20:58 06/10/2010

Nobel Hóa học 2010, Nhật Bản thắng đậm

Vinh Nguyễn

Giải thưởng Nobel Hóa học 2010 đã được trao cho một nhà khoa học người Mỹ cùng hai nhà khoa học Nhật Bản

3 chủ nhân của giải Nobel Hóa học 2010 - Ảnh: Reuters.
3 chủ nhân của giải Nobel Hóa học 2010 - Ảnh: Reuters.
Chiều nay (6/10), nhà khoa học người Mỹ Richard F. Heck cùng hai nhà khoa học người Nhật Bản Ei-ichi Negishi và Akira Suzuki đã trở thành các đồng chủ nhân giải Nobel Hóa học 2010 vì có công tìm ra cách thức liên kết các phân tử cácbon để xây dựng nên các phân tử khối phức tạp hơn.

Ông Richard F. Heck, sinh năm 1931, giáo sư trường Đại học Delaware, thành phố Newark (Delaware, Mỹ). Hai nhà khoa học Nhật là ông Ei-ichi Negishi, sinh năm 1935, giảng dạy tại Đại học Purdue, thành phố West Lafayette (Indiana, Mỹ) và ông Akira Suzuki, sinh năm 1935, công tác tại Đại học Hokkaido, tỉnh Sapporo (Nhật Bản).

Hóa học cácbon là cơ sở của sự sống. Các nhà khoa học đã sử dụng khả năng của cácbon để tạo nên bộ khung bền vững của các phân tử chức năng, từ đó tạo ra được những dược phẩm mới hoặc những vật liệu bền chắc như chất dẻo.

Tuy nhiên, việc gắn kết các phân tử cácbon lại với nhau để tạo nên những hợp chất phức tạp hơn, vốn không hề đơn giản. Các phương pháp trước đây chỉ áp dụng được khi điều chế các phân tử đơn giản.

Bằng cách sử dụng chất xúc tác palladium, 3 nhà khoa học trên đã liên kết chéo được các phân tử cácbon theo cặp, giải quyết được những khó khăn mà những phương pháp trước vấp phải. Nhờ sự phát hiện này, người ta đã tạo ra được những hợp chất ứng dụng cho nhiều lĩnh vực.

Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển đánh giá, công trình nghiên cứu của 3 nhà khoa học trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tạo ra các hợp chất ứng dụng trong điều trị ung thư, bào chế dược phẩm, công nghệ điện tử và nông nghiệp.

Ba chủ nhân giải Nobel Hóa học 2010 sẽ cùng chia sẻ phần thưởng trị giá 10 triệu Krona (khoảng 1,4 triệu USD).

Năm ngoái, giải Nobel Hóa học cũng được trao cho 3 nhà khoa học gồm Venkatraman Ramakrishnan, Thomas A. Steitz và Ada E. Yonath, vì công lao chứng minh ribosome trông như thế nào và đảm đương vai trò ra sao ở cấp độ nguyên tử. Cả ba người đều sử dụng một phương pháp gọi là tinh thể học tia X để lập bản đồ vị trí cho một trong hàng trăm nghìn nguyên tử cấu thành nên ribosome.

Mùa giải Nobel 2010 bắt đầu từ hôm 4/10 với giải Nobel Y học được trao cho “cha đẻ” phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Hôm qua (5/10), giải Nobel Vật lý được công bố thuộc về hai nhà khoa học gốc Nga.