17:14 16/06/2017

Saudi Arabia đã đi quá xa trong cuộc khủng hoảng Qatar?

An Huy

Nước sơn bóng bẩy về sự đoàn kết của các nước Arab ở vùng Vịnh đã không còn nữa

Phó thái tử kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Saudi Arabia, ông Mohammed Bin Salman - Ảnh: Reuters/BBC.<br>
Phó thái tử kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Saudi Arabia, ông Mohammed Bin Salman - Ảnh: Reuters/BBC.<br>
Đến giờ, người dân ở vùng Vịnh vẫn còn cảm thấy sốc.

Qatar, một nước Arab, đã trở thành đối tượng trong một cuộc trừng phạt chưa từng có tiền lệ của các quốc gia láng giềng ở vùng Vịnh. Dẫn đầu cuộc trừng phạt này là Saudi Arabia.

Theo hãng tin BBC, các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao được tung ra đối với Qatar dựa trên những cáo buộc cho rằng Doha từ lâu đã tài trợ cho các nhóm khủng bố và theo đó gây bất ổn trong khu vực. Về phần mình, Qatar một mực phủ nhận tất cả những cáo buộc này.

Vùng Vịnh không còn là vùng Vịnh

Liên minh trừng phạt Qatar đến nay đã đóng cửa không phận đối với hãng hàng không Qatar Airways, dừng xuất khẩu hàng hóa sáng Qatar, trong khi công dân Qatar tại các quốc gia này bị trục xuất.

Nước sơn bóng bẩy về sự đoàn kết của các nước Arab ở vùng Vịnh, mà hiện thân là Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), đã không còn nữa - BBC nhận xét.

Giới quan sát dự báo rằng cuộc khủng hoảng này sẽ được giải quyết bằng con đường đàm phán. Nhưng dù có như vậy, thì vùng Vịnh sẽ không bao giờ trở lại là vùng Vịnh của trước kia nữa.

Đã xuất hiện những mối lo rằng cuộc trừng phạt của các nước láng giềng nhằm vào Qatar sẽ đẩy khu vực này vào một con đường mới, đầy rẫy những hiểm nguy.

Hành động cô lập Qatar được khởi xướng bởi Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, và Ai Cập - bốn quốc gia nằm dưới sự lãnh đạo của người Hồi giáo dòng Sunni. Lãnh đạo các nước này nhìn thế giới qua lăng kính của hai mối đe dọa chính đối với họ: Iran và Hồi giáo chính trị, cùng với bạo lực thánh chiến Hồi giáo. Các nước này cáo buộc Qatar khuyến khích cả hai mối nguy đó.

Lỗi do ai?


Về vấn đề Iran, cáo buộc nhằm vào Qatar có vẻ như thái quá. Qatar và Iran sở hữu chung mỏ khí tự nhiên lớn nhất thế giới, mỏ South Pars/North Dome Field nằm ngoài khơi. Vị trí địa lý đã khiến hai nước này trở thành láng giềng của nhau, và họ cần phải sống chung.

Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có chuyến thăm mới đây tới Riyadh và đưa ra những lời chỉ trích mạnh mẽ đối với Tehran, giới cầm quyền ở Saudi Arabia có vẻ như muốn các nước Arab ở vùng Vịnh lập một mặt trận đoàn kết nhằm chống lại “kỳ phùng địch thủ” Iran.

Trong mắt Saudi Arabia, Qatar không đứng về cùng phe với họ.

Về vấn đề Hồi giáo chính trị, có thể dễ dàng nhận thấy vì sao các nước vùng Vịnh cảm thấy bị đe dọa bởi hành động của Qatar.

Gia tộc trị vì Qatar, nhà Al-Thani, từ lâu đã ủng hộ Anh em Hồi giáo, một tổ chức ủng hộ thành lập một nhà nước Hồi giáo trải rộng mà nếu ra đời có thể gạch tên những nhà lãnh đạo hiện tại. Ngoài ra, Qatar cũng ủng hộ các phong trào Hồi giáo ở Ai Cập, Libya, Syria, và dải Gaza.

Chưa kể, Qatar còn bị cho là “bật đèn xanh” cho kênh truyền hình quốc gia của nước này Al-Jazeera phát sóng những nội dung chỉ trích lãnh đạo các nước Arab khác.

Về chủ nghĩa khủng bố, bức tranh kém rõ ràng hơn. Saudi Arabia và các đồng minh cáo buộc Qatar bơm tiền cho các nhóm khủng bố, chủ yếu là ở Syria và Iraq. Nhiều người nói rằng đây là một trường hợp “đạo đức giả”, kiểu như “chuột chù chê khỉ rằng hôi”.

Trong một nỗ lực nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhưng thất bại, chính Saudi Arabia đã bơm hàng trăm triệu USD cho các chiến binh Hồi giáo cực đoan dòng Sunni ở Syria, và một phần số tiền này bị cho là đã rơi vào tay tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Nhưng cũng cần phải nói là Qatar có mối liên hệ với Mặt trận al-Nursa ở Syria, một nhóm có quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda.

Giới tình báo Qatar từng tiết lộ với phóng viên của BBC về việc họ thuyết phục được al-Nursa phóng thích con tin, mà thông thường, nhóm này thường đòi hỏi sự trao đổi lớn cho những vụ phóng thích như vậy.

Hồi tháng 4 năm nay, có tin Qatar phải trả khoản tiền chuộc 1 tỷ USD cho các nhóm khủng bố ở Iraq, và một phần cho Iran, để cứu 26 vị hoàng tử bị bắt cóc trong khi đang đi săn chim. Tuy nhiên, Qatar phủ nhận thông tin này.

Những rắc rối của Saudi Arabia


Mặc dù hành động cô lập và trừng phạt Qatar phản ánh quan điểm chung của một nhóm nước, nhưng đi đầu trong việc này là vị phó thái tử 31 tuổi của Saudi Arabia, ông Mohammed Bin Salman, thường được gọi tắt là MBS, người đồng thời cũng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của nước này.

Câu hỏi mà nhiều người đặt ra lúc này là liệu có phải MBS đã đi quá xa?

Bản thân Saudi Arabia cũng đã có những rắc rối của riêng mình. Trong 2 năm qua, Saudi Arabia và UAE dính líu vào cuộc nội chiến gây tổn thất nặng nề và chưa có đấu hiệu sớm kết thúc ở Yemen. Ngoài ra, Saudi Arabia còn đương đầu với sự nổi dậy âm ỉ ở khu vực phía Đông nước này, nơi người Hồi giáo dòng Shia chiếm đa số.

Saudi Arabia cũng là một thành viên trong liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu. Vì lý do này, IS đã đánh bom nhiều nhà thờ Hồi giáo ở Saudi Arabia và đe dọa sẽ có thêm những cuộc tấn công tương tự.

Trong dài hạn, cái giá của việc cô lập Qatar đối với Saudi Arabia có thể trở thành tổn thất kinh tế. Để thu hút các doanh nghiệp và tạo việc làm cho lực lượng dân số trẻ ngày càng đông, các nước vùng Vịnh cần có sự ổn định và một môi trường kinh doanh thân thiện. Cuộc khủng hoảng đang diễn ra đi ngược lại những điều này.

Càng kéo dài, cuộc khủng hoảng sẽ càng gây tổn thất, không chỉ đối với Qatar và dân số khoảng 1 triệu người, rất giàu có của nước này, mà đối với toàn bộ khu vực.