14:00 13/07/2022

Không chỉ là những con số, thấy gì từ hậu thí điểm Nghị quyết số 42?

Ánh Tuyết

Không chỉ đem lại kết quả "đẹp" từ những con số xử lý nợ xấu, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nhìn nhận Nghị quyết 42 cho thấy một cách tiếp cận mới về môi trường thể chế. Theo đó, cần tháo gỡ những "rườm rà", vướng mắc từ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh đầu tư...

Toàn cảnh Đối thoại chuyên đề: "Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm". Ảnh: Chu Xuân Khoa.
Toàn cảnh Đối thoại chuyên đề: "Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm". Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Đánh giá sự hiệu quả về đánh tan "cục máu đông" nợ xấu từ Nghị quyết 42 mang lại tại Đối thoại chuyên đề: "Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cùng các đơn vị: VAMC, Agribank tổ chức ngày 13/7, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XV, khẳng định tổng số nợ được xử lý đóng góp rất lớn trong sự đảm bảo an toàn với hệ thống ngân hàng, đồng thời, siết chặt kỷ luật thị trường, nâng cao ý thức của bên vay nợ.

"NHEN NHÓM" KỲ VỌNG MỚI VÀO KHUNG PHÁP LÝ

Với quyền năng pháp lý được mở rộng hơn so với so với các quy định hiện hành về xử lý nợ xấu, Nghị quyết 42 giúp hệ thống tổ chức tín dụng xử lý được khối lượng nợ xấu rất lớn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Trong 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã xử lý thì: (i) xử lý nợ xấu nội bảng là 196,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 51,79%); (ii) xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 100,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 26,51%); (iii) xử lý các khoản nợ đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,70%).

Đánh giá cao những con số có thể nhìn nhận trực diện, ông Phan Đức Hiếu còn chỉ rõ tác động mạnh mẽ, đôi khi không tính toán được bằng con số tuyệt đối mà Nghị quyết 42 mang lại.

Quay trở lại bản chất của Nghị quyết 42, ông Hiếu cho rằng sẽ thấy cái nhìn dài hơi hơn là hoàn thiện khung pháp lý về nợ xấu sắp tới. Theo đó, thực sự phải tuân thủ và đặt nguyên tắc thị trường lên cao nhất. Đồng thời, đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu và vượt qua những "rườm rà" của thủ tục hành chính mới tăng tính hiệu quả. 

Rõ ràng, "chúng ta càng chậm trễ trong việc trả nợ, những chi phí về mặt tài sản bảo đảm như chi phí vay nợ của chủ nợ, của người đi vay nợ cũng sẽ tăng lên. Cùng với đó, chi phí của phía ngân hàng cũng sẽ tăng lên, từ việc bảo quản, trông coi, quản lý tài sản và các chi phí kinh doanh khác liên quan”, ông Hiếu phân tích. 

Đáng lưu ý, điểm hưởng lợi khác cần quan tâm là các doanh nghiệp khác cũng được hưởng lợi. Nếu như chúng ta giữ một khoản nợ - nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, hạn mức tín dụng. Có những dự án rất tốt nếu được cấp vốn kịp thời, nhanh hơn thì rõ ràng sẽ phát huy hiệu quả tốt cho nền kinh tế.

 
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XV: “Chúng ta nên nhìn kỹ Nghị quyết 42 mang đến những tác động khác, vượt xa ngoài những con số. Câu chuyện không còn là xử lý nợ xấu mà là tăng hiệu quả sử dụng tài sản nói chung và sớm đưa vào nền kinh tế. Từ đó, sẽ giúp ích cho cả cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cả ngân hàng và những người vay nợ trực tiếp. Ảnh: Chu Xuân Khoa.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XV: Chúng ta nên nhìn kỹ Nghị quyết 42 mang đến những tác động khác, vượt xa ngoài những con số. Câu chuyện không còn là xử lý nợ xấu mà là tăng hiệu quả sử dụng tài sản nói chung và sớm đưa vào nền kinh tế. Từ đó, sẽ giúp ích cho cả cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cả ngân hàng và những người vay nợ trực tiếp. Ảnh: Chu Xuân Khoa.

 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản (VAMC), cho rằng dường như việc xử lý nợ xấu là trách nhiệm chung của ngành ngân hàng mà chưa nhận được sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành, các địa phương.

"Chúng ta phải nhìn nhận đây là nợ xấu chung của nền kinh tế và việc tháo gỡ nợ xấu không chỉ giúp khơi thông ngành ngân hàng mà còn là động lực để phát triển nền kinh tế", lãnh đạo VAMC nhấn mạnh.

Tuy nhiên, là người gắn bó với ngành ngân hàng và rất sát sao trong quá trình vận hành Nghị quyết 42, đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn về tổng số nợ được xử lý so với tổng số nợ xấu (khoảng 48%) và kỳ vọng nhiều hơn vào khung pháp luật về xử lý nợ xấu.

“Rõ ràng Nghị quyết 42 đạt hiệu quả nhưng so với kỳ vọng, chúng ta cần phải nâng thêm một bước nữa về tính hiệu quả khi qua giai đoạn thí điểm”, ông Hiếu đặt vấn đề. Theo đó, sau Nghị quyết 42, chúng ta phải sửa đổi, rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để đẩy nhanh các thủ tục hành chính, khi đó mới gia tăng hiệu quả của cả nền kinh tế.

Chẳng hạn, liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp các hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp hiện nay theo con đường tòa án hiện nay, dẫn chứng báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nêu rõ thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có thời hạn giải quyết một tranh chấp dân sự kinh tế rất dài, làm giảm hiệu quả cho nền kinh tế và hiệu quả kinh doanh nói chung.

Như vậy, rõ ràng, Nghị quyết 42 cho thấy một cách tiếp cận mới về môi trường thể chế, tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh đầu tư. "Đây chính là những tác động của Nghị quyết 42 nên bổ sung cùng với những con số cụ thể chúng ta nhìn thấy theo mục tiêu của nghị quyết 42”, ông Hiếu bày tỏ.

RÀ SOÁT RỘNG ĐỂ XỬ LÝ VƯỚNG MẮC

Qua quá trình thực thi Nghị quyết 42, nhiều tổ chức tín dụng cho rằng một trong những điểm khác biệt của Nghị quyết 42 so với hệ thống pháp luật hiện hành về xử lý nợ xấu chính là: (i) Đề cao quyền xử lý nợ xấu; (ii) Bảo vệ quyền chủ nợ của các tổ chức tín dụng trong quá trình hoàn thiện khung khổ pháp lý và giải quyết các bất cập về thực thi trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42.

Trong đó, nhấn mạnh các nội dung như: thu giữ tài sản bảo đảm, thứ tự ưu tiên thanh toán, thủ tục rút gọn, chính sách thuế… Theo ý kiến nhiều tổ chức tín dụng, khi tiến hành hoàn thiện pháp luật xử lý nợ xấu, cần phải nhấn mạnh ở các nội dung này.

Dù chưa rõ ràng hình hài khung pháp lý nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc nhưng theo ông Phan Đức Hiếu, việc đầu tiên chúng ta phải đề cao, phải tôn trọng, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của cả hai bên - ngân hàng và cả những người đi vay nợ. Đây là quyền và lợi ích hợp pháp đều phải được bảo đảm, chứ không đề cao ai hơn ai.

 

"Về mặt phạm vi, rõ ràng Ngân hàng Nhà nước nên rà soát ở một phạm vi rộng nhất có thể, trong nguồn lực và thời hạn và tất nhiên là liên quan trực tiếp đến vấn đề xử lý nợ xấu và các tài sản có liên quan đến nợ xấu", ông Hiếu gợi ý.

Cùng với đó, ông Hiếu khẳng định không thể thí điểm quá dài, buộc phải luật hóa Nghị quyết 42, không phải Nghị định hay một văn bản dưới luật mà phải luật hóa thành một khung pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất và được thông qua bởi một trình tự thủ tục chặt chẽ nhất, bảo vệ tốt nhất quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các bên, là việc đầu tiên.

Về phạm vi, Nghị quyết cũng nói rất rõ, song song với việc rà soát Luật các tổ chức tín dụng, chúng ta cũng rà soát các pháp luật có liên quan, như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản quy định về chuyển nhượng dự án bất động sản chẳng hạn.

Ông Hiếu lưu ý thêm, khi rà soát, cần phân biệt rất rõ đâu vướng mắc pháp lý từ luật và đâu là do khâu tổ chức thực thi, do các cơ quan có liên quan có thể chưa nhiệt tình, chưa tích cực, chưa chủ động. Đây chưa hẳn là vướng mắc pháp lý, phải phân biệt rất rõ.

Cùng với đó, "ngoài việc rà soát lại khung pháp luật để thực thi hiệu quả hơn, nhanh hơn, hợp lý hơn, giảm giải quyết các vướng mắc thì có thể nghĩ thêm một “cơ chế” để thúc đẩy người đi vay tự giải quyết vấn đề của mình. Đây là vấn đề gợi mở", ông Hiếu nói.

Theo phân tích của đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội, trong quá trình vừa qua, phần được xử lý hiệu quả nhất là phần khách hàng tự trả nợ (lên tới 148 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,93%), nghĩa là cơ chế khách hàng tự thanh lý tài sản vẫn hiệu quả hơn. Về mặt lý thuyết, chi phí giao dịch, chi phí pháp lý chắc chắn sẽ ít tốn kém hơn so với việc ngân hàng đứng ra thanh lý tài sản.