20:45 23/09/2011

Ổn định vĩ mô: Kiến nghị nhiều, thực hiện chưa bao nhiêu

Nguyên Hà

Các kiến nghị ổn định vĩ mô tập trung vào nhiều vấn đề của tái cấu trúc nền kinh tế

Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2011, triển vọng  2012 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2015” diễn ra rất sôi nổi - Ảnh: CTV
Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2011, triển vọng 2012 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2015” diễn ra rất sôi nổi - Ảnh: CTV
Vô cùng khó khăn và sẽ còn khó khăn hơn, rất xấu, rất nghiêm trọng… là những nhận định liên tục được lặp lại với sự đồng thuận cao của các chuyên gia, nhà khoa học về nhiều vấn đề  của nền kinh tế Việt Nam.

Sôi nổi từ 8 giờ đến hơn 17 giờ ngày 23/9, hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2011, triển vọng  2012 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2015” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tại Tp.HCM được nhận xét là rất thành công.

Một số chuyên gia lý giải, hội thảo hay là do nền kinh tế đang quá ngổn ngang, quá khó khăn. Và căn bệnh đình lạm (lạm phát và đình trệ) đã trở thành mối nguy lớn nếu không tạo được bước ngoặt cho nền kinh tế.

Lạm phát vẫn "vô địch"

Ghi nhận điểm sáng trong điều hành kinh tế năm nay với nghị quyết 11 của Chính phủ song các chuyên gia kinh tế đều quan ngại sâu sắc về tình hình kinh tế của thế giới cũng như trong nước.

Những vấn đề nóng của nền kinh tế vẫn còn nguyên, trong khi dư địa của mô hình tăng trưởng không còn nhiều và là vấn đề rất cần được mổ xẻ đến tận cùng…Chủ tịch Viện khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn.

Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên cũng đúc kết tình thế của 2011 là “very hot” với lạm phát vô địch, và rất khó chống.

Mượn hình ảnh “lạm phát khứ hồi” của chuyên gia Vũ Thành Tự Anh, Viện trưởng Thiên đặt câu hỏi, không biết nó (lạm phát) còn mấy vé, dù đã tiêu 4, 5 vé rồi, và ta có thu hồi được cái vé đó không. Nếu vẫn như hiện nay thì ta không chống dược lạm phát, ông Thiên khẳng định đầy quan ngại.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, nguyên nhân khởi phát của lạm phát chính là đầu tư cao, hiệu quả thấp, lấy doanh nghiệp nhà nước làm đòn bẩy.

Nhất trí với nhiều ý kiến phát biểu trước về những bất ổn vĩ mô nghiêm trọng, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành đưa ra cảnh báo, đã xuất hiện tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu nghi ngờ sự nhẫn nại và quyết tâm chống lạm phát của Việt Nam khi có dấu hiệu nới lỏng tiền tệ.

Kiến nghị nhiều, thực hiện chưa bao nhiêu

Bên cạnh sự thống nhất cao về nhận định và dự báo tình hình kinh tế, các ý kiến tại hội thảo cũng rất chụm trong đề xuất, kiến nghị các giải pháp.

Vấn đề lớn nhất, quan trọng nhất và đã đến lúc “không có đường lùi”, theo nhiều chuyên gia là phải dồn sức tái cấu trúc nền kinh tế.

Trước ý kiến "phê" rằng việc tái cấu trúc nền kinh tế "chưa động đậy", nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhìn nhận "nhà khoa học cũng chưa chỉ ra cho Chính phủ là tái cấu trúc bắt đầu từ đâu".

"Hội thảo quá nhiều, hành động quá ít, bản thân Chính phủ cũng lúng túng", ông Tuyển nói.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã  kiến nghị với thái độ mạnh mẽ về sự cấp thiết phải tái cấu trúc khu vực nhà nước, trong đó có doanh nghiệp nhà nước.

Cải cách doanh nghiệp nhà nước là đại vấn đề, phải cấm không cho doanh nghiệp nhà nước kinh doanh đa ngành nữa mà chỉ làm chức năng nhà nước giao. “Nhà nước không kinh doanh kiếm lợi, không có nhà nước nào kinh doanh kiếm lợi mà được lợi cả”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị  thế giới Võ Đại Lược phát biểu.

Giảm mạnh thu, chi ngân sách, khoan sức dân cũng nằm trong kiến nghị của nhiều chuyên gia với đề nghị về sự gương mẫu trong tiết kiệm của chính các cơ quan nhà nước. Nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội phải thể hiện thái độ kiên quyết để giảm bội chi xuống dưới 4%, thậm chí là dưới 3% GDP.

Cũng liên quan đến giải pháp, theo TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cơ chế phân bổ nguồn lực. Vì nguồn lực là hữu hạn, song theo cơ chế phân bổ hiện nay còn dẫn đến tình trạng người có khả năng tạo ra hiệu quả cao thì không có nguồn lực và ngược lại. Đây là vấn đề cần được ưu tiên giải quyết, kể cả khu vực tư nhân, chứ không riêng khu vực nhà nước.

Nhìn lại kiến nghị từ các hội thảo trước, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam Đỗ Hoài Nam đặt câu hỏi vì sao kiến nghị nhiều mà chưa thực hiện được nhiều? Ông Nam cũng đề nghị các kiến nghị của hội thảo lần này cần đậm nét hơn “nặng” hơn về phần quan điểm. Bởi đổi mới tư duy gắn liền với quan điểm chỉ đạo.

Thêm một lần tham góp vào phút cuối của diễn đàn, ông Trương Đình Tuyển hướng về bàn chủ tọa hội thảo đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu “hãy quên chức cũ là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và có đủ bản lĩnh để có thể chủ trì thẩm định tốt nhất về tình hình kinh tế của đất nước”.