14:00 10/01/2022

Nhức nhối nạn săn bắt động vật hoang dã ở Mù Cang Chải

Chu Khôi

Được đánh giá là khu rừng nguyên sinh đẹp bậc nhất vùng Tây Bắc, Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái rộng trên 20.000ha với thảm động thực vật phong phú, trong đó có nhiều loài quý hiếm ghi trong Sách đỏ. Mặc dù lực lượng kiểm lâm tại đây đã rất quyết liệt ngăn chặn các vụ vi phạm lâm luật, nhưng tình trạng phá rừng lấy gỗ và săn bắt động vật hoang dã vẫn diễn ra nhức nhối...

Kiểm lâm Mù Cang Chải lập biên bản bà Phạm Thị Thẩm vì bán động vật hoang đã trái phép.
Kiểm lâm Mù Cang Chải lập biên bản bà Phạm Thị Thẩm vì bán động vật hoang đã trái phép.

Đoàn nhà báo chúng tôi gồm phóng viên thuộc 3 cơ quan báo chí và một cán bộ của Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) vừa có chuyến điền dã Mù Cang Chải vào những ngày cuối năm 2021.

Vượt qua đèo Khau Phạ hùng vĩ - cung đèo được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của đất nước với chiều dài khoảng 30km, chúng tôi đến những bản làng thuộc huyện Mù Cang Chải –nơi giáp gianh giữa bốn tỉnh (Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La).

SĂN BẮT VÀ BÁN ĐỘNG VẬT HOANG DÃ VẪN PHỔ BIẾN

Ghé vào một số hàng quán ven đường, chúng tôi được mời chào mua những con thú hoang. Ở một hàng bán tạp hóa, người chủ cửa hàng lấy từ trong tủ lạnh ra những con vật lạ đã được giết mổ cấp đông, giới thiệu với chúng tôi đây là thú hoang được người dân bẫy trên rừng đưa xuống. Dĩ nhiên, chúng tôi từ chối mua.

Buổi tối ở thị trấn Mù Cang Chải, ghé vào một quán ăn, khi hỏi về thú hoang dã, chủ quán nói, món này nhà hàng không bán, nhưng nếu dặn trước thì vài tiếng sau sẽ có ngay. “Cách đây hơn một tuần, tôi mua được một con báo nhỏ 4,5 kg, người ta đem đến bán chỉ với giá hơn 1 triệu đồng. Hôm ấy không có khách ăn, nên mấy anh em trong nhà đánh chén một bữa túy lúy”, chủ quán khoe.

Sáng 29/12/2021, đoàn nhà báo chúng tôi đến làm việc với Hạt Kiểm lâm Mù Cang Chải. Sau khi nghe chúng tôi kể chuyện găp cửa hàng mời mua thú hoang dã, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải ngay tức khắc cử lực lượng kiểm lâm đi 2 xe ô tô và nhiều xe máy cùng đến nơi để kiểm tra hiện trường.

Cá thể mèo rừng đông lạnh tại cửa hàng bà Phạm Thị Thẩm
Cá thể mèo rừng đông lạnh tại cửa hàng bà Phạm Thị Thẩm

Tại cây số 25 đường đi Than Uyên (Lai Châu), các các bộ kiểm lâm cùng phóng viên làm việc trực tiếp với chủ quán tạp hóa là bà Phạm Thị Thẩm, tại bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải. Các cán bộ kiểm lâm kiểm tra tủ đông của cửa hàng, phát hiện hai cá thể mèo rừng đã giết mổ và cấp đông.

Qua quan sát, đầu mèo có răng cong nhọn hoắt, không giống với các thú nuôi, hình thái này giống với mèo rừng, thuộc họ báo gấm. Cùng với đó, các cán bộ kiểm lâm phát hiện một cá thể thú rừng còn sống, trọng lượng 3.3kg được cất giấu trong một chiếc bao tải màu cam. Quan sát con thú này có màu lông giống với màu lông của loài báo, được cán bộ kiểm lâm cho biết là mèo rừng. Các cán bộ kiểm đã lập biên bản đối với bà Phạm Thị Thẩm, xử phạt hành chính và tịch thu các tang vật.

Cá thể mèo rừng sống được cán bộ Kiểm lâm phát hiện tại cửa hàng bà Phạm Thị Thẩm. 
Cá thể mèo rừng sống được cán bộ Kiểm lâm phát hiện tại cửa hàng bà Phạm Thị Thẩm. 

Trên đường đi khảo sát chợ trung tâm xã Púng Luông – một xã dưới chân đèo Khau Phạ, đoàn phóng viên ghé vào một hàng chuyên bán bẫy thú. Tại đây, bán các loại bẫy có kích thước từ cỡ nhỏ đến vừa dùng để bắt chuột, sóc, chồn, với giá trung bình từ 20.000-30.000 đồng/chiếc. Những loại bẫy lớn hơn, chuyên để bẫy chồn, cầy hôi thì có giá 70.000-80.000 đồng/chiếc được bà chủ quán cho hay có thể bẫy được thú trọng lượng từ 6-9 kg. Loại bẫy to chuyên để bẫy lợn rừng, được đưa ra giá 250.000đ/chiếc, nhưng phải những người thợ săn chuyên nghiệp mới có thể sử dụng được.

Bẫy thú được bán công khai ở chợ Púng Luông.
Bẫy thú được bán công khai ở chợ Púng Luông.

Theo lời bà chủ quán, thì bà chuyên cung cấp bẫy cho người dân ở gần khu bảo tồn rừng Chế Tạo. Chỉ lên hướng núi rừng cao ngất phía trên, bà này cho hay: “Phía trên kia, hai bên đèo Khau Phạ là rừng cấm, còn rất nhiều thú hoang dã. Thú rừng thường xuyên xuống nương rẫy của người dân để ăn ngô, phá hoại rau màu. Người dân ở đây, hầu như nhà nào cũng biết đặt bẫy để bắt thú. Mỗi nhà thường đặt hàng chục bẫy quanh nương của mình, hoặc ở các khu rừng gần đó”.

BẢO VỆ RỪNG CÒN NHIỀU GIAN NAN

Ông Trần Xuân Dưỡng - Phó Giám đốc Khu Bảo Tồn, kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải, cho biết nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, Khu bảo tồn Mù Cang Chải là một dãy núi hình cung cao từ 1.700-2.500m, trong đó có đèo Khau Phạ chạy qua với chiều dài khoảng 30 km.

Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải có diện tích 20.293,3 ha, diện tích có rừng là 20.108,2 ha. Nằm trên địa bàn của 5 xã: Chế Tạo, Púng Luông, Nậm Khắt, Lao Chải và Dế Xu Phình, đây là khu bảo tồn có tính đa dạng sinh học bậc nhất vùng Tây Bắc.

 

Trong Khu bảo tồn Mù Cang Chải có những khu vực rừng gần như còn nguyên sinh ít bị tác động, là nơi sinh sống của trên 42 loài động vật quí hiếm ghi trong sách đỏ Việt Nam, 28 loài ở mức độ bị đe doạ toàn cầu, đặc biệt có 4 loài: Niệc Cổ Hung, Gà Lôi Tía, Vượn đen, Voọc Xám đang có nguy cơ đe doạ tiêu diệt loài ở mức toàn cầu.

Ông Trần Xuân Dưỡng - Phó Giám đốc Khu Bảo Tồn, kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải. 

Theo ông Dưỡng, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Do người dân sống trong khu bảo tồn hiện nay là 100% người đồng bào dân tộc, trong đó phần lớn là người H'mong trình độ dân trí thấp, tập quán sản xuất còn nhiều lạc hậu, sản xuất nương rẫy du canh, quảng canh còn khá phổ biến.

Vì đời sống khó khăn một số người dân địa phương nơi có rừng hoặc gần rừng lợi dụng thời gian nông nhàn, không có việc làm họ lên rừng tận thu, khai thác và vận chuyển gỗ trái phép cho các đầu nậu. Đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, xa và vùng giáp danh với tỉnh Sơn La, Lai Châu. Tình trạng người dân địa phương tự ý phá rừng làm nương rẫy, săn, bắt, bắn, bẫy các loài động vật hoang dã như Sơn Dương, Gấu, Khỉ, Lợn rừng, Rắn vẫn còn diễn ra.

 “Áp lực về dân số ở vùng đệm Khu bảo tồn tăng nhanh, đòi hỏi về nhu cầu đất ở, đất sản xuất và khai thác lâm sản phục vụ cho nhu cầu cuộc sống; trong khi đời sống của nhân dân còn nghèo và sống chủ yếu dựa vào rừng để khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã. Đây là áp lực rất lớn đối với Khu bảo tồn”, ông Dưỡng chia sẻ.

Một trong những giải pháp tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, là thực hiện chi trả tiền bảo vệ rừng của Khu Bảo tồn. Từ năm 2019 đến nay, Khu bảo tồn đã sử dụng nguồn tiền chỉ trả dịch vụ môi trường rừng để giúp nang cao thu nhập cho người dân với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Ông Giàng A Dờ, xã Chế Tạo cho biết: "Từ khi thực hiện chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, đời sống bà con trong bản đã được cải thiện. Bà con đều biết giữ rừng là có nguồn nước cung cấp cho nhà máy thủy điện. Từ đó, các nhà máy thủy điện sẽ nộp phần lợi nhuận cho việc bảo vệ rừng và bà con sẽ có tiền trang trải cuộc sống”. 

Tuy nhiên, ngần ấy giải pháp là chưa đủ. Ông Dưỡng kiến nghị Nhà nước cần có chính sách đủ mạnh để giúp các hộ dân ổn định cơ cấu sản xuất, giảm bớt diện tích nương rẫy và đất dành để sản xuất lương thực trên độ dốc cao sang trồng rừng và cây công nghiệp, cây ăn quả (hỗ trợ vốn, kỹ thuật, giống và tổ chức tiêu thụ sản phẩm) tạo điều kiện cho các hộ nông dân, chủ rừng sinh sống trong địa bàn yên tâm sống bằng nghề rừng, bảo vệ rừng.

Về phía Ban Quản lý Khu Bảo tồn rừng và kiểm lâm Mù Cang Chải, để quản lý Khu bảo tồn ngày một tốt hơn, thời gian tới, lực lượng kiểm lâm sẽ tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã và ngành chức năng liên quan tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về Luật Bảo vệ và phát triển, quản lý hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.