06:00 29/05/2021

Nông sản xuất khẩu có thể chịu ảnh hưởng từ quy định SPS mới của WTO

Vũ Khuê

110 thông báo bao gồm dự thảo và văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật của các nước thành viên WTO có thể ảnh hưởng đến mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam...

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, vừa gửi văn bản số 323/XNK-NS tới các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về Dự thảo quy định về về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) tháng 4/2021 của các nước thành viên WTO.

Theo Văn phòng SPS Bộ Công Thương, 110 thông báo bao gồm dự thảo và văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật của các nước thành viên WTO có thể ảnh hưởng đến mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

NHIỀU QUY ĐỊNH VỀ SPS ẢNH HƯỞNG ĐẾN HÀNG NÔNG SẢN XUẤT KHẨU 

Có 90 dự thảo quy định đang lấy ý kiến góp ý và 20 quy định có hiệu lực từ năm 2021.

Trong 25 quốc gia thành viên thuộc WTO đưa ra 90 dự thảo quy định về SPS, thì Trung Quốc là nước có số quy định nhiều nhất (12 quy định), tiếp đến là Liên minh châu Âu (10), Nhật Bản (8), Hoa Kỳ và Tanzania (7), Hàn Quốc (6), Úc và Uganda (5)…

Nội dung các dự thảo của những quốc gia này quy định về nguyên tắc sử dụng phụ gia thực phẩm, phân loại phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và giới hạn sử dụng tối đa hoặc giới hạn dư lượng.

Cụ thể, Trung Quốc đưa ra tiêu chuẩn áp dụng cho việc sử dụng tinh bột phụ gia thực phẩm natri octenyl succinat và anhydrit octenyl succinic bằng phương pháp este hóa, một số phương pháp phân giải bằng enzym, dextrinat, axit hóa, khử màu…

Hàn Quốc đề xuất sửa đổi "Tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật đối với phụ gia thực phẩm"; chính phủ Hàn Quốc sửa đổi "Đạo luật đặc biệt về Kiểm soát An toàn Thực phẩm nhập khẩu"…

Nhật Bản đề xuất sửa đổi các thông số kỹ thuật và tiêu chuẩn cho thực phẩm, phụ gia thực phẩm... theo Đạo luật Vệ sinh Thực phẩm (sửa đổi tiêu chuẩn dư lượng hóa chất nông nghiệp). Như mức dư lượng tối đa được đề xuất đối với hóa chất nông nghiệp: phụ gia thức ăn chăn nuôi (dibutylhydroxytoluene), thuốc thú y (trenbolone acetate), thuốc trừ sâu (validamycin)… đối với từng loại sản phẩm cụ thể.

EU đưa vào dự thảo bổ sung Quy định (EU) 2019/6 của Nghị viện Châu Âu và của Hội đồng bằng cách thiết lập các tiêu chí để chỉ định các chất kháng khuẩn được dành riêng cho việc điều trị một số bệnh nhiễm trùng ở người. Những chất kháng khuẩn như vậy sẽ không được sử dụng cho động vật hoặc các sản phẩm có nguồn gốc động vật được nhập khẩu vào Liên minh Châu Âu.

Hoa Kỳ đưa ra quy tắc cuối cùng đối với dung sai thuốc trừ sâu pyriofenone; kiến nghị kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật về tồn dư của hóa chất thuốc trừ sâu trong hoặc trên các loại hàng hóa khác nhau; thiết lập các giới hạn dư lượng tối đa thuốc trừ sâu đối với metaflumizone trên nhiều loại hàng hóa…

EU ĐẶT ĐIỀU KIỆN NHẬP KHẨU VỚI ỐC SÊN 

Đáng chú ý, 20 quy định có hiệu lực ngay trong năm 2021 tập trung nhiều nhất ở Nhật Bản, EU. Đây là 2 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Cụ thể, EU từ chối cấp phép axit photphoric 60% trên chất dẫn silica làm phụ gia thức ăn chăn nuôi thuộc nhóm chức năng của chất bảo quản. Đề xuất này hiện đã được thông qua bởi Ủy ban Thực thi Quy định (EU) 2021/505 ngày 23/3/2021. Quy chế này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 sau khi được công bố trên Tạp chí chính thức của EU.

EU cũng đặt ra điều kiện nhập khẩu đối với ốc sên sống, sản phẩm hỗn hợp và vỏ bọc lưu thông trên thị trường làm thức ăn cho người. Quy định mức dư lượng tối đa cho diclofop, fluopyram, ipconazole và terbuthylazine trong hoặc trên một số sản phẩm nhất định…

Nhật Bản sửa đổi Pháp lệnh Thực thi Đạo luật Bảo vệ Thực vật và các yêu cầu liên quan có hiệu lực vào ngày 28/4/2021. Và quy định giới hạn dư lượng tối đa được đề xuất cho pyriproxyfen, pyrifluquinazon, cyflufenamid… trong thực phẩm, đã được công bố tháng 2 vừa qua.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm thông tin chi tiết và chủ động kế hoạch kinh doanh phù hợp. Trong trường hợp các quy định về SPS nêu trên có khả năng gây tác động trực tiếp, đa chiều đến hoạt động xuất khẩu nông sản, thực phẩm của doanh nghiệp, đề nghị doanh nghiệp phản ánh kịp thời về Văn phòng SPS Bộ Công Thương trước ngày 10/6/2021 để kịp thời tổng hợp, phản ánh đến các nước thành viên WTO.