Quản lý đất đai sau cổ phần hóa: Tránh làm thất thu ngân sách
Nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng đất sau cổ phần hoá nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ làm lãng phí nguồn lực đất đai, gây thất thu ngân sách
Nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng đất sau cổ phần hoá nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ làm lãng phí nguồn lực đất đai, gây thất thu ngân sách, đồng thời làm giảm hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tổng hợp số liệu báo cáo chưa đầy đủ của 36/74 tập đoàn kinh tế, tổng công ty trên 47/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình quản lý, sử dụng đất của các doanh nghiệp sau cổ phần hoá cho thấy các doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng hơn 327.000 ha đất.
Công tác quản lý còn lỏng lẻo
Trong đó, các doanh nghiệp sau cổ phần hoá thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty đang quản lý, sử dụng là 204.194 ha, bao gồm: đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ là 92.874 ha, đất sản xuất nông nghiệp là 57.773 ha; đất lâm nghiệp là 51.555 ha; đất thương mại, dịch vụ là 81 ha; đất phi nông nghiệp còn lại là 736 ha; đất ở là 255 ha; đất nông nghiệp còn lại là 920 ha.
Các doanh nghiệp sau cổ phần hoá thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang quản lý, sử dụng là 122.918 ha. Bao gồm: đất lâm nghiệp là 59.354 ha; đất sản xuất nông nghiệp là 18.484 ha; đất thương mại, dịch vụ là 26.402 ha; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ là 9.267 ha; đất phi nông nghiệp còn lại là 6.126 ha; đất ở là 1.478 ha; đất nông nghiệp còn lại là 1.807 ha.
Theo thông tin từ Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, doanh nghiệp sau cổ phần hoá chủ yếu sử dụng đất theo hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.
Cụ thể, doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm là 168.359 ha, chiếm 87,29% diện tích; doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm là 64.379 ha, chiếm 52,38% diện tích.
Tình trạng các doanh nghiệp sau cổ phần hoá sử dụng đất không đúng mục đích, chậm đưa đất vào sử dụng vẫn còn khá phổ biến. Nhưng một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thực hiện thu hồi đất của những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai.
Việc buông lỏng trong quản lý đất đai, để bị lấn chiếm đất vẫn còn diễn ra, gây khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng đất, đặc biệt đối với các doanh nghiệp sử dụng đất nông, lâm nghiệp với diện tích lớn. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Kết quả kiểm toán công tác quản lý và sử dụng đất trong và sau khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2017 của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ: tại nhiều địa phương, còn tình trạng đất sau cổ phần hoá không đưa vào sử dụng, thiếu quản lý dẫn đến hoang hoá, tranh chấp, lấn chiếm, không quản lý được do vướng mắc trước cổ phần hoá chưa được xử lý, không bàn giao đất bị thu hồi khi hết thời hạn sử dụng.
Việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án sau khi được giao đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án cũng không theo quy định, khi chưa đủ điều kiện, đơn giá chuyển nhượng thấp hơn đơn giá của UBND tỉnh tại thời điểm chuyển nhượng. Chuyển nhượng tài sản trên đất gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm không được cấp thẩm quyền phê duyệt và thay đổi mục đích sử dụng đất sau khi chuyển nhượng; thời hạn cho thuê đất vượt thời gian thuê đất còn lại...
Kiến nghị xử lý gần 1.369 tỷ đồng
Kết quả kiểm toán tại các địa phương cũng cho thấy, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi cổ phần hoá chủ yếu diễn ra ở các thành phố lớn, đất đai có giá trị lợi thế thương mại cao. Tuy nhiên, việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất lại chưa đúng quy định, không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt.
Cá biệt, có trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích đất ở đô thị có thời hạn sử dụng lâu dài cho doanh nghiệp không đúng quy định, đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển tài sản nhà nước thành tài sản thuộc sở hữu của công ty cổ phần, sau đó tiếp tục chuyển nhượng lại cho tư nhân hoặc góp vốn kinh doanh để thu lợi.
Ví như tại Đà Nẵng, Công ty lương thực Đà Nẵng đã chuyển nhượng lại 7/8 thửa đất cho tư nhân, gồm thửa đất tại 294 Cách mạng Tháng 8 rộng 885m2, 60 Hùng Vương 558 m2; 16 Lý Thường Kiệt 4.105m2; 49 Lý Thường Kiệt 976,6m2; 52 Nguyễn Chí Thanh 239m2; 751 Ngô Quyền 118,6m2; 62 Tôn Đức Thắng 591m2; 1/8 thửa đất còn lại (466,2m2 tại 95 Lê Lợi) thì góp vốn kinh doanh để hình thành pháp nhân mới.
Hay Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng - xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng đã chuyển nhượng lại cho tư nhân thửa đất 302m2 tại 158 Nguyễn Chí Thanh. Đặc biệt, đa số dự án chuyển đổi nhà xưởng, cơ sở sản xuất sang đất xây dựng nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại không xuất phát từ quy hoạch xây dựng hay quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, phần lớn các dự án đề có sự điều chỉnh quy hoạch, kiến trúc xây dựng theo hướng tăng chiều cao tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng so với quy hoạch ban đầu. Việc điều chỉnh này càng làm gia tăng dân số trong dự án, gây áp lực lên hạ tầng đô thị.
Ngoài ra, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai sau cổ phần hoá cũng còn nhiều tồn tại như: xây dựng bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất chưa đảm bảo theo quy định, chưa xây dựng hoặc chậm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất; xác định sai thời điểm, sai căn cứ tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; doanh nghiệp chưa kê khai nộp tiền thuê đất, chậm nộp tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, trong khi cơ quan thuế chậm áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế để thu hồi nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất phải nộp.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đề nghị xử lý tài chính 1.368,8 tỷ đồng. Trong đó, các khoản tăng thu là 577,6 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 791,2 tỷ đồng. Đồng thời xem xét, thu hồi gần 7.592m2 và 3 thửa đất chưa xác định diện tích.