09:29 02/03/2021

Tháng 3 quyết định đà đi lên

Đoàn Trần

Từ địa phương, mở màn cho tháng 3, hàng loạt địa phương đã cho học sinh trở lại trường như một lời tạm biệt với nỗi sợ Covid-19.

Từ Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra sức đốc thúc cho nhiệm vụ thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Từ địa phương, mở màn cho tháng 3, hàng loạt địa phương đã cho học sinh trở lại trường như một lời tạm biệt với nỗi sợ Covid-19.

NÓI LỜI TẠM BIỆT VỚI NỖI SỢ COVID 

Cũng ngay trong ngày 1/3/2021, theo yêu cầu của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra trong tuần trước, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình về thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch, đã nhóm họp cùng các địa phương Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh...

Hải Phòng, địa phương sắt đá nhất, dữ dội nhất cả nước về tinh thần chống giặc dịch, với nhiều giải pháp mà dư luận thậm chí thấy là cực đoan, từ ngày 1/3 đã bắt đầu nới lỏng. Theo đó, địa phương này đã tạm dừng hoạt động của 8 chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ ra vào thành phố.

Hưng Yên cũng cho phép các dịch vụ được hoạt động trở lại, kể cả dịch vụ cắt tóc, gội đầu, spa, gym, yoga và hoạt động tập luyện thể thao ngoài trời.

Từ tâm dịch Hải Dương, bắt đầu từ ngày 1/3, một số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp quay trở lại hoạt động, như Công ty trách nhiệm hữu hạn KPF Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn LMS Vina trong khu công nghiệp Đại An mở rộng, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty cổ phần Vifon trong khu công nghiệp Tân Trường; Công ty trách nhiệm hữu hạn Ford Việt Nam...

Nổi bật là Quảng Ninh, dẫu rất căng thẳng vì dịch bệnh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký vẫn quả quyết "giữ vững địa bàn an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới để thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng (GRDP) 2 con số và tăng thu ngân sách tương ứng với mục tiêu tăng trưởng". Quảng Ninh đã hoàn thành kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2021 và có thể đảm bảo mục tiêu tăng trưởng theo đúng kịch bản là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng (GRDP) quý I/2021 là 9,2% và cả năm 2021 đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 10,1%.

THẦN TỐC, THẦN TỐC HƠN NỮA 

Chưa từng chiến đấu với "giặc" nào bí hiểm như con virus này, dù vậy Chính phủ lúc gian nguy nhất, vẫn luôn giữ vững tinh thần quả cảm. Vào những ngày cuối tháng 1/2020, khi Covid-19 lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, với trạng thái căng như dây đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đánh "giặc" Covid, vừa có chủ trương không được để nền kinh tế tê liệt. Những ngày đầu đó, ông liên tục nhắc đến câu, "thứ virus đáng sợ không kém là virus trì trệ, không ai dám làm gì, không ai muốn làm gì, lấy lý do dịch bệnh để nằm yên, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước".

Chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ hồi trung tuần tháng 2/2021, Thủ tướng nói thẳng: "Nếu chỉ lo chống dịch mà không lo phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội thì không thể nói là hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, có các đội phản ứng nhanh với dịch bệnh, thì cũng đồng thời phải có các đội phản ứng nhanh về kinh tế để kịp thời bù đắp giảm sút, giữ đà phát triển của nền kinh tế. Theo đó, Chính phủ cố gắng duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức tốt nhất có thể trong hoàn cảnh dịch bệnh.

Một năm sau, cuộc chiến này vẫn tiếp diễn. Ngày 19/2/2021, Thủ tướng ra Chỉ thị số 06 nêu rõ các bộ, ngành, địa phương quán triệt và kiên định thực hiện "mục tiêu kép", tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, địa bàn, tạo khí thế phấn khởi ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

Cùng lúc, người đứng đầu Chính phủ thúc giục Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao "thần tốc, thần tốc hơn nữa" trong cuộc chạy đua vaccine. Có vaccine thì mới tự tin phát triển kinh tế, tự tin vào chiến thắng kép. Cuộc chiến chống đại dịch tại Việt Nam sang chặng đường mới, khí thế mới khi ngày 24/2/2021, hơn 117.000 liều vaccine phòng Covid-19 đầu tiên về tới sân bay Tân Sơn Nhất, sớm hơn 4 ngày so với kế hoạch. Đây là vaccine AstraZeneca của Anh, được các cơ quan chức năng tạo điều kiện nhập khẩu với mức độ thần tốc.

Một ngày sau đó, ngày 25/2, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đã họp và nhất trí đề xuất Bộ Y tế phê duyệt cho thêm 2 vaccine phòng Covid-19, bao gồm vaccine của Moderna (Mỹ) và vaccine của Công ty JSC Generium (Nga), để sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Với vaccine "Made in Việt Nam", ngày 26/2, Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y tiến hành giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 Nanocovax trên người. Như vậy, chỉ trong vòng 3 ngày, cuộc chạy đua vaccine đã đạt được tốc độ cao nhất có thể để tiến nhanh đến cái đích có 150 triệu liều vaccine sử dụng đủ cho toàn dân ngay trong năm 2021.

NHỚ THỜI "CHIẾN LUỸ" 

Còn nhớ, tròn một năm trước, "giặc" đổ bộ chỉ bằng tốc độ cực nhỏ so với thời điểm hiện tại, nhưng một loạt địa phương đều co cụm lại. Một số nơi còn đổ đất, rào đường như xây chiến lũy để ngăn không cho người của địa phương khác qua lại trên địa bàn của mình.

Khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có kế hoạch triệu tập Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào ngày cuối cùng của tháng 3 để xốc lại tinh thần cho các địa phương, nhưng cuộc họp này đã phải lùi sang tháng 4 vì các địa phương chỉ "nháo nhác" trong nỗi lo dịch bệnh và cho rằng, còn dịch bệnh thì còn phải trả giá đắt khi phát triển kinh tế.

Nhắc lại yêu cầu đã được đề ra từ tháng 1 là các địa phương thành lập các đội phản ứng nhanh để chống "giặc" Covid-19, thì cũng phải thành lập các đội phản ứng nhanh để duy trì đà phát triển của nền kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập các Ban chỉ đạo để kịp thời biến nguy cơ thành thời cơ, nhất là đối với các tỉnh, thành phố là động lực, đầu tàu phát triển của các vùng và cả nước.

Thành phố Hồ Chí Minh, nơi luôn dẫn đầu cả nước về GDP, nhưng quý I của năm 2020 đã xuống thấp ở mức chưa từng có trong nhiều năm. Tương tự là "đầu tàu" Hà Nội.

Được "thắp lửa" từ Chính phủ, các địa phương sớm thoát cảnh "rét run". Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ hứa với Thủ tướng "sẽ đưa kinh tế bật lên đúng như Thủ tướng nói là "như chiếc lò xo đang bị nén", đi lên theo hình chữ V chứ không phải theo hình chữ U. Hà Nội đang cố gắng "nạp năng lượng" để duy trì tăng trưởng và sẵn sàng phục hồi mạnh sau khi dịch kết thúc. Thủ đô sẽ phấn đấu tăng trưởng ít nhất là cao gấp 1,3 lần GDP cả nước". Và điều này đã trở thành hiện thực. Còn thời chiến lũy đang lùi ngày một nhanh hơn về quá khứ.