15:00 13/07/2022

Những đề xuất đáng chú ý để xử lý “cục máu đông” của nền kinh tế

Khởi Anh

Cân nhanh chóng đồng bộ hệ thống luật và các văn bản dưới luật, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để hướng tới việc xử lý nợ một cách chuyên nghiệp, góp phần nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam... là ý kiến chung của nhiều chuyên gia, nhà quản lý tham dự Đối thoại chuyên đề về nợ xấu do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức...

Sáng 13/7, được sự đồng ý của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cùng các đơn vị VAMC, Agribank tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến: “Hoàn thiện pháp lý về xử lý nợ xấu, sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm”.

Tại sự kiện này, các chuyên gia, nhà quản lý đều nhận định, Nghị quyết 42 đã ra đời rất kịp thời, với nhiều quy định mới, cho phép mở rộng quyền năng pháp lý lớn hơn so với các quy định hiện hành về xử lý nợ xấu. Nhờ đó, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, có chung quan điểm, dù Nghị quyết 42 giúp đạt được những kết quả khả quan, nhưng nhiều khó khăn, vướng mắc vẫn còn, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát lần 4 tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao trở lại.

Nhiều doanh nghiệp gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ. Bên cạnh đó, những bất cập ngay trong chính nghị quyết này cũng được nhiều chuyên gia kinh tế chỉ rõ. Trước khi kết thúc buổi tọa đàm, hầu hết các đại biểu đều có chung nhận định, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, luật hóa Nghị quyết 42 để ban hành Luật Xử lý nợ xấu trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.

Việc đồng bộ hệ thống luật và các văn bản dưới luật liên quan đến xử lý nợ xấu sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng hành lang pháp lý cần thiết, hình thành một môi trường kinh tế lành mạnh, hoạt động cấp tín dụng và xử lý nợ chuyên nghiệp, bài bản cho Việt Nam, góp phần nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam