18:53 08/07/2022

Ông Shinzo Abe đã làm được những gì cho nước Nhật trước khi bị ám sát?

Trang Linh

Ông Shinzo Abe, Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật, vừa qua đời ở tuổi 67 sau khi bị ám sát bằng súng lúc đang phát biểu tại một sự kiện ngoài trời tại tỉnh Nara, Nhật Bản...

Ông Abe phát biểu trong một sự kiện công khai trước khi bị ám sát bằng súng lúc 11h30 (giờ địa phương) tại tỉnh Nara, Nhật Bản - Ảnh: CNN
Ông Abe phát biểu trong một sự kiện công khai trước khi bị ám sát bằng súng lúc 11h30 (giờ địa phương) tại tỉnh Nara, Nhật Bản - Ảnh: CNN

Từ chức năm 2020 với lý do sức khỏe, ông Abe nổi tiếng với quyết tâm đưa nền kinh tế nước này thoát khỏi tình trạng giảm phát triền miên bằng các chính sách "Abenomics" táo bạo của mình, theo Reuters.

THỦ TƯỚNG TẠI VỊ LÂU NHẤT

Ông trở thành thủ tướng lần đầu vào năm 2006 nhưng rời nhiệm sở chỉ một năm sau đó. Tới năm 2012, ông trở lại cương vị này với nhiệm kỳ thứ hai hiếm hơi với cam kết phục hồi nền kinh tế trì trệ và nới lỏng các hạn chế trong hiến pháp thời bình hậu Thế chiến thứ hai và khôi phục các giá trị truyền thống.

Vào mùa hè năm 2020, sự ủng hộ của công chúng dành cho ông Abe giảm sút do các chính sách chống Covid-19 cũng như một loạt bê bối, bao gồm vụ cựu Bộ trưởng Tư pháp trong nội các của ông bị bắt. Tháng 9 năm đó, ông từ chức khi chưa đạt được mục tiêp ấp ủ từ lâu là sửa đổi hiến pháp và chủ trì Thế vận hội – sự kiện bị hoãn đến năm 2021 do đại dịch.

Dù vậy, ông Abe vẫn có sức ảnh hưởng lớn tới đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Ông bị ám sát khi đang vận động cho cuộc bầu cử của Thượng viện sắp diễn ra.

Khi lần đầu trở thành người đứng đầu chính phủ năm 2006, ông Abe là thủ tướng trẻ nhất của Nhật Bản kể từ thời Thế chiến thứ hai. Sau một năm chìm trong các bên bối chính trị, sự phẫn nộ của công chúng Nhật do bị mất hồ sơ lương hưu và cuộc bầu cử căng thẳng của đảng cầm quyền, ông Abe tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe.

"Điều khiến tôi lo lắng nhất bây giờ là vì việc tôi từ chức, những lý tưởng bảo thủ mà chính quyền Abe đã đề ra sẽ bị phai nhạt”, ông Abe chia sẻ trên tạp chí Bungei Shunju sau đó. “Từ bây giờ, tôi muốn cống hiến bản thân là một nhà lập pháp với mục tiêu tạo nền móng cho chủ nghĩa bảo thủ ở Nhật Bản”.

Khi trở lại nhiệm sở năm 2012, ông Abe lập tức triển khai chiến lược kinh tế “Abenomics” với ba mũi nhọn: đưa nước Nhật thoát khỏi tình trạng giảm phát dai dẳng, phục hồi tăng trưởng kinh tế bằng chính sách tài khóa và chi tiêu tài khóa siêu nới lỏng, và cải cách cơ cấu để đối phó tình trạng dân số già hóa nhanh.

Tuy nhiên, tình trạng giảm phát không mấy được cải thiện và chiến lược tăng trưởng của ông cũng bị ảnh hưởng vào năm 2019 do việc tăng thuế VAT và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Đại dịch Covid-19 bùng phát năm sau đó cũng khiến kinh tế Nhật lao dốc mạnh nhất từ trước tới nay.

Khi đại dịch bùng phát, ông Abe đã đóng cửa biên giới Nhật và ban bố tình trạng khẩn cấp, kêu gọi người dân ở nhà và hạn chế các hoạt động kinh doanh. Ban đầu, những người phản đối cho rằng phản ứng này là “vụng về” và sau đó quy kết rằng ông Abe “không có năng lực lãnh đạo”.

Khi ông từ chức với lý do bệnh đường ruột (giống lý do từ chức năm 2007), tỷ lệ tử vong do Covid-19 của Nhật Bản thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển khác.

NHỮNG DI SẢN

Abe xuất thân từ một gia đình có truyền thống chính trị với cha từng là ngoại trưởng và chú ruột từng là thủ tướng. Ông nội của ông, Nobusuke Kishi, cũng từng giữ chức thủ tướng.

Trong suốt các nhiệm kỳ của mình, ông Abe tăng cường chi tiêu quốc phòng và tiếp cận với các quốc gia châu Á khác để chống lại một Trung Quốc ngày càng trỗi dậy. Ông đã thúc đẩy thông qua luật để Nhật Bản thực hiện quyền "tự vệ tập thể" hoặc hỗ trợ quân sự cho một đồng minh đang bị tấn công. 

Sửa đổi hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình vẫn là ưu tiên hàng đầu của ông Abe khi là thủ tướng. Đây là một mục tiêu gây tranh cãi vì nhiều người Nhật Bản coi hiến pháp có trách nhiệm đối với thành tích hòa bình sau chiến tranh.

Khi còn là thủ tướng, ông Abe từng công du tới hơn 80 quốc gia - Ảnh: AFP
Khi còn là thủ tướng, ông Abe từng công du tới hơn 80 quốc gia - Ảnh: AFP

Chương trình nghị sự cơ bản của ông Abe đã thoát khỏi cái mà ông gọi là “chế độ hậu chiến” - một di sản dưới sự chiếm đóng của Mỹ mà những người bảo thủ cho rằng đã tước đi niềm tự hào dân tộc của Nhật Bản. Cải cách hệ thống giáo dục để khôi phục lại truyền thống là một trong những mục tiêu khác của ông.

Cố Thủ tướng Nhật cũng giữ lập trường “ít hối lỗi” hơn với các hành động trong Thế chiến thứ hai của Tokyo. Ông cho nói rằng các thế hệ tương lai không nên tiếp tục xin lỗi về những sai lầm trong quá khứ.

Được bầu vào quốc hội lần đầu tiên vào năm 1993 sau khi cha qua đời, ông Abe nổi tiếng trên khắp nước nhật khi có lập trường cứng rắn với nước láng giềng khó đoán Triều Tiên trong vấn đề công dân Nhật bị Bình Nhưỡng bắt cóc nhiều thập kỷ trước.

Ở bên kia Thái Bình Dương, ông Abe củng cố mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Mỹ Donald Trump, chơi gôn và thường xuyên tham gia các cuộc họp và điện đàm. Khi còn là Thủ tướng, ông từng công du tới hơn 80 quốc gia.

Ông Abe bị bắn vào khoảng 11h30 (giờ địa phương) và được đưa đi cấp cứu băng trực thăng ngay sau đó. Trong cuộc họp báo tại Bệnh viện Đại học Y Nara, các bác sĩ cho biết ông qua đời lúc 17h03 do vết thương quá nặng. Ông nhập viện trong tình trạng chảy nhiều máu, gần như không còn dấu hiệu sinh tồn. 

Ông Abe là một cựu thủ tướng hoặc thủ tướng Nhật đầu tiên bị ám sát kể từ thời quân phiệt hồi thập niên 1930. Nhật Bản cũng là một quốc gia hiếm khi xảy ra bạo lực súng đạn. Sự kiện này gây chấn động toàn cầu và nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. 

Sau khi thông tin ông Abe qua đời được công bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng đây là tổn thất quá lớn. Còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng đây là vụ việc "kinh hoàng và đau buồn". Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói đây là vụ ám sát "tàn bạo và hèn hạ".