Phó thủ tướng Phạm Bình Minh lần đầu lên "ghế nóng"
9h50 sáng 6/6 Phó thủ tướng Phạm Bình Minh là thành viên Chính phủ cuối cùng đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội
9h50 sáng 6/6 Phó thủ tướng Phạm Bình Minh là thành viên Chính phủ cuối cùng đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Đây cũng là lần đầu Phó thủ tướng Phạm Bình Minh "lên ghế nóng" sau gần 2 nhiệm kỳ là thành viên Chính phủ.
Được báo cáo tối đa 15 phút, Phó thủ tướng nói Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, sau đó cập nhật tình hình kinh tế - xã hội và báo cáo thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm trong các phiên chất vấn.
Cập nhật tình hình tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019, Phó thủ tướng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực của 4 tháng đầu năm.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 2,74%, thấp nhất trong 3 năm qua. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, đàn gia cầm tăng 7,1%, sản lượng thủy sản tăng 6,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tháng 5 tăng 11,6%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua. Tổng cầu tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%; thu hút gần 7,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 8,8%.
Tổng vốn FDI đăng ký mới và bổ sung đạt trên 9 tỷ USD, tăng 27,1%; vốn thực hiện đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8%. Xuất khẩu đạt trên 100 tỷ USD, tăng 6,7%. Có gần 54 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 3,2% về số doanh nghiệp, 29,6% về vốn đăng ký và gần 20 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; đời sống người dân được cải thiện, số hộ thiếu đói giảm 30,5%. Đã triệt phá nhiều vụ án lớn về ma túy, đánh bạc trên mạng… Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, còn nhiều vấn đề dư luận bức xúc, người dân quan tâm như: đạo đức, văn hóa ứng xử, xâm hại trẻ em, gian lận thi cử, tội phạm ma túy, đánh bạc, giết người, tai nạn giao thông nghiêm trọng…, như Chính phủ đã báo cáo và nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu.
Chuyển sang một số vấn đề nhiều vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, chất vấn, Phó thủ tướng nêu vấn đề thứ nhất về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công
Nhấn mạnh đây là vấn đề được Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm, Phó thủ tướng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Tình hình thực hiện và giải ngân thời gian qua đã có chuyển biến; giải ngân 5 tháng đạt gần 100 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 29% kế hoạch (cao hơn so với cùng kỳ là 27,4%), Phó thủ tướng trình bày.
Tuy nhiên, theo Chính phủ, việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế, yếu kém, đúng như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu. Một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp; chưa thực sự chủ động, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ; chậm thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định. Vẫn còn những điểm chồng chéo, bất cập về thể chế, quy định pháp luật liên quan.
Phó thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhất là các dự án lớn giải ngân chậm; yêu cầu người đứng đầu các Bộ ngành, địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Chấn chỉnh công tác đấu thầu, thực hiện nghiêm quy định về đấu thầu, mua sắm công qua mạng. Đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng và thi công, thanh quyết toán công trình. Điều chỉnh kế hoạch vốn từ các bộ ngành, địa phương, dự án giải ngân chậm sang nơi thực sự có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, về phát triển doanh nghiệp, Phó thủ tướng nêu rõ, cả nước có trên 730 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trên 100 nghìn doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm; trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hàng triệu hộ kinh doanh cá thể. Đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước, quốc tế, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, năng lực, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trình độ quản trị, năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, khả năng liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế. Quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh vẫn còn những bất cập; thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng… còn khó khăn; chi phí về vốn, logistics, thủ tục hành chính... còn cao. Tỷ lệ doanh nghiệp bình quân còn thấp (Việt Nam đạt khoảng 140 người dân/doanh nghiệp, trong khi các nước ASEAN là 80-100, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU là 10-12 người dân/doanh nghiệp).
Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp theo hướng tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường, đừng kỳ thị kinh tế tư nhân như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ đạo.
Chính phủ cũng sẽ quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh; kiên quyết loại trừ tiêu cực, tham nhũng vặt, gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Thường xuyên đối thoại, kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị; hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Chú trọng phát triển đội ngũ doanh nhân có trình độ quản lý, đạo đức kinh doanh, đề cao trách nhiệm xã hội, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế -xã hội của đất nước.
Thứ ba, về khắc phục bất cập trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, Phó thủ tướng thông tin, ngay sau khi có thông tin về hiện tượng gian lận trong kỳ thi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm. Nghiêm khắc phê bình các địa phương đã để xảy ra sai phạm; yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ liên quan đến sai phạm thi cử và tiếp tục điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2019 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan để chấn chỉnh các bất cập, tồn tại; giám sát chặt chẽ các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Vấn đề thứ tư Phó thủ tướng báo cáo là đạo đức xã hội, Phó thủ tướng nhận định , thời gian gần đây ở một số địa phương còn xảy ra không ít vấn đề về đạo đức xã hội gây bất an, bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân. Một bộ phận giới trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các sản phẩm, dịch vụ văn hóa thiếu lành mạnh, độc hại. Xuất hiện lối sống ích kỷ, thực dụng, vô cảm…; không ít giá trị đạo đức truyền thống, lối sống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang có biểu hiện bị mai một.
Phó thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung xử lý, sớm khắc phục tình trạng bức xúc nêu trên, khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng tăng nặng hình phạt, có chế tài xử lý đủ sức răn đe; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, xử lý vi phạm.
Thứ năm, về công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, Phó thủ tướng nói, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Các quy định pháp luật vẫn còn sơ hở, bất cập. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được ngăn chặn hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện vi phạm trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ tham nhũng còn thấp.
Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đề ra. Tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế; khẩn trương hoàn thiện thể chế, pháp luật; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, phát huy vai trò của báo chí; chủ động cung cấp, định hướng thông tin về phòng chống tham nhũng. Thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống tham nhũng vặt.
Giải pháp tiếp theo được Phó thủ tướng nêu là tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm như đầu tư công, đất đai, dự án BT, BOT, cổ phần hóa,... Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng; thu hồi triệt để tài sản thất thoát.