13:55 20/03/2014

Phương Tây “dám” trừng phạt Nga tới mức nào?

An Huy

Cyprus, Hà Lan, và British Virgin Islands vốn là thiên đường thuế quen thuộc đối với tài sản Nga

Lĩnh vực năng lượng đóng góp hơn một nửa nguồn thu của Chính phủ Nga, 
trong khi khoảng 3/4 lượng khí đốt xuất khẩu của Nga được xuất sang châu
 Âu - Ảnh: ZumaPress
Lĩnh vực năng lượng đóng góp hơn một nửa nguồn thu của Chính phủ Nga, trong khi khoảng 3/4 lượng khí đốt xuất khẩu của Nga được xuất sang châu Âu - Ảnh: ZumaPress
Hiện tại, các lệnh trừng phạt mà Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) áp lên Moscow để đáp trả việc Crimea gia nhập Nga mới chỉ dừng ở mức độ cấm visa và đóng băng tài sản cá nhân ở nước ngoài của một số quan chức Nga.

Theo hãng tin CNBC, nếu tăng cường trừng phạt Nga, phương Tây có lẽ chỉ “dám” mở rộng thêm danh sách những người Nga giàu có bị phong tỏa tài sản.

Các thiên đường thuế của người giàu Nga

CNBC cho rằng, nếu quyết tâm siết chặt trừng phạt bằng cách đóng băng toàn bộ tài sản của Nga ở nước ngoài, phương Tây sẽ không phải tìm kiếm đâu xa. Dữ liệu mới nhất cho thấy, các khoản đầu tư ở nước ngoài của Nga chỉ tập trung trong một danh sách ngắn các quốc gia nhỏ.

Trong số khoảng một nửa nghìn tỷ USD vốn đầu tư của Nga ở nước ngoài, có 2/3 nằm trong các tài khoản ở 3 quốc gia là Cyprus, Hà Lan, và British Virgin Islands - theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nga. Ba quốc gia này vốn là thiên đường thuế quen thuộc đối với tài sản Nga, kể từ khi các dòng vốn bắt đầu có xu hướng chảy ra khỏi nước này vào những năm 2000.

Ngoài mục đích trốn thuế, giới tài phiệt và những người Nga giàu có còn muốn cất giấu tiền trong “những cái tổ an toàn” ở nước ngoài vì “sự hỗ trợ của Nhà nước Nga đối với các nhà đầu tư nhỏ và vừa là yếu” - theo một báo cáo năm 2011 của Trung tâm Vale Columbia về đầu tư quốc tế bền vững.

Cách đây một năm, các nhà đầu tư Nga đã hứng chịu một cú sốc lớn khi khủng hoảng tài chính ở Cyprus dẫn tới việc đảo quốc này thắt chặt các quy định rút vốn khỏi ngân hàng. Khi đó, nhiều nhà đầu  tư Nga không thể tiếp cận với số tiền họ đã gửi vào các nhà băng Cyprus. Vì lý do này, nhiều nhà đầu tư Nga đã chuyển các khoản đầu tư của họ sang British Virgin Islands.

Số liệu mới nhất cho thấy, British Virgin Islands đã thu hút được 61 tỷ USD vốn mới của các nhà đầu tư Nga chỉ trong vòng 3 quý đầu tiên của năm 2013.

Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư Nga vẫn không ngại các hạn chế mới ở Cyprus và tiếp tục rót tiền vào đây. Trong 9 tháng đầu năm ngoái, số tài rản của Nga ở Cyprus tăng ròng 7,5 tỷ USD. Trong cùng khoảng thời gian, Áo là quốc gia có lượng vốn ròng của Nga chảy vào mạnh thứ ba, với 5,1 tỷ USD.

Các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu đã công bố mới đây hầu như chẳng có ảnh hưởng nào tới tầng lớp giàu có của Nga. Và đối với Chính phủ Nga, lệnh trừng phạt đó càng chẳng có gì ghê gớm.

“Các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga được công bố tới thời điểm này chưa có gì đáng nói. Trừng phạt thực sự phải làm giảm dòng ngoại tệ chảy vào Nga”, ông Carl Weinberg, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc High Frequency Economics, phát biểu.

Khó siết xuất khẩu năng lượng của Nga

Tuy nhiên, những lệnh trừng phạt như vậy sẽ là rất khó, nếu không muốn nói là không thể, thực hiện. Để làm vậy, Mỹ và châu Âu sẽ phải đánh vào xuất khẩu dầu thô và khí đốt của Nga - lĩnh vực chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cơ bản, đồng thời là nguồn ngoại tệ mạnh lớn nhất của nước này.

Mô hình thành công nhất gần đây cho việc trừng phạt Nga có thể chính là các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp dụng đối với Iran. Trong đó, Mỹ và châu Âu đã tung một lưới phong tỏa chặt hơn nhiều đối với tài sản Iran ở nước ngoài, song song với việc siết chặt dòng tiền mặt từ xuất khẩu dầu lửa của nước này.

Các lệnh trừng phạt như vậy có lẽ sẽ khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin phải chú ý. Lĩnh vực năng lượng đóng góp hơn một nửa nguồn thu của Chính phủ Nga, trong khi khoảng 3/4 lượng khí đốt xuất khẩu của Nga được xuất sang châu Âu.

Vấn đề nằm ở chỗ, không giống như những nguồn cung thay thế cho dầu lửa của Iran, châu Âu gần như không có lựa chọn khác để thay thế cho nguồn cung năng lượng từ Nga. Nga cung cấp khoảng 30% lượng dầu khí nhập khẩu của châu Âu, nên người châu Âu đã quá phụ thuộc vào Nga về nguồn cung năng lượng cho xe cộ, sưởi ấm, thắp sáng và vận hành các nhà máy. Việc cắt nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ khiến người tiêu dùng châu Âu điêu đứng không kém gì Nga.

Chính phủ Nga đến nay cũng chưa từng ngại ngần nhắc nhở châu Âu về việc họ đang tiêu thụ năng lượng từ đâu. Đã hai lần Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine do mâu thuẫn về giá cả, khiến nguồn cung khí đốt ở Tây Âu giảm mạnh, vào ngay giữa thời điểm lạnh giá nhất của mùa đông năm 2006 và 2009.

Việc Nga chiếm Crimea đặt ra thêm rào cản cho cuộc đàm phán về xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới mang tên Dòng chảy phương Nam (Southern Stream) không đi qua Ukraine. Dự án này do tập đoàn Gazprom của Nga đề xuất và đã bị các nhà làm luật châu Âu từ chối vào tháng 12 năm ngoái. Cuộc đàm phán này sẽ càng trở nên khó khăn sau khi Crimea về Nga.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đang cân nhắc các lựa chọn khác nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu từ Nga trong dài hạn. Một trong số này là tiếp cận với nguồn dầu khí của Mỹ. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng xuất khẩu khí đốt của Mỹ hiện nay vẫn rất hạn chế, với chỉ 6 cảng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng được Quốc hội nước này phê chuẩn.

Các công ty dầu lửa của Mỹ cũng đang xem xét việc xuất khẩu công nghệ khai thác dầu khí bằng thủy lực, hay còn gọi là phương pháp “fracking”. Đây là phương pháp đã giúp sản lượng dầu khí của Mỹ tăng bùng nổ. Một số nước châu Âu, bao gồm Anh, Pháp và Ba Lan được cho là sở hữu nguồn khí đốt chưa được khai thác đủ để đáp ứng 1/10 nhu cầu khí đốt của EU cho tới năm 2035 - theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Do nhiều trở ngại về cơ sở hạ tầng và tính kinh tế của các biện pháp nêu trên, các nhà phân tích của HIS Global Insight cho rằng, Nga vẫn sẽ là nguồn cung cấp khí đốt chủ yếu của châu Âu.

Với thực tế là châu Âu đã phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga đã nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ, những lời đe dọa trừng phạt thêm đối với Moscow mà Washington và Brussels đưa ra có lẽ sẽ chỉ giới hạn ở mức mở rộng thêm danh sách những người Nga giàu có bị đóng băng tài sản ở nước ngoài.