Quản lý khách sạn: Cuộc chơi mới của các doanh nghiệp Việt tiên phong
Hợp tác với các thương hiệu quản lý khách sạn hàng đầu thế giới là con đường quen thuộc của nhiều nhà đầu tư phát triển du lịch tại Việt Nam
Hợp tác với các thương hiệu quản lý khách sạn hàng đầu thế giới là con đường quen thuộc của nhiều nhà đầu tư phát triển du lịch tại Việt Nam. Song, vẫn có một con đường khác, không dễ dàng nhưng đang dần trở thành xu hướng khi một số nhà đầu tư và phát triển du lịch tự quản lý - vận hành bất động sản nghỉ dưỡng thông qua thương hiệu riêng.
"Ngoại" lấn sân, "nội" tạo thị trường…
Du lịch Việt Nam phát triển bùng nổ, bất động sản nghỉ dưỡng trở thành mỏ vàng thu hút các doanh nghiệp trong nước đầu tư. Cùng với các dự án nghỉ dưỡng quy mô ngày càng lớn, hướng tới đón dòng khách quốc tế, sự hiện diện của các nhà quản lý và khai thác khách sạn hàng đầu thế giới tại Việt Nam là tất yếu. Các thương hiệu này đã liên tục có các động thái đáng chú ý.
Mới đây nhất, việc Marriott mua lại 1.200 khách sạn thuộc 11 thương hiệu của Starwood - đơn vị đứng thứ 7 trong top 10 tập đoàn khách sạn lớn trên thế giới đã khiến "dấu chân" của "ông trùm" này có mặt nhiều hơn thị trường Việt Nam.
Ngoài Hà Nội và Phú Quốc, thương hiệu Marriott sẽ phủ tới Cam Ranh, Sa Pa. Các thương hiệu khách sạn lâu đời như Le Méridien, Sheraton… sẽ về chung nhà với Marriott, đánh dấu sự bành trướng của những tập đoàn khách sạn lớn tại Việt Nam.
InterContinental (IHG) cũng bắt tay với SunGroup trở thành người quản lý của khu nghỉ dưỡng InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula hoặc hợp tác với BIM Group để quản lý khách sạn InterContinental Phú Quốc.
Với mong muốn nhanh chóng đạt chuẩn cao cấp quốc tế và tham gia thị trường toàn cầu, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng chi lớn nhằm hợp tác với các thương hiệu quản lý khách sạn top đầu thế giới.
Thống kê của Savills thể hiện, năm 2010 có 30 khách sạn được vận hành bởi các thương hiệu nước ngoài nhưng đến cuối năm 2017, con số này đã tăng lên 79 khách sạn, chủ yếu ở phân khúc 5 sao.
Vậy các thương hiệu quản lý khách sạn "nội" đang ở đâu trong bức tranh gần như bị phủ kín các tên tuổi ngoại?
Không có nhiều cái tên để nhắc tới nhưng một số doanh nghiệp Việt như VinGroup, Ocean Hospitality, H&K Hospitality… đã tự khai phá thị trường và đứng vững trước sự cạnh tranh gay gắt.
Tiến sĩ Võ Quế - chuyên gia du lịch hàng đầu Việt Nam nhận định các doanh nghiệp Việt có những lợi thế nhất định khi bước chân vào địa hạt quản lý bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp với thương hiệu của riêng mình.
Đáng kể nhất là các nguồn lực đất đai, vốn, kinh doanh trên sân nhà với nguồn lao động Việt Nam cần cù, hiểu sâu sắc văn hóa bản địa để tối ưu hóa trải nghiệm của du khách… Tiến sĩ Võ Quế lạc quan, nếu có định hướng tốt và không ngừng tiếp thu, rút tỉa kinh nghiệm, các thương hiệu của doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể "mang chuông đi đánh xứ người".
Dấu ấn của thương hiệu Việt
Bên cạnh những thương hiệu Việt đã định hình trong lĩnh vực khai thác vận hành khách sạn, resort như Vingroup, OCH, H&K…, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng còn biết tới Crystal Bay Hospitality với những dấu ấn đặc biệt.
Một cách âm thầm, Crystal Bay Hospitality quản lý và khai thác các dự án nghỉ dưỡng 4 - 5 sao tại 2 trung tâm du lịch sầm uất bậc nhất cả nước là Nha Trang và Phan Thiết (Mũi Né, Bình Thuận).
Là thương hiệu nội nhưng Crystal Bay Hospitality liên tiếp đạt hiệu quả kinh doanh nổi trội, khiến bất kỳ cái tên ngoại nào cũng phải mong muốn. Nếu Cam Ranh Riviera Beach Resort & Spa luôn đạt công suất buồng phòng trên 90% thì The Sailing Bay Mũi Né lại có công suất buồng phòng hơn 80% các kỳ trong năm.
Tới đây Crystal Bay Hospitality tiếp tục tham gia quản lý nhiều tổ hợp nghỉ dưỡng khác như: SunBay Park Hotel & Resort Can ranh sẽ được đưa vào vận hành cuối năm nay hay SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang…
Ngoài chất lượng dịch vụ tốt, làm hài lòng nhu cầu của khách lưu trú, Crystal Bay Hospitality thừa hưởng hiệu quả những thế mạnh của Tập đoàn mẹ là Crystal Bay.
Thông qua dịch vụ inbound, hàng năm Crystal Bay đưa dòng khách quốc tế lớn vào thị trường Việt Nam, nổi bật là dòng khách Nga. Năm 2018, 360.000 du khách Nga của Crystal Bay đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Cam Ranh thông qua 1.500 chuyến bay charter với 18 máy bay thuê chuyến.
Từ nguồn khách lớn và liên tục tăng trưởng của Crystal Bay, thách thức lớn nhất của các đơn vị vận hành bất động sản du lịch cao cấp là thu hút du khách quốc tế, lấp đầy hệ thống buồng phòng đã không còn khó với Crystal Bay Hospitality.
Theo giới kinh doanh lưu trú, Crystal Bay Hospitality đang tạo nên sự khác biệt so với các tập đoàn nước ngoài nhờ tính linh hoạt và đa dạng của sản phẩm.
"Crystal Bay Hospitality không phân biệt theo các tiêu chuẩn cứng nhắc mà các sản phẩm hướng đến sự đa dạng, linh hoạt nhằm phù hợp với nhu cầu và đặc tính của du khách và lượng khách quốc tế đa dạng từ các quốc gia, sắc tộc khác nhau", bà Nguyễn Thị Duyên - Giám đốc Crystal Bay Hospitality, nhấn mạnh.
Đây cũng là điều kiện lý tưởng để đơn vị này định hướng mở rộng sang phân khúc khách sạn 3 - 4 sao.
Người đứng đầu Crystal Bay Hospitality cho biết thêm, thương hiệu hướng đến việc trải nghiệm thị trường và sức mạnh cộng hưởng từ hệ sinh thái của tập đoàn mẹ, gồm lữ hành, vận chuyển, lưu trú, vui chơi giải trí và mua sắm. Bởi vậy, du khách tới với các khu nghỉ dưỡng thuộc hệ thống đều được sử dụng dịch vụ All Inclusive, phủ tới tất cả nhu cầu của một chuyến đi. Riêng với du khách châu Á sẽ có các hành trình đưa vào trung tâm thiết kế theo sở thích.
Trong động lực cá nhân hóa trải nghiệm đến từng khách hàng, Crystal Bay Hospitality gắn kết đặc biệt đến cộng đồng cũng như chính quyền địa phương. Tất cả nhằm đem đến cho du khách những gì tốt đẹp nhất khi trải nghiệm và nghỉ dưỡng tại các khu nghỉ dưỡng được quản lý.
Bằng những chiến lược riêng, Crystal Bay Hospitality hay các thương hiệu quản lý khách sạn Việt khác đã thực sự đặt những dấu ấn đáng nhớ trên "lãnh địa" vốn tràn ngập thương hiệu ngoại. Điều đó đồng nghĩa, những tên tuổi Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng và tạo ra thị trường riêng cho mình.