08:00 08/07/2024

Nông nghiệp và vai trò bệ đỡ

Phương Nam

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mặc dù cần ưu tiêncho phát triển công nghiệp nhưng vẫn không thể quên vai trò bệ đỡ của nông nghiệp.Vậy năm 2023, vai trò bệ đỡ của nông nghiệp đã thể hiện như thế nào?...

Việt Nam là nước đi lên từ nông nghiệp. Ngay cả khi Việt Nam đưa ra mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa để chuyển thành nước công nghiệp, thì nông nghiệp vẫn là bệ đỡ.

Trong năm 2023,  nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nhiều chỉ tiêu của cả nước, như: dân số nông thôn chiếm tới gần 2/3; lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tới trên 1/4; số hợp tác xã, số trang trại nông, lâm nghiệp, thủy sản nhiều; tỷ lệ lao động phi chính thức (có nguồn gốc chủ yếu từ nông dân, nông thôn) còn lớn, chiếm gần 2/3 tổng số lao động đang làm việc của cả nước… Mỗi khi các nhóm ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ gặp khó khăn về công ăn việc làm, mỗi khi biến động trên thế giới gây tác động, thì nông nghiệp luôn là bệ đỡ cho đất nước.

VAI TRÒ BỆ ĐỠ TRONG NĂM 2023

Việt Nam ở vùng nhiệt đới gió mùa, có khí hậu thích hợp quanh năm, với nhiều loại rau quả được thế giới ưa chuộng và có giá trị cao với thế giới.

Nhiều nước chung quanh Việt Nam có dân số đông, đang trong quá trình phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp bị thu hẹp nên nhu cầu nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản/GDP của nhiều nước hiện giảm xuống còn ở mức rất thấp, như Trung Quốc chỉ còn 7,3%, Nhật Bản còn 1%, Hàn Quốc 1,8%, Malaysia còn 9,6%, Philippines còn 10,1%, Thái Lan còn 8,5%…

Nông nghiệp và vai trò bệ đỡ - Ảnh 1

Tại nhiều nước châu Âu, tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản/GDP còn thấp hơn. Nhiều quốc gia châu Phi còn thiếu hụt lớn về lương lực và một số nông sản, thực phẩm. Trong khi Việt Nam được dự đoán là một trong ít nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhiều châu thổ, vựa lúa, vựa rau quả sẽ bị ngập mặn, ảnh hưởng của xâm nhập mặn…

Vai trò bệ đỡ của nông nghiệp Việt Nam không chỉ bắt nguồn từ lời dạy của cha ông “phi nông bất ổn”; mà còn vì dân số hiện đã khá đông, mỗi năm tăng tự nhiên hàng triệu người, lại có lượng người nhập cư vào Việt Nam không ít; mà còn vì cũng đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với diện tích đất nông nghiệp chuyển sang các mục đích khác hàng năm khá lớn.

Trong năm 2023, vai trò bệ đỡ của nông nghiệp đã thể hiện khá rõ. Trước hết, đó là tốc độ tăng giá trị tăng thêm của nông, lâm nghiệp, thủy sản qua các năm từ 2019 đến 2023 (Hình 1).

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2023 (3,88%) cao nhất so với 4 năm trước đó, trong đó có cả năm 2019, tức là khi đại dịch Covid-19 chưa xảy ra (2,67%). Tốc độ tăng của nhóm ngành này cao hơn tốc độ tăng chung của năm 2020 (2,87%); năm 2021 (2,56%) và cao hơn tốc độ tăng của nhóm ngành dịch vụ (2020 tăng 2,01%, 2021 tăng 1,57%), khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát.

 Như vậy, trong hai năm qua, nông nghiệp đã thực sự là bệ đỡ khi là nơi trở về của hàng triệu lao động phải rời các đô thị, trung tâm công nghiệp, dịch vụ.

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2023 đạt được ở cả ba ngành cụ thể (Hình 2).

Theo đó, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất (73,3%), tiếp đến là thủy sản (22,1%) và cuối cùng là lâm nghiệp (4,6%). Vị thế này tuy chưa thể hiện hết thế đứng của đất nước “Lưng dựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, mặt nhìn ra Biển Đông bao la”, vị thế về diện tích “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, “Tiền rừng, bạc biển”, nhưng hứa hẹn triển vọng lớn để có giải pháp phát huy lợi thế.

Năm 2023, nhiều sản phẩm chính của nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng khá so với năm 2022 (Hình 3).

Nhờ có nhiều sản phẩm tăng trưởng khá, nên đã góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và gia tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Đáng chú ý, trong năm 2023 nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản có 8 mặt hàng gia nhập “câu lạc bộ” các mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có một số mặt hàng có kim ngạch thuộc nhóm cao hơn 3 tỷ USD (Hình 4).

Trong số này, rau quả là mặt hàng có kim ngạch lớn thứ ba trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, nhưng có tốc độ tăng cao nhất (65,9%) và đạt mức kỷ lục từ trước đến nay. Rau quả sớm gia nhập “câu lạc bộ” các mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên, vượt qua mốc 3 tỷ USD từ năm 2017 và năm 2023 đã đạt kỷ lục mới là 5,574 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu rau quả tăng cao nhất, có quy mô lớn nhất (chiếm gần 2/3) là Trung Quốc,  sau khi thị trường này mở cửa trở lại sau đại dịch và chuyển phương thức nhập khẩu lên chính ngạch.

Gạo cũng là mặt hàng xuất khẩu đạt được nhiều vượt trội trong năm 2023. Sớm tham gia “câu lạc bộ” các mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên (từ năm 1998), xuất khẩu gạo năm 2023 đạt kim ngạch cao nhất từ trước đến nay (4,816 tỷ USD), vượt qua cả kỷ lục đã đạt năm 2012 là 3,673 tỷ USD.  Có được thành tích này là nhờ lượng gạo xuất khẩu năm qua đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay (577,6 nghìn tấn), vượt qua kỷ lục đạt được vào năm 2021 (527,2 nghìn tấn).

HẠN CHẾ, THÁCH THỨC CẦN KHẮC PHỤC 

Hạn chế, thách thức của nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản còn không ít.

Một trong những tiêu chí của nước công nghiệp là tỷ trọng dân số thành thị phải đạt trên 50%, nghĩa là tỷ lệ dân số nông thôn phải ở dưới 50%.

Tỷ lệ dân số nông thôn của Việt Nam qua một số năm như sau (Hình 9).

Mặc dù đã giảm liên tiếp qua các năm và với phương thức giảm được thực hiện chủ yếu bằng “ly nông bất ly hương”, nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu và còn cao hơn nhiều nước (cao thứ 5/11 Đông Nam Á, thứ 10/41 châu Á, thứ 15/121 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã có số liệu so sánh, cao hơn tỷ lệ dân số nông thôn trung bình của thế giới (43,5%).

Tỷ trọng lao động đang làm việc ở nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản hiện còn cao hơn mục tiêu đề ra cho năm 2025 (26,9% so với 26,5%). Trong khi năng suất lao động đang làm việc ở nhóm ngành này năm 2022 chỉ đạt 81,1 triệu đồng, thấp chỉ bằng 43,1% của toàn bộ nền kinh tế, thậm chí ở nhiều nơi, nhiều ngành chủ yếu vẫn còn “lấy công làm lãi”.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức- tức là thu nhập không cao, sự bảo đảm cuộc sống, sức khỏe khi cao tuổi- ở mức 74,1%, cao hơn tỷ lệ tương ứng của cả nước (64,9%).

Tỷ lệ người tham gia của cả nước về bảo hiểm xã hội mới đạt 32,7%, bảo hiểm y tế đạt 90,2%, bảo hiểm thất nghiệp mới đạt 28,5%, còn thấp xa so với mục tiêu đề ra cho năm 2023 (93,2%), nếu tính riêng khu vực nông thôn còn thấp hơn nữa.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn còn thấp hơn cả nước (năm 2022 là 24% so với 26,4%).

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực nông thôn năm 2023 vẫn còn ở mức 2%, tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn là 2,26%, còn cao hơn cả nước. Đáng lưu ý, không ít người ở nông thôn không thiết tha với đồng ruộng, bỏ lên thành phố làm ve chai, cắt tóc, xe ôm…

GDP bình quân đầu người ở 50/63 địa bàn thấp hơn cả nước (95,6 triệu đồng), trong đó có 23 địa bàn thấp dưới 60 triệu đồng, đặc biệt có 9 địa bàn chỉ đạt dưới 50 triệu đồng, thấp nhất là Hà Giang: 33,5 triệu đồng; tiếp đến là Cao Bằng: 39,6 triệu đồng; Điện Biên: 39,7 triệu đồng; Bắc Kạn: 46,9 triệu đồng;  Lai Châu, Yên Bái cùng 47,5 triệu đồng; Sơn La: 48,6 triệu đồng; Nam Định: 49 triệu đồng; Bến Tre: 49,1 triệu đồng. Đây là những địa bàn hoặc là vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hoặc là cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp...

Nội dung bài viết được đăng tải trên ẩn phẩm đặc biệt Kinh tế 2023-2024:  Việt Nam & Thế giới phát hành ngày 06/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nông nghiệp và vai trò bệ đỡ - Ảnh 2