Những lực đỡ bền vững của chứng khoán
Được hỗ trợ bởi định giá rẻ so với các thị trường chứng khoán trong khu vực, sức mạnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam có thể sẽ giúp thu hút dòng vốn đầu tư
Báo cáo kinh tế tháng 3 vừa được Công ty chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) công bố đã tập trung vào chủ đề kinh tế vĩ mô của Việt Nam hỗ trợ thị trường chứng khoán như thế nào.
Trong báo cáo này, khối phân tích kinh tế ngành vĩ mô của HSC đã bày tỏ quan điểm khá lạc quan khi cho rằng: triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2021 được củng cố nhờ tiêu dùng nội địa mạnh mẽ, triển vọng FDI và hoạt động thương mại vững chắc, điều kiện tiền tệ thuận lợi, tỷ giá được kiểm soát và chương trình đầu tư công bền vững của Chính phủ. Các yếu tố khác bao gồm: dự trữ ngoại hối vững chắc, tỷ lệ nợ nước ngoài thấp và cách tiếp cận thận trọng đối với thâm hụt ngân sách.
"Được hỗ trợ bởi định giá rẻ so với các thị trường trong khu vực, sức mạnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam có thể sẽ giúp thu hút dòng vốn đầu tư - triển vọng kinh tế vĩ mô lành mạnh hỗ trợ dự báo chỉ số chứng khoán đạt 1.500 điểm của chúng tôi", khối phân tích HSC phân tích.
NHỜ KINH TẾ VĨ MÔ MẠNH MẼ, VIỆT NAM SẼ THU HÚT VỐN
Trong bối cảnh những bất ổn vĩ mô toàn cầu liên quan đến dịch Covid-19, các nhà đầu tư đã tiếp tục giảm tỷ trọng đầu tư tại thị trường ASEAN và Hàn Quốc, thể hiện qua dòng vốn rút ròng lũy kế trong 12 tháng. Tuy nhiên, Việt Nam chịu tác động nhẹ hơn cả về giá trị tuyệt đối và tương đối.
Với bối cảnh kinh tế vĩ mô mạnh mẽ này, Việt Nam vẫn được định giá hấp dẫn là 14,4 lần – mức P/E dự phóng 2021 thấp hơn 28% so với các nước khác trong khu vực. Khi đó, câu hỏi đặt ra là, liệu bối cảnh kinh tế vĩ mô có giúp thu hút dòng vốn đầu tư hay không và liệu điều này có khiến Việt Nam được định giá lại so với các nước trong khu vực hay không? Theo HSC, câu trả lời sẽ là có.
Vẫn còn đó những vấn đề xung quanh cấu trúc vốn của Việt Nam cũng như những câu hỏi về khả năng tiếp cận của nhà đầu tư đã kìm hãm định giá thị trường trong lịch sử. HSC cho rằng những yếu tố kìm hãm này sẽ tiếp tục giảm bớt khi các thách thức được giải quyết.
Chỉ số thị trường của Việt Nam đã tăng 24,8% kể từ tháng 1/2020 đến nay, là thị trường hoạt động tốt thứ ba trong khu vực tính đến thời điểm này. Điều này phản ánh khả năng kiểm soát dịch tuyệt vời của Việt Nam và tác động tích cực của điều này đối với nền kinh tế. Các thị trường chứng khoán trong khu vực gần đây đã trải qua sự biến động mạnh do hệ quả của dịch Covid-19, những lo ngại xung quanh lạm phát và lợi suất trái phiếu tăng ở Mỹ. Tuy nhiên, trong dài hạn, HSC đánh giá hiệu suất của thị trường chứng khoán phản ánh hiệu quả hoạt động của các nền kinh tế thực.
Một trong những kế hoạch hành động trọng tâm được đề cập trong các Văn kiện Đại hội là "nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán để thị trường chứng khoánphát triển thành kênh huy động vốn chủ yếu cho nền kinh tế". Đảng cũng mong muốn đẩy nhanh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp để hoàn thành việc cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước vào năm 2025. Điều này sẽ giúp thúc đẩy quy mô và chiều sâu của thị trường chứng khoán.
Trong bối cảnh dự báo tăng trưởng mạnh hơn cho năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đang đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 là 12%, bằng với tốc độ tăng trưởng đạt được vào năm 2020. Đây là một mục tiêu hợp lý; sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản nhưng giảm bớt áp lực đối với tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) của hệ thống ngân hàng. Sẽ không có áp lực tăng đáng kể so với mức hiện tại (72,4% tính đến tháng 10/2020, theo website của Ngân hàng Nhà nước).
"Tính thanh khoản cao trên thị trường liên ngân hàng trong bối cảnh lãi suất thấp cũng có tương quan lớn với thanh khoản trên cả thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu. Động lực này, theo quan điểm của chúng tôi, sẽ không thay đổi do lạm phát nhiều khả năng sẽ được kiểm soát ở mức dưới 4%. Chúng tôi dự báo lạm phát năm 2021 là 3,6% so với 3,2% trong năm 2020", báo cáo HSC lưu ý.
KINH TẾ VĨ MÔ KHẢ QUAN SẼ THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Tại thời điểm viết báo cáo này, chỉ số VN-Index tiếp tục chật vật vượt qua mốc 1.200 điểm. Sự bất ổn đang và sẽ tiếp tục là một yếu tố ngắn hạn của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, trong dài hạn, các yếu tố cơ bản sẽ tự khẳng định, chủ yếu nhờ triển vọng kinh tế vĩ mô tuyệt vời của Việt Nam. Đó là, Việt Nam được hưởng lợi từ nền kinh tế đang phục hồi của Mỹ, tiêu dùng nội địa mạnh, triển vọng FDI và hoạt động thương mại vững chắc, điều kiện tiền tệ rất thuận lợi, tỷ giá được kiểm soát và chương trình đầu tư công bền vững của Chính phủ. Các yếu tố khác bao gồm vị thế dự trữ ngoại hối vững chắc, tỷ lệ nợ nước ngoài thấp và cách tiếp cận thận trọng đối với thâm hụt ngân sách.
Vì vậy, kết hợp tình hình kinh tế vĩ mô với triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp khả quan và ổn định, nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận thị trường chứng khoán đang ngày càng tăng và đáng ngạc nhiên là P/E thị trường hiện tại (18 lần, Bloomberg) vẫn thấp hơn 17% so với mức cao nhất năm 2018 (21,9 lần, Bloomberg) và vẫn thấp hơn nhiều so với các chỉ số chính khác của các quốc gia trong khu vực.
Mặc dù là một trong những thị trường hoạt động tốt nhất kể từ tháng 1/2020, định giá vẫn không cao và như trong báo cáo chiến lược thị trường, HSC kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng đáng kể trong những tháng tới, khi kinh tế phục hồi. P/E trượt 12 tháng của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các chỉ số chính khác trong khu vực. P/E trượt của Việt Nam thấp hơn 20% so với thị trường chứng khoán Malaysia và Đài Loan và thấp hơn khoảng 46% so với P/E của thị trường Indonesia và Thái Lan.
Trong khi Việt Nam và các thị trường mới nổi của khu vực ASEAN đã bị rút ròng lũy kế đáng kể trong 12 tháng, thì dòng ra khỏi Việt Nam là thấp nhất, cả về giá trị tuyệt đối và tương đối. Số liệu lũy kế 12 tháng tính đến tháng 2/2021 cho thấy mức dòng vốn đầu tư bị rút đối với Việt Nam là thấp nhất (0,8 tỷ USD), so với Sở giao dịch chứng khoán Jakarta (2,1 tỷ USD), Sở giao dịch chứng khoán Philippines (2,7 tỷ USD), Bursa Malaysia (5,7 tỷ USD), Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan (7,4 tỷ USD), và Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (24,1 tỷ USD). Mức độ của dòng vốn bị rút cũng thấp nhất đối với dòng vốn nước ngoài rút ròng (trong 12 tháng) tính theo phần trăm vốn hóa thị trường chứng khoán.
Với nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc của Việt Nam, định giá rẻ và tỷ giá ổn định khi so sánh với các đồng tiền khác trong khu vực, Việt Nam tương đối hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong cơ sở khu vực, trong năm 2021.