10:39 24/05/2022

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu 5 đề xuất quan trọng tại Diễn đàn kinh tế thế giới

Quang Thanh

Phó Thủ tướng chia sẻ định hướng của Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp các-bon thấp, “xanh – sinh thái - bền vững”, xoay quanh ba trụ cột: "nông nghiệp sinh thái", "nông thôn hiện đại", "nông dân thông minh"...

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) - Ảnh: Bộ Ngoại giao
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) - Ảnh: Bộ Ngoại giao

Sáng ngày 23/5, theo giờ địa phương, Hội nghị thường niên lần thứ 52 Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) với chủ đề “Lịch sử ở giai đoạn bước ngoặt: Chính sách của Chính phủ, Chiến lược của Doanh nghiệp” đã khai mạc tại Davos, Thụy Sỹ.

Tham dự Hội nghị có trên 2.500 đại biểu quốc tế, gồm lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF nhấn mạnh với sứ mệnh gắn kết Chính phủ và doanh nghiệp, -Hội nghị WEF 2022 là diễn đàn toàn cầu quan trọng hàng đầu nhằm chia sẻ ý tưởng, kết nối và tìm kiếm giải pháp cho các thách thức toàn cầu, cả trước mắt và dài hạn.

Trong bối cảnh đang diễn ra những thay đổi bước ngoặt của thế giới, Giáo sư Schwab kêu gọi các bên liên quan đẩy mạnh hợp tác, đồng thời có cách tiếp cận toàn diện đối với các vấn đề toàn cầu tại tất cả các góc nhìn, từ chính trị đến kinh tế, xã hội,...

Ngay sau Lễ khai mạc đã diễn ra phiên toàn thể về chủ đề “Chuyển hướng khủng hoảng lương thực toàn cầu” với sự tham gia thảo luận của Phó Tổng thống Tanzania Philip Isdor Mpango, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Minh Khái, Chủ tịch Tập đoàn Syngenta (Thụy Sỹ) J. Erik Fyrwald, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới David Beasley.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh tác động của khủng hoảng “kép” của đại dịch Covid 19 và căng thẳng địa chính trị đang gây ra những tác động cộng hưởng chưa từng có lên nguồn cung, giá cả và chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu. Phó Thủ tướng nêu 5 đề xuất quan trọng.

Một là, cần có cách tiếp cận tổng thể, đa mục tiêu, hướng tới một hệ thống lương thực toàn cầu tự cường, bao trùm và bền vững. Vấn đề cấp bách là hỗ trợ nhân đạo các nước thiếu lương thực, khôi phục chuỗi cung ứng và kiềm chế áp lực tăng giá nông sản; về dài hạn, phải xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bao trùm và bền vững.

Phiên thảo luận tại hội nghị - Ảnh: Bộ Ngoại giao
Phiên thảo luận tại hội nghị - Ảnh: Bộ Ngoại giao

Hai là, tăng cường hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy vai trò của tổ chức quốc tế để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực toàn cầu, trong đó cần bảo đảm chuỗi cung ứng lương thực thông suốt, loại bỏ hàng rào thương mại đối với lương thực, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển, thúc đẩy mô hình hợp tác ba bên mà Việt Nam triển khai hiệu quả với các nước châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Ba là, đề cao cách tiếp cận toàn dân, bảo đảm quá trình chuyển đổi sản xuất lương thực công bằng, tính đến lợi ích của các nhóm dễ bị tổn thương, nhóm yếu thế.

Bốn là, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp có sự tham gia và phối hợp hành động của tất cả các bên liên quan. Năm là, đổi mới tư duy, kiến tạo động lực mới để thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp và sản xuất lương thực, nhất là ứng dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo…

Phó Thủ tướng chia sẻ định hướng của Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp các-bon thấp, “xanh – sinh thái - bền vững”, xoay quanh ba trụ cột: "nông nghiệp sinh thái", "nông thôn hiện đại", "nông dân thông minh".

Phó Thủ tướng kêu gọi sự đồng hành của quốc tế trong việc củng cố khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu cho Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần củng cố an ninh lương thực quốc gia và khu vực.

Phó Tổng thống Tanzania, Giám đốc Chương trình lương thực thế giới và Chủ tịch Tập đoàn Syngenta, chia sẻ những đánh giá và đề xuất của đoàn Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh tình trạng lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và thực trạng đô thị hóa tràn lan đang tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực toàn cầu.

Các đại biểu kêu gọi tăng cường hợp tác công - tư nhằm giải quyết tình trạng thiếu lương thực và thúc đẩy xây dựng hệ thống lương thực toàn cầu bền vững và bao trùm.

Trong ngày 23/5, tại Davos cũng đã diễn ra nhiều phiên thảo luận về các vấn đề quan trọng như Hệ thống y tế tương lai, Tương lai của toàn cầu hóa, Tương lai của thương mại toàn cầu, Triển vọng an ninh mạng toàn cầu, Hướng tới phát thải ròng bằng không, Vai trò của công nghệ khử Các-bon Đi-ô-xít, Vượt qua khủng hoảng năng lượng, Xây dựng và hồi sinh ngành Du lịch....

Trong thời gian tham dự hội nghị, sáng ngày 23/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã gặp Chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ Patrick Leahy. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Chủ tịch Thượng viện Patrick Leahy bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Trưa cùng ngày, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có cuộc gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo một số tập đoàn lớn về thu hút tài chính xanh, tiếp nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có Wonderloop, Horasis, Menzies Aviation, dHealth Foundation, NAS, Citibank, HSBC, ToGo, tập đoàn Consessor AG...