15:44 23/06/2017

Qatar vẫn "sống khỏe" dù bị láng giềng tẩy chay

An Huy

Khi mới bị cô lập, Qatar - quốc gia nhỏ bé ở vùng Vịnh - đã chứng kiến sự hoảng sợ của dân chúng

Qatar là một trong những nước giàu có nhất thế giới - Ảnh: Reuters.<br>
Qatar là một trong những nước giàu có nhất thế giới - Ảnh: Reuters.<br>
Bị một loạt nước láng giềng trong thế giới Arab cô lập, Qatar vẫn ổn, ít nhất là tới thời điểm này - hãng tin CNN cho biết.

Khi bị Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Bahrain, và Ai Cập đồng loạt cắt quan hệ ngoại giao và cắt toàn bộ kết nối trên biển, trên bộ và trên không, Qatar - quốc gia nhỏ bé ở vùng Vịnh - đã chứng kiến sự hoảng sợ của dân chúng. Khi đó, người dân Qatar đã đổ xô đi mua thực phẩm để tích trữ, xếp hàng dài ngoài ngân hàng chờ rút tiền, trong khi giá cổ phiếu rớt thảm hại.

Giờ đây, hơn 3 tuần đã trôi qua kể từ khi cuộc cô lập chưa từng có tiền lệ bắt đầu, và Qatar đã tìm được cách khắc phục sự trừng phạt của 4 nước láng giềng - những quốc gia cáo buộc Doha tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố và gây bất ổn ở khu vực Trung Đông.

Qatar bác bỏ những cáo buộc như vậy, và có vẻ như đã sẵn sàng cho sự cô lập kéo dài. Mới đây UAE đã cảnh báo rằng sức ép từ các nước láng giềng đối với Qatar có thể kéo dài “nhiều năm”.

Vậy Qatar đang xoay sở như thế nào với sự trừng phạt đó?

Ngành dầu khí

Dầu lửa và khí đốt đóng góp hơn một nửa tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Qatar. Nước này là quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, và phần lớn lượng LNG xuất khẩu của Qatar đến từ một mỏ khí ngoài khơi mà nước này sở hữu chung với Iran.

Khách hàng mua dầu thô và khí đốt lớn nhất của Qatar bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, và Singapore. UAE cũng là một khách hàng mua nhiên liệu lớn từ Qatar - 30% nhu cầu năng lượng của UAE được đáp ứng bởi nguồn cung từ Qatar - và hiện đường ống dẫn nối giữa hai nước vẫn đang hoạt động bình thường.

Chừng nào hoạt động xuất khẩu dầu lửa và khí đốt của Qatar vẫn diễn ra bình thường, thì sức ép đối với nền kinh tế nước này sẽ được giải tỏa.

Thực phẩm

Dù rất giàu có, quốc gia vùng sa mạc Qatar phụ thuộc nhiều vào nguồn thực phẩm nhập khẩu, trong đó 1/3 vẫn thường là hàng nhập khẩu từ Saudi Arabia và UAE.

Khi mới bắt đầu bị cô lập, người dân Qatar rất lo ngại về nguy cơ khan hiếm thực phẩm. Tuy nhiên, nỗi lo này nhanh chóng lắng xuống nhờ Chính phủ Qatar tìm được nguồn cung thực phẩm thay thế.

Iran cho biết có kế hoạch xuất khẩu 100 tấn rau quả tươi sang Qatar mỗi ngày. Các nhà sản xuất sữa Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhanh chóng nhảy vào các siêu thị ở Doha. Giá cả có tăng lên nhưng Chính phủ Qatar đã hỗ trợ người dân bằng các chương trình trợ giá.

Lệnh cấm vận mà láng giềng nhằm vào Qatar đã buộc các công ty vận tải phải tìm các tuyến đường mới. Chẳng hạn, các công ty cung cấp thực phẩm Ấn Độ trước đây phải đi qua UAE và Saudi Arabia để đưa hàng vào Qatar. Giờ đây, họ đưa hàng hóa bằng máy bay thẳng tới Qatar.

Lao động nhập cư

Trong số 2,2 triệu cư dân sinh sống ở Qatar hiện nay, chỉ có khoảng 12% là người Qatar. Quốc gia này phụ thuộc vào nguồn lao động nhập cư để duy trì các hoạt động kinh tế. Lao động nước ngoài làm việc trong mọi ngành ở Qatar, từ y tế tới truyền thông, từ giáo dục tới năng lượng.

Số lao động nhập cư ở Qatar được dự báo sẽ đạt đỉnh năm nay, khi hàng chục nghìn lao động từ những nước như Ấn Độ và Nepal tới Qatar để xây dựng các sân vận động để chuẩn bị cho giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2022.

Khi cuộc khủng hoảng ngoại giao của Qatar vừa xảy ra, Chính phủ Philippines đã vội cấm hoạt động xuất khẩu lao động sang Qatar, với lý do lo ngại về sự an toàn của 140.000 công dân Philippines đang ở Doha.

Tuy nhiên, Manila đã nhanh chóng gỡ bỏ lệnh cấm này “do nhận thấy sự bình thường trở lại các điều kiện ở Qatar, cũng như sự đảm bảo an toàn cho người Philippines mà Qatar đưa ra”, Chính phủ Philippines cho biết trong một tuyên bố.

Hoạt động hàng không

Hãng hàng không quốc gia Qatar Airways đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự trừng phạt của các quốc gia láng giềng. Bị 4 nước cấm sử dụng không phận, hãng này mất 18 điểm đến và buộc phải dừng khoảng 50 chuyến bay mỗi ngày.

Ngoài ra, Qatar Airways cũng phải tránh không phận của UAE, Bahrain, Ai Cập, và Saudi Arabia trong các chuyến bay tới các điểm đến khác trên thế giới. Điều này đồng nghĩa với thời gian bay dài hơn và chi phí nhiên liệu gia tăng. Một chuyến bay thẳng từ Doha tới Khartoum hiện mất 6 giờ, dài gần gấp đôi so với trước đây.

Qatar Airways, hãng hàng không mới đây nhận giải “Hãng hàng không của năm” do Skytrax trao tặng, không tỏ ra nao núng. Giám đốc điều hành (CEO) của hãng, ông Akbar al Baker nói rằng hãng đang lên kế hoạch mở thêm nhiều chuyến bay mới tới các điểm đến khác để bù đắp những chuyến bay bị dừng và sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch đã có từ trước về bổ sung 24 điểm đến mới trong 12 tháng tới.

Quỹ đầu tư quốc gia

Nhờ tài nguyên khoáng sản dồi dào, Qatar là một trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới. Nước này sở hữu một quỹ đầu tư quốc gia trị giá 335 tỷ USD và có nhiều khoản đầu tư khắp toàn cầu. Danh mục của quỹ này trải rộng trong nhiều lĩnh vực, từ cổ phần trong hãng xe hơi Đức Volkswagen tới cổ phần trong hãng bán lẻ hàng cao cấp Tiffany & Co. của Mỹ.

Sự giàu có của Qatar vẫn không thể khiến một số nhà phân tích lo ngại. Sau khi Qatar bị láng giềng cô lập, tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s đã hạ điểm tín nhiệm của nước này, cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng ngoại giao có thể khiến giới đầu tư rút mạnh vốn khỏi Qatar. Những nước Arab tẩy chay Qatar vẫn có những khoảng đầu tư lớn ở nước này.

Niềm tin của giới đầu tư đã bị lung lay, và thị trường lo ngại về khả năng xảy ra một cú sốc tài chính. Tuy nhiên, nguồn tài sản khổng lồ của Qatar đã mang đến ít nhiều sự bảo vệ. “Tài sản và vốn đầu tư ở nước ngoài của chúng tôi tương đương hơn 250% GDP, nên chúng tôi khá thoải mái”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Qatar Ali Shareef al Emadi nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC.

Nhưng theo ông Farouk Soussa, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Citibank khu vực Trung Đông, quỹ đầu tư quốc gia của Qatar “đủ lớn để bảo vệ Qatar trước sự tẩy chay của các nước láng giềng, thậm chí cả khi đã tính đến độ thanh khoản và khả dụng của một phần lớn trong số các tài sản này”.

World Cup 2022

Cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh có nguy cơ gây gián đoạn công tác chuẩn bị cho World Cup 2022 do nhiều chuyến bay bị dừng và tình trạng đóng cửa biên giới trên bộ giữa Qatar với Saudi Arabia.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố vào đầu tuần này, ủy ban tổ chức World Cup của Qatar nói rằng “công tác xây dựng đang tiến triển nhanh chóng tại tất cả các sân vận động và khu vực hạ tầng cho giải đấu”. Cũng theo tuyên bố này, Khalifa International Stadium, một trong 8 sân vận động đang được xây dựng ở Qatar, sẽ hoàn tất vào tháng 5/2018.