Nông sản Việt Nam "thất thế" tại thị trường Nga
Là nước cung cấp cà phê lớn nhất vào Liên bang Nga trong nhiều năm, nhưng cà phê có thương hiệu của Việt Nam hầu như không có trên kệ hàng của các chuỗi siêu thị tại Nga...
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng nông thủy sản của Việt Nam sang liên bang Nga từ đầu năm 2020 đến nay tăng trưởng khá cao.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2021, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, như: thủy sản tăng 64,1%, rau quả tăng 50,8%, hạt điều tăng 47,6%, hạt tiêu tăng 61,9%, cao su tăng 266,6%. Bên cạnh đó, vẫn có một số mặt hàng giảm kim ngạch xuất khẩu là cà phê, chè và gạo.
SỨC CẠNH TRANH CHƯA CAO
Theo Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga, nguyên nhân chủ yếu làm xuất khẩu gạo Việt Nam sang Nga giảm là do giá gạo Việt Nam cao hơn gạo của các nước khác khoảng 100-150 USD/tấn nên khó cạnh tranh được với gạo từ các nước khác, đặc biệt là gạo từ Ấn Độ.
Bên cạnh đó, việc người tiêu dùng Nga có xu hướng dùng nhiều gạo đồ hơn nên cũng làm giảm sức cạnh tranh của gạo Việt Nam.
Việt Nam là nước cung cấp cà phê lớn nhất vào Liên bang Nga trong nhiều năm, nhưng cà phê có thương hiệu của Việt Nam hầu như không có trên kệ hàng của các chuỗi siêu thị tại Nga
Đáng chú ý, Việt Nam là nước cung cấp cà phê lớn nhất vào Liên bang Nga trong nhiều năm. Tuy nhiên, cà phê có thương hiệu của Việt Nam hầu như không có trên kệ hàng của các chuỗi siêu thị tại Nga.
Nguyên nhân chính là cà phê Việt Nam được nhập khẩu vào Nga ở dạng nguyên liệu thô (khoảng 99% cà phê Việt xuất khẩu sang Nga là cà phê thô, cà phê rang xay chỉ có 1%).
Con số này thể hiện rõ rệt trong năm 2019 (khi Covid-19 chưa xảy ra), Việt Nam xuất khẩu sang Nga 86 nghìn tấn cà phê trị giá 153 triệu USD, chiếm tỷ trọng 39,4% về lượng và 24,3% về trị giá.
Trong khi đó, Ý chỉ xuất khẩu vào Nga 15,6 nghìn tấn cà phê nhưng đạt kim ngạch 105 triệu USD. Lý do vì 100% cà phê của Ý xuất sang Nga là cà phê đã qua chế biến có thương hiệu.
Một thách thức nữa theo Thương vụ Việt Nam, tại Nga các mặt hàng tiêu dùng, hàng nông sản thực phẩm chủ yếu được tiêu thụ tại các chuỗi bán lẻ. Dù một số mặt hàng nông sản, nông sản chế biến của Việt Nam đã từng bước tiếp cận được các hệ thống bán lẻ của liên bang Nga như xoài, tương ớt, nước chấm, bưởi, thanh long…. nhưng số lượng mặt hàng vẫn còn hạn chế.
Do đó, để đưa được hàng vào các chuỗi này, ngoài chất lượng sản phẩm, mẫu mã, các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu quan trọng là phải liên tục có hàng dự trữ tại kho (ở liên bang Nga) để cung cấp thường xuyên cho các cửa hàng.
TẬN DỤNG HIỆU QUẢ ƯU ĐÃI TỪ EV-EAEUFTA
Trong thời gian tới, để tăng kim ngạch xuất khẩu cà phê, cũng như các mặt hàng khác mà Việt Nam có ưu thế, Thương vụ Việt Nam tại Nga khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ, tận dụng ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA), mạnh dạn đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại Nga.
Thương vụ chia sẻ, thực tế trong thời gian qua, Thương vụ đã kết nối cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản như gừng, bưởi, rau quả cho các nhà cung ứng hàng vào chuỗi siêu thị của liên bang Nga nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong khâu cung cấp hàng với số lượng lớn ổn định và dài hạn.
"Để có thể xuất khẩu sang thị trường Nga một cách ổn định, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược, xây dựng hệ thống cung ứng hàng tại nước sở tại để cung cấp cho các chuỗi siêu thị".
Thương vụ Việt Nam tại Nga
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam và liên bang Nga vẫn còn thiếu thông tin về thị trường của nhau. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động tham gia các triển lãm, hội chợ chuyên ngành để tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác kinh doanh. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã tìm được khách hàng ổn định sau chỉ 1-2 lần tham dự triển lãm.
Thương vụ Việt Nam tại liên bang Nga cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thời gian tới, các Thương vụ và tổ chức xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp trên môi trường trực tuyến cũng như hỗ trợ trực tiếp, tổ chức hội thảo, giao thương doanh nghiệp (tập trung vào từng ngành hàng, lĩnh vực cụ thể).
Đồng thời, Thương vụ cũng tập trung làm việc với cơ quan quản lý của phía Nga để tháo gỡ các rào cản trong thương mại. Tính riêng năm 2020, Thương vụ đã trực tiếp hỗ trợ trên 150 doanh nghiệp Việt – Nga. Trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng có gần 100 doanh nghiệp được Thương vụ hỗ trợ.
Bên cạnh đó, Thương vụ cũng tăng cường phối hợp với các Phòng Thương mại địa phương, các Hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại của Nga để kết nối doanh nghiệp hai nước.
Mặt khác, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp (Cục Nafiqad, Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản) để thúc đẩy phía Nga tăng số lượng doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu thủy sản lên trên 50 doanh nghiệp (so với mức 30 doanh nghiệp của năm 2019).