Phòng, chống rửa tiền trong buôn bán động động vật hoang dã
Buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã là hoạt động tiềm ẩn rủi ro rửa tiền ở mức cao và trung bình cao. Cụ thể, tỷ lệ cán bộ đánh giá rủi ro rửa tiền ở mức cao và trung bình cao của ngân hàng thương mại là 84%, của tổ chức tài chính phi ngân hàng là 80%, so với của đơn vị tình báo tài chính là 75%...
Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) - Chương trình Việt Nam (WCS Việt Nam) vừa chính thức công bố báo cáo “Khảo sát về nhận thức và năng lực của đơn vị tình báo tài chính (FIU) và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính về phòng, chống rủi ro rửa tiền liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam”.
Báo cáo là kết quả của hoạt động nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Học viện Ngân hàng, trong khuôn khổ hợp tác giữa WCS Việt Nam và Học viện Ngân hàng.
Với việc cung cấp thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các định chế tài chính, Báo cáo bao gồm các ngân hàng; tổ chức tài chính phi ngân hàng, và các cơ quan thực thi pháp luật trong công tác phòng, chống rửa tiền nói chung và phòng, chống rửa tiền liên quan đến các loại tội phạm nguồn như tội phạm buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã (ĐVHD); đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố cho giai đoạn 2018 – 2022, và Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm đánh giá nhận thức, năng lực và thực tiễn công tác nhận biết và phòng, chống rủi ro rửa tiền liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã và nhu cầu nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực của đơn vị tình báo tài chính (FIU), các ngân hàng thương mại, và các tổ chức tài chính phi ngân hàng.
Báo cáo nghiên cứu cũng đưa ra các khuyến nghị góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về phòng, chống rửa tiền từ các loại tội phạm môi trường; xây dựng các chiến dịch hành động hướng đến thay đổi góc nhìn và thực hành của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính đối với việc phòng, chống các rủi ro, nguy cơ rửa tiền từ hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam.
Theo kết quả của báo cáo, phần lớn các cán bộ tham gia khảo sát nhận định buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã là hoạt động tiềm ẩn rủi ro rửa tiền ở mức cao và trung bình cao. Cụ thể, tỷ lệ cán bộ đánh giá rủi ro rửa tiền ở mức cao và trung bình cao của ngân hàng thương mại là 84%, của tổ chức tài chính phi ngân hàng là 80%, so với của FIU là 75%.
Các cán bộ tham gia khảo sát đều nhận định có 03 hoạt động tiềm ẩn rủi ro rửa tiền cao là hoạt động chuyển tiền/thanh toán, thanh toán quốc tế/tài trợ thương mại, và các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số…
Báo cáo khảo sát này là nền tảng cho những nỗ lực của WCS Việt Nam trong quá trình thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức tài chính trong đấu tranh với các tội phạm phái sinh từ tội phạm liên quan đến ĐVHD, bao gồm tội phạm rửa tiền và các tội phạm tài chính khác, góp phần ngăn chặn hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã trên thế giới và tại Việt Nam.
Dựa trên kết quả khảo sát và các khuyến nghị, WCS Việt Nam sẽ tiếp tục thiết kế các hoạt động nâng cao nhận thức về các nguy cơ, rủi ro tài chính từ buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã; đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn hỗ trợ các tổ chức tài chính nhằm nâng cao năng lực PCRT liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi WCS Việt Nam trong khuôn khổ dự án “Phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam” do Cục Phòng, chống Ma túy và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ.