15:58 12/04/2022

Ông Biden cảnh báo Ấn Độ “không có lợi” nếu mua thêm dầu của Nga

Hoài Thu

Hiện Mỹ chiếm khoảng 10% kim ngạch nhập khẩu dầu của Ấn Độ, trong khi Nga chiếm khoảng 1-2%...

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: India Times
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: India Times

Trong cuộc gặp trực tuyến với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 11/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo rằng New Delhi sẽ không có lợi nếu tăng mua dầu từ Nga.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh Washington đang thúc đẩy sự hợp tác của Ấn Độ trong việc gây áp lực đối với Nga.

“Mỹ và Ấn Độ sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ về cách ứng phó với những tác động gây mất ổn định của cuộc xung đột tại Ukraine ", ông Biden mở đầu cuộc gặp.

Theo thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, thông điệp của Tổng thống Mỹ rất rõ ràng, đó là Ấn Độ sẽ không có lợi nếu tăng nhập khẩu đầu thô từ Nga – quốc gia đang bị nhiều nước phương Tây cấm vận sau khi tấn công quân sự Ukraine vào cuối tháng 2.

Phản ứng với các biện pháp trừng phạt này, Moscow đang thúc giục Ấn Độ mua dầu của mình với giá rẻ. Theo Reuters, kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào cuối tháng 2, Ấn Độ đã mua ít nhất 13 triệu thùng dầu thô từ Nga.

Hiện Mỹ chiếm khoảng 10% kim ngạch nhập khẩu đầu khô của Ấn Độ, trong khi Nga chiếm khoảng 1-2%, bà Psaki cho biết.

Cũng theo bà, trong cuộc gặp, ông Biden đã giải thích tác động của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và châu Âu nhằm vào Nga với ông Modi, đồng thời đề nghị giúp Ấn Độ đa dạng hóa nguồn nhập khẩu dầu mỏ.

Ông Biden trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ - Ảnh: AP
Ông Biden trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ - Ảnh: AP

Trong cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ cho biết đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo của Nga và Ukraine.

“Tôi không chỉ kêu gọi hòa bình mà còn đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin thực hiện các cuộc hội đàm trực tiếp với Tổng thống Ukraine”, ông Modi nói.

Thông cáo của Chính phủ Ấn Độ sau cuộc gặp cho biết hai nhà lãnh đạo đã trao đổi sâu về các vấn đề trong khu vực và toàn cầu, chẳng hạn như đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế toàn cầu, hành động khí hậu, những diễn biến gần đây ở Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như tình hình ở Ukraine.

Cũng trong cuộc gặp, ông Biden nói rằng các thành viên của Đối thoại Tứ giác An ninh (QSD) sẽ tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh tại Nhật Bản vào “khoảng ngày 24/5”. Nếu sự kiện này được tổ chức theo hình thức trực tiếp, đây sẽ là chuyến công du Nhật Bản đầu tiên của ông Biden kể từ khi nhậm chức tổng thống vào tháng 1/2021. QSD gồm 4 thành viên là Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.

Trong khi ông Biden gặp trực tuyến ông Modi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Minister Rajnath Singh đã có mặt ở Washington để tham dự một gặp thượng đỉnh với hai người đồng cấp Mỹ là Antony Blinken và Lloyd Austin.

Theo các nhà phân tích, với việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Ấn Độ, Mỹ đang tìm cách chia rẽ mối quan hệ giữa Moscow và New Delhi.

Tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa 4 bộ trưởng nói trên cho biết các bộ trưởng đã xem xét các nỗ lực chung để ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine và đánh giá những tác động rộng lớn hơn của cuộc kủng hoảng này.

"Các bộ trưởng Ấn Độ và Mỹ kêu gọi chấm dứt ngay hành động thù địch", tuyên bố viết, đồng thời nhấn mạnh rằng trật tự toàn cầu đã được xây dựng dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền của các quốc gia.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Quad dự kiến ở Tokyo, các bộ trưởng tái khẳng định cam kết của hai nước về "một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia được tôn trọng và các quốc gia không bị cưỡng bức về quân sự, kinh tế và chính trị”.

Theo tuyên bố này, các bộ trưởng đã thảo luận nhiều vấn đề bao gồm tình hình ở Afghanistan, Myanmar, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.