi nổ ra chiến tranh giữa Nga với Ukraine, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết ngày 11/8. Cũng trong báo cáo này, IEA nâng dự báo sản lượng dầu thô của Nga trong nửa sau của năm nay và trong năm 2023.

Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã giảm gần 2,2 triệu/thùng ngày - tổ chức có trụ sở ở Paris, Pháp cho biết. Nhưng bù lại, dòng chảy xuất khẩu dầu thô của Nga đã chảy nhiều hơn sang một số nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhờ đó, tổn thất tài chính đối với Nga đã được hạn chế.

Sản lượng dầu thô tháng 7 của Nga chỉ giảm 310.000 thùng/ngày so với mức trước chiến tranh, tương đương mức giảm chưa đầy 3%, trong khi tổng xuất khẩu dầu thô của Nga giảm 580.000 thùng/ngày – theo dữ liệu hàng tháng mới nhất của IEA. Cơ quan này ước tính Nga đạt doanh thu 19 tỷ USD từ xuất khẩu dầu trong tháng 7, sau khi thu 21 tỷ USD trong tháng 6.

 

Sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu tiêu thụ dầu, chủ yếu tập trung ở khu vực Trung Đông và châu Âu, che giấu sự suy yếu của nhu cầu tại các khu vực khác. Tuy nhiên, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 2,1 triệu thùng/ngày trong năm nay so với năm ngoái, đạt 99,7 triệu thùng/ngày, và tăng thêm 2,1 triệu thùng/ngày nữa trong năm 2023.

“Khách hàng châu Á đã tranh thủ mua dầu thô giá rẻ”, IEA nói về dầu Nga, cho biết Trung Quốc đã vượt qua EU trở thành nước nhập khẩu dầu thô Nga lớn nhất trong tháng 6.

Nhu cầu gia tăng của các thị trường này đối với dầu thô Nga so với thời điểm đầu năm cũng đồng nghĩa mức độ chiết khấu của giá dầu Nga so với giá tiêu chuẩn của thị trường dầu quốc tế giảm bớt.

Lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô và các sản phẩm dầu từ Nga sẽ có hiệu lực đầy đủ từ tháng 2/2023 và khiến nhập khẩu dầu Nga của châu Âu giảm sâu hơn nữa. Tuy nhiên, theo IEA, “một số nhà hoạch định chính sách đã tính đến việc nới lỏng biện pháp trừng phạt này” do lo ngại tình trạng thắt chặt của nguồn cung dầu toàn cầu.

Cũng vì mối lo tương tự, trong tháng trước, EU nới lỏng hạn chế đối với việc cung cấp dầu thô Nga cho các nước ngoài khối. Ngoài ra, Mỹ đang thuyết phục nhóm 7 nền kinh tế phát triển (G7) ủng hộ một cơ chế trần giá nhằm cho phép dầu Nga được bán cho các nước thứ ba miễn sao nước đó chấp nhận trả mức giá thấp hơn giá thị trường cho lô hàng.

Vì những lý do này, IEA nâng dự báo sản lượng dầu Nga trong nửa sau của năm nay thêm 500.000 thùng/ngày và trong năm 2023 thêm 800.000 thùng.

Cũng trong báo cáo hàng tháng này, IEA cũng nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2022 thêm 380.000 thùng/ngày so với lần dự báo trước, bất chấp những dấu hiệu của sự giảm tốc kinh tế toàn cầu.

Giá khí đốt cao kỷ lục ở khu vực châu Âu sau khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine đã dẫn tới một cuộc dịch chuyển lớn từ sử dụng khí đốt sang dùng dầu thô để phát điện ở các nước trong khối EU. Xu hướng này sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong thời gian còn lại của năm nay, cho dù nhu cầu tiêu thụ dầu của nhiều khu vực khác của thế giới chậm lại - theo IEA.

“Sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu tiêu thụ dầu, chủ yếu tập trung ở khu vực Trung Đông và châu Âu, che giấu sự suy yếu của nhu cầu tại các khu vực khác. Tuy nhiên, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 2,1 triệu thùng/ngày trong năm nay so với năm ngoái, đạt 99,7 triệu thùng/ngày, và tăng thêm 2,1 triệu thùng/ngày nữa trong năm 2023, đạt 101,8 triệu thùng/ngày”, IEA dự báo.

Việc sử dụng dầu để phát điện cũng được đẩy cao thời gian gần đây do nhu cầu điện gia tăng do thời tiết nắng nóng ở nhiều nơi trên toàn cầu. Nhiệt độ ở nhiều quốc gia đã tăng lên mức cao kỷ lục, chẳng hạn ở Anh. Lượng dầu dùng để phát điện đã tăng đặc biệt mạnh ở Saudi Arabia và Iraq, đồng thời cũng tăng ở Bồ Đào Nha, Anh, Tây Ban Nha, Đức và Italy - theo báo cáo.

Riêng việc EU cam kết cắt giảm 15% tiêu thụ khí đốt trong thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023 sẽ tiếp tục đẩy tăng nhu cầu tiêu thụ dầu thêm khoảng 300.000 thùng/ngày trong 6 quý tới - IEA dự báo.