07:53 19/03/2014

Crimea về Nga: “Nước cờ” nào tiếp theo của Putin?

An Huy

Hôm qua (18/3), Tổng thống Putin đã ký một hiệp ước đưa Crimea trở thành một phần của Nga

Tổng thống Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo tại Crimea bắt tay sau lễ ký&nbsp; hiệp ước đưa Crimea trở thành một phần của Nga - Ảnh: Reuters.<br>
Tổng thống Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo tại Crimea bắt tay sau lễ ký&nbsp; hiệp ước đưa Crimea trở thành một phần của Nga - Ảnh: Reuters.<br>
Hôm qua (18/3), Tổng thống Putin đã ký một hiệp ước đưa Crimea trở thành một phần của Nga.

Trong bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Nga được truyền hình trực tiếp cùng ngày, ông Putin nói rằng, “Crimea đã và sẽ mãi mãi là một phần không thể tách rời của Nga”. Tuy nhiên, ông cũng nói, Nga không muốn chia tách Ukraine và sẽ không bao giờ chiếm thêm một vùng đất nào của nước này.

Bài phát biểu của ông Putin đã thể hiện rõ ràng rằng, ông muốn phương Tây công nhận những lợi ích của Nga ở Ukraine.

Với việc Crimea đã về Nga, thế giới đang đặt ra một câu hỏi lớn là liệu Tổng thống Vladimir Putin sẽ làm gì tiếp theo ở Ukraine?

Hãng tin AP bình luận, không chỉ là bán đảo nơi đặt hạm đội Biển Đen, một bức tranh lớn hơn đang nổi lên cho thấy những mục tiêu mà ông Putin thực sự muốn trong cuộc chơi quyền lực này: quyền tự trị rộng lớn cho các khu vực nói tiếng Nga trên đất Ukraine, và sự đảm bảo rằng, Ukraine sẽ không bao giờ biến “cơn ác mộng” tồi tệ nhất của điện Kremlin - Kiev gia nhập NATO - trở thành sự thật.

Đối với phương Tây, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã đẩy Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) vào một thế tiến thoái lưỡng nan khó xử lý. Trong đó, phương Tây không biết nên thỏa hiệp với Moscow để ngăn chặn một cuộc xung đột quân sự, hay giữ lập trường cứng rắn và đối mặt với nguy cơ Nga sẽ tiếp tục tiến vào các vùng đất khác của Ukraine.

Putin đã gửi đi những tín hiệu rõ ràng rằng, ông có thể thực hiện những biện pháp cực đoan, nếu ông không thể giữ Ukraine bên ngoài khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đảm bảo rằng Kiev tiếp tục nằm trong quỹ đạo kinh tế và chính trị của Moscow.

Cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, trong đó tỷ lệ ủng hộ gia nhập Nga chiếm áp đảo, cũng đã làm gia tăng lo ngại các tỉnh miền Đông của Ukraine - nơi có tỷ lệ người nói tiếng Nga lớn - có thể cũng sẽ tổ chức các cuộc bỏ phiếu để giành độc lập.

Tại các tỉnh này, gần đây, người biểu tình đã chiếm các tòa nhà công quyền và treo cờ Nga trên đó. Đã xảy ra những cuộc đụng độ giữa người ủng hộ Nga tại đây với những người ủng hộ Chính phủ ở Kiev, làm gia tăng nguy cơ điện Kremlin có thể sử dụng tình trạng này như một cơ sở để triển khai quân.

Tình hình bất ổn tại các tỉnh miền Đông Ukraine rất phù hợp với lý do chính mà ông Putin đã đưa ra khi can thiệp quân sự vào Crimea: bảo vệ người dân tộc Nga. Ông Putin đã thề sẽ “sử dụng tất cả mọi biện pháp” để làm điều này ở Ukraine. Quân đội Nga cũng đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận quy mô lớn dọc theo biên giới dài 2.000 km giữa hai nước. Có thể xem đây như một tín hiệu cho thấy Nga sẵn sàng can thiệp vào Ukraine.

“Putin đã sẵn sàng để tiến xa hơn. Tôi sẽ không ngạc nhiên chút nào nếu ông ấy tiến vào những điểm khác ở phía Đông Ukraine”, bà Fiona Hill, một chuyên gia về Nga tại viện Brookings Institution ở Washington, nhận định.

Mặc dù phương Tây đã loại trừ khả năng đáp trả Moscow bằng quân sự, một số nhân vật tại Nga đã đưa ra quan điểm khá hiếu chiến.

Trong một chương trình vào cuối tuần vừa rồi, người dẫn chương trình Dmitry Kiselyov có quan hệ mật thiết với điện Kremlin nói rằng, Nga là quốc gia duy nhất có khả năng biến nước Mỹ thành “tro bụi hạt nhân”. Đây được xem là một cảnh báo u ám đối với nước Mỹ và các nước đồng minh, rằng nhà lãnh đạo Nga sẽ không từ bất kỳ biện pháp nào để đạt mục tiêu.

Fyodor Lukyanov, người đứng đầu Hội đồng Chính sách ngoại giao và quốc phòng - một tổ chức của các chuyên gia chính trị ở Mỹ - các lệnh trừng phạt của EU và Mỹ sẽ không khiến Putin chùn bước. “Nếu họ muốn một cuộc chiến tranh kinh tế, thì cứ việc. Đó là những gì mà Moscow đang nghĩ”, ông này nói.

Khi khủng hoảng Crimea leo thang thời gian qua, Putin đã thường xuyên có các cuộc đàm thoại với Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo phương Tây khác. Tuần trước, Ngoại trường Nga Sergey Lavrov cũng có cuộc gặp kéo dài 6 giờ đồng hồ ở London với người đồng cấp Mỹ John Kerry. Tuy nhiên, tất cả những cuộc đàm thoại và gặp gỡ này đều không mang lại kết quả đáng kể nào.

Hôm thứ Hai tuần này, Bộ Ngoại giao Nga đưa ra một bản tuyên bố với những “điều kiện” cho một thỏa thuận với phương Tây:

- Quyền tự trị rộng lớn cho các khu vực của Ukraine, đưa nước này trở thành một nước liên bang. Điều này được phê chuẩn bằng một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc.

- Sự trung lập của Ukraine phải được đảm bảo bởi Nga, Mỹ và EU, và được Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc phê chuẩn. Mục tiêu của điều này là nhằm ngăn Ukraine trở thành một thành viên của NATO.


Ông Oleksandr Chalyi, cựu Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Ukraine, nói rằng, nguyên nhân sâu xa đằng sau cuộc xung đột ở Ukraine chính là lo ngại của Nga về việc Ukraine có thể gia nhập NATO. Ông Chalyi kêu gọi Chính phủ Mỹ nhất trí với đề xuất của Nga về sự trung lập của Ukraine.

Trong một buổi hội thảo điện đàm do trung tâm Wilson Center ở Washington tổ chức, ông Chalyi đưa ra kịch bản để tháo ngòi xung đột: “Trong vài ngày tới, Nga nhận được một thông điệp rất rõ ràng từ Washington và Brussels về đề xuất mà họ đã đưa ra cho tương lai của Ukraine: một quốc gia trung lập vĩnh viễn với các đảm bảo quốc tế ràng buộc”.

Tuy nhiên, chuyên gia Hill của Brookings Institution nói rằng, NATO sẽ không từ bỏ quyết định để ngỏ cửa cho Ukraine gia nhập khối quân sự này. “Điều đó sẽ không xảy ra. Tôi không cho là NATO sẽ làm thế”, bà nói.

Các nhận định trên của giới chuyên gia đều có nghĩa rằng, nhiều người tin Nga và phương Tây đang bắt đầu một thế bế tắc có khả năng bùng nổ thành bạo lực.

“Nga đã đưa ra hai yêu cầu. Một là thay đổi lãnh thổ thông qua sử dụng vũ lực, giống như những gì đã diễn ra ở Crimea. Hai là một điều gần như chưa từng có trên thế giới kể từ sau chiến tranh lạnh, đó là yêu cầu của một cường quốc bên ngoài biến Ukraine trở thành một liên bang”, ông Francois Heisbourg, nhà phân tích thuộc tổ chức nghiên cứu Foundation for Strategic Research ở Paris, nhận định.

Theo ông Lukyanov, việc Crimea sáp nhập vào Nga sẽ khiến phương Tây khó đàm phán về bất kỳ nhượng bộ nào với Moscow. Rõ ràng, điện Kremlin đang hy vọng, bất ổn hiện nay ở khu vực phía Đông Ukraine rốt cục sẽ buộc Washington và EU phải ký một thỏa thuận theo ý Nga.

“Nền kinh tế Ukraine sẽ còn xấu đi và tình hình chính trị sẽ trở nên cực đoan hơn. Trở thành một liên bang có thể là cách duy nhất để đưa Ukraine trở lại hoạt động bình thường”, ông Lukyanov nói.