Phó Thủ tướng đề nghị không chia nhỏ các tiểu dự án, đẩy tổng mức đầu tư Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Phó Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh hỗ trợ giải phóng mặt bằng; đồng thời, lưu ý không chia nhỏ các tiểu dự án, không đẩy tổng mức đầu tư lên cao làm ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn vốn chung của toàn bộ dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội...
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 43/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
DỒN SỨC GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG
Tại thông báo, Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp của TP. Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh trong việc tổ chức triển khai thực hiện dự án.
Theo đó, ủy ban nhân dân các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo của từng địa phương và đã thống nhất quy chế chung để tổ chức thực hiện; đặc biệt là TP. Hà Nội đã làm tốt vai trò là đầu mối tổ chức thực hiện dự án, đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.
Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư đã được các địa phương làm tốt, đảm bảo tiến độ đã đề ra, tạo sự đồng thuận của người dân trong vùng dự án. Các tỉnh, thành đang nỗ lực để bảo đảm bàn giao 70% mặt bằng trước 30/6/2023, bàn giao 100% mặt bằng trước 31/12/2023
Chẳng hạn, Hà Nội đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1.1 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là 13.362 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Tính đến giữa tháng 2, Hà Nội phê duyệt phương án với diện tích 236,26ha; diện tích đất đã bàn giao mặt bằng 213,02ha (đạt tỷ lệ 26,69%), chi trả bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 1.779,39 tỷ đồng. Cùng với đó, kiểm đếm 8.958/11.687 ngôi mộ; phê duyệt phương án hỗ trợ di chuyển 6.678 ngôi; di chuyển và hoàn thành chi trả tiền đối với 5.218 ngôi (đạt tỷ lệ 44,65%). Tất cả các dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cũng được phê duyệt tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và phương án kiến trúc sơ bộ và cơ bản không có đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Còn Hưng Yên đã hoàn thành xác định phạm vi giải phóng mặt bằng. Tại một số huyện, người dân đã chủ động đăng ký và thực hiện di chuyển 738/3.327 ngôi mộ để bàn giao mặt bằng dự án bảo đảm tiến độ…
Thông báo nêu rõ Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 của Chính phủ đã quy định rõ thẩm quyền của các địa phương; đồng thời, cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách về chỉ định thầu, khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, các công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...
Căn cứ vào đó, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương thực hiện theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội và Ủy ban nhân dân hai tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan tại cuộc họp, chủ động quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền của mình trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bao gồm việc chỉ định thầu các dự án cải tạo, mở rộng nghĩa trang phục vụ công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, phê duyệt các dự án thành phần… phải thực hiện theo đúng cơ chế, chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ bảo đảm tiến độ triển khai dự án.
Phó Thủ tướng lưu ý về việc mở rộng, cải tạo, chỉnh trang các nghĩa trang hiện có phục vụ công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, các địa phương thực hiện việc chỉ định theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Về việc xây mới các nghĩa trang, Phó Thủ tướng yêu cầu phải có quy hoạch được duyệt, phù hợp với các quy hoạch khác có liên quan, đồng bộ với các hạ tầng kinh tế - xã hội.
"Việc sử dụng vốn hợp pháp của địa phương cho công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư phải trên cơ sở dự án được duyệt theo đúng quy định; phải duyệt dự án cho nhanh để đẩy nhanh hỗ trợ giải phóng mặt bằng", Phó Thủ tướng lưu ý.
Đặc biệt, vấn đề phê duyệt các dự án thành phần cần lưu ý không chia nhỏ các tiểu dự án; phải tiên lượng, dự toán cho phù hợp, không đẩy tổng mức đầu tư lên cao làm ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn vốn chung của toàn bộ dự án.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các nút giao giữ nguyên như báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Quốc hội, Chính phủ chấp thuận; lưu ý các nút giao cắt phải khác đồng mức; điều chỉnh cao độ tĩnh không các cầu cạn cho phù hợp; thiết kế mặt cắt ngang cầu qua sông phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch và xu thế phát triển trong tương lai.
CẦN BÁO CÁO TRƯỜNG HỢP PHÁT SINH DẪN ĐẾN ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường chủ động, khẩn trương hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền các kiến nghị của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội và Ủy ban nhân dân hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.
Trong đó, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng theo thẩm quyền, phối hợp, hướng dẫn khâu thẩm định, thiết kế, thi công các dự án.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xem xét và có ý kiến thỏa thuận với đề nghị của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội về phương án thiết kế các công trình cầu qua sông có đê thuộc dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xem xét và có ý kiến về đề xuất của Ban Chỉ đạo về những nội dung liên quan; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần, bao gồm các dự án khai thác mỏ vật liệu xây dựng trong tháng 2/2023.
Bộ Công Thương phối hợp, giúp đỡ các địa phương về việc thỏa thuận giải pháp thiết kế di chuyển, bảo vệ hệ thống điện cao thế (110KV, 220 KV, 500 KV) trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án.
Phó Thủ tướng yêu cầu TP. Hà Nội là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án và báo cáo kết quả triển khai dự án, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án và chủ trì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư trong trường hợp phát sinh các yếu tố dẫn đến điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112 km, đi qua ba địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, chia làm 7 dự án thành phần, trong đó 3 dự án giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và một dự án đầu tư xây dựng cao tốc theo phương thức PPP (đối tác công - tư).
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.800 tỷ đồng. Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, khởi công tháng 6/2023, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.