Chặn các hành vi mua bán động vật hoang dã trên không gian mạng: Trách nhiệm của các công ty công nghệ
Các sản phẩm động vật hoang dã được rao bán trái pháp luật trên các nền tảng xã hội ngày càng tăng lên. Trong khi thị trường mua bán trực tuyến còn thiếu các quy định rõ ràng để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng mua bán sản phẩm này…
Nhận định được đưa ra tại hội thảo về “Nâng cao trách nhiệm xã hội hướng tới phát triển bền vững và giảm thiểu các rủi ro từ buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật trên không gian mạng” ngày 30/11.
RAO BÁN CÔNG KHAI TRÊN FACEBOOK, ZALO
Bà Bùi Thúy Nga, Cán bộ Chương trình, TRAFFIC Việt Nam thông tin, khảo sát với tất cả các nền tảng trực tuyến (trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử) của TRAFFIC từ tháng 7/2021-6/2022 cho thấy, có hơn 8.000 tin, bài quảng cáo rao bán công khai các sản phẩm động vật hoang dã.
Trong đó, phần lớn là các loại động vật hoang dã được bảo vệ nguy cấp và quý hiếm. Facebook và zalo là hai nền tảng quảng cáo bán các sản phẩm động vật hoang dã nhiều nhất và chào bán công khai.
Voi và các sản phẩm từ ngà voi là những sản phẩm được bán, cũng như được tìm kiếm nhiều nhất. Chỉ cần gõ chữ “ngà voi” thì chưa đầy một giây công cụ tìm kiếm Google đã tìm thấy hơn 1,5 triệu kết quả.
Báo cáo thống kê cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, số lượng tin bài rao bán các sản phẩm ngà voi tăng mạnh so với 6 tháng cuối năm 2021 – hơn 500 bài rao bán. 90% sản phẩm ngà voi đã được chế biến thành các đồ mỹ nghệ, trang sức.
Các sản phẩm thường được rao bán mạnh mẽ vào thời điểm trước Tết hay lễ hội, do nhu cầu tìm kiếm, mua bán các sản phẩm này gia tăng.
Khảo sát online của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) thực hiện từ 1/1 – 31/3/2020 bằng cách gõ tìm kiếm theo từ khóa: "ngà" "voi" (elephant), "tê giác", "sừng tê", "tê tê"/"trút“, "vẩy tê tê") thấy 205 tin/bài quảng cáo bán động vật hoang dã, 167 rao trên Facebook, 12 trên Instagram,...
Thậm chí các sản phẩm động vật hoang dã được rao bán ngày càng trở nên đa dạng hơn trên các nền tảng xã hội. Chứng tỏ người bán không ngừng nghỉ sáng tạo ra các sản phẩm mới nhằm thu hút cũng như đáp ứng được thi hiếu luôn thay đổi của người tiêu dùng.
Không chỉ vậy, sau Covid -19 khi người tiêu dùng tăng cường tìm kiếm các sản phẩm bồi bổ sức khoẻ, thì nhiều sản phẩm mới từ động vật hoang dã cũng được giới thiệu trên mạng như cao sừng tê giác, cao ngà voi... Thậm chí, sản phẩm còn có giấy chứng nhận chất lượng.
“Chúng tôi đang phối hợp với Cục quản lý y dược – Bộ Y tế để kiểm định tính chính xác về những giấy chứng nhận mà người rao bán trên mạng đưa lên”, bà Nga cho biết.
Để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng cũng như của các sàn thương mại điện tử, người bán đã cố tình viết sai chính tả, thậm chí viết sai quy cách, hay dùng tiếng lóng như: bán socola 30 hay cao 30 thì chính là cao hổ cốt; hay măng đen, thịt nạc thì là sừng tê giác; hoặc họ không dùng từ động vật hoang dã mà thay vào đó là dùng từ “cứu hộ”, “bảo tồn” để ám chỉ “tôi có hàng là động vật hoang dã”.
“Như vậy rất khó cho cơ quan chức năng phát hiện, cũng như sàn thương mại điện tử không thể đặt được những từ khoá tìm kiếm bán hàng như vậy”, bà Nga nhìn nhận. Khi có động tĩnh họ xoá ngay bài. Mặt khác, các đối tượng sử dụng rất nhiều số điện thoại, email, nick ảo… làm nhiễu loạn thông tin.
Còn nếu căn cứ vào bằng chứng để chỉ có trên mạng xã hội để xử phạt thì họ bao biện, đối phó cho rằng rao bán chỉ để câu view, câu like cho vui, còn thực tế không có hàng.
DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ PHẢI CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG
Thương mại điện tử là xu thế tất yếu song là thách thức hết sức lớn với cơ quan quản lý nhà nước, với các nhà hoạch định chính sách trong việc quản lý các hoạt động đang diễn ra trên mạng xã hội, đặc biệt các hoạt động gian lận thương mại, hàng lậu, hàng cấm như động vật hoang dã…
Các chuyên gia nhận định, xu hướng buôn bán động vật hoang dã trên các trang mạng xã hội sẽ còn gia tăng, vì các mức phạt nhỏ sẽ không đủ sức răn đe đối với các đối tượng buôn bán có tổ chức.
Do đó, giải pháp ông Nguyễn Anh Dương, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra là công khai thông tin của người mua và người bán trên mạng xã hội thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, hay phạt tù… Đặc biệt, thời gian tới cần có sự phối hợp liên ngành để giải quyết vấn đề này.
Với sứ mệnh của mình, đại diện TRAFFIC Việt Nam cho biết tổ chức này mong muốn hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp thương mại điện tử trong việc cung cấp thêm thông tin, kiến thức, trang bị thêm kỹ năng, công cụ để doanh nghiệp có thể ứng phó, đối phó tốt hơn với các rủi ro từ buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Theo bà Nga, cách tốt nhất để phòng chống mọi loại hình tội phạm là phải chủ động phòng chống. Nếu mỗi doanh nghiệp đều thể hiện quan điểm, ý chí mạnh mẽ, quyết tâm chống lại hành vi vi phạm bất hợp pháp này, cùng hành động thì sẽ góp phần chặt đứt được chuỗi buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam.
Bà Michelle Owen, Giám đốc văn phòng nhà thầu Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp, WWF cho rằng với kết nối quốc tế và khu vực, các công ty công nghệ Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật thông qua việc chặn quảng cáo và không cho phép hoạt động mua bán liên quan trên các nền tảng của mình.
Ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng ban Hợp tác, VECOM cho biết Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (Nghị định 85/2021/NĐ-CP) có quy định những mặt hàng cấm buôn bán trên mạng bao gồm động, thực vật hoang dã nguy cấp được pháp luật bảo vệ; những người vi phạm điều luật trên sẽ bị xử phạt theo quy định áp dụng với hành vi buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép tại cửa hàng, cửa hiệu.
Tuy nhiên, theo ông Tâm, sự cam kết của doanh nghiệp trong cộng đồng thương mại điện tử chống lại hành vi bất hợp pháp này là vô cùng quan trọng. Phải bắt tay, cùng cam kết và cùng hành động bảo vệ các loài động vật hoang dã.